Ba lần bị bán làm vợ

Ba lần bị bán làm vợ
TP - Mười sáu tuổi, Nguyễn Thị Chính (SN 1980, trú tại xã Quỳnh Trang, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) bị lừa bán sang Trung Quốc. Sau 13 năm lưu lạc, cuối năm 2009, cô tự giải thoát, tìm đường về đất mẹ.
Ba lần bị bán làm vợ ảnh 1
Nguyễn Thị Chính bật khóc khi kể lại quãng đời buồn tủi xứ người - Ảnh: Quang Long

Mười ba năm nơi đất khách quê người, ba lần Chính bị bán làm vợ người ta. Năm 16 tuổi cô phải làm vợ của một ông già tuổi 60. Đoạn trường bão giông, với biết bao đắng cay, tủi hận.

Chúng tôi biết Chính qua mấy bức ảnh Đình Lộc chụp. Cô thôn nữ khả ái, đôi mắt thật buồn, nụ cười khô héo. Ngay cả khi cô gượng cười, thì nụ cười vẫn phảng phất thương đau.

Chính ngoài đời và trong ảnh có khác gì nhau? Còn điều chi uẩn khúc cô chưa kể trong quãng thời gian 13 năm lưu lạc xứ người? Tủi hận nào hằn in trong 3 lần cô bị bán làm vợ? Tôi nhấn ga cho xe chạy nhanh về thôn Nam Hoa, xã Quỳnh Trang.

Cảnh nghèo

Căn nhà xập xệ nằm cạnh bờ kênh Thác, xung quanh trồng chuối, khoai lang. Ông Nguyễn Văn Ninh, cha của Chính nói: “Gia đình tôi 8 lần chuyển chỗ ở, kỷ lục nhất nước!”.

Bà Hồ Thị Công, vợ ông Ninh giải thích: “Trước đây, vợ chồng tôi cư trú giáp Quỳnh Tân, trong một túp lều. Vườn tược rộng thênh thang. Mấy người dân trong làng đến xin đổi nhà. Người ta cần đất trồng trọt, vợ chồng tôi cần mái ấm cho con cái, thế là đổi, đổi đi đổi lại tám lần thì về thôn Nam Hoa!”.

Ông Ninh, bà Công không nhớ cưới nhau năm nào, chỉ nhớ sinh được 8 đứa con.

Ông Ninh đưa điếu cày lên, kéo một hơi dài: “Tôi mồ côi cha từ nhỏ, vợ tôi mồ côi mẹ. Hoàn cảnh chúng tôi giống nhau như lột, phải đi ở đợ ở nhà o dượng. O dượng hai bên thấy hai đứa hợp nhau, bèn dạm hỏi, tổ chức cưới!”.

Ba lần bị bán làm vợ ảnh 2
Căn nhà tồi tàn của cha mẹ Chính ở Quỳnh Trang - Ảnh: Quang Long

Vợ chồng ông Ninh ra riêng trong túp lều dựng ở rìa làng. Ngày ngày, họ kéo nhau lên đồi đốn cây, đốt than. Đói khổ triền miên. Chẳng mấy khi gia đình ông Ninh bà Công được ăn một bữa no.

Bão tố quần nát làng Quỳnh. Gió to, nhà sập, đứa con trai đầu lòng Nguyễn Văn Minh bị cột gỗ đè lên người, tử nạn. Mất chỗ ở, vợ chồng đốt than lại dắt díu đàn con đi khai khẩn đất hoang, tìm nơi trú ngụ.

Nguyễn Thị Chính (SN 1980) thành chị cả của 6 đứa em nheo nhóc. Cơm chẳng đủ ăn, áo không đủ mặc, Chính chưa bao giờ được cắp sách đến trường.

Lấm lem, cơ cực trong khói than. Mười tuổi, Chính đã phải theo cha lên đồi đốt củi, ra đồng mò cua bắt ốc, thui thủi mang rá lên nương mót khoai, mót lạc.

Không được học hành, cái đói đè nặng lên vai, từ một thiếu nữ nhanh nhẹn hoạt bát dần dần Chính trở nên trầm lặng, ít nói. Cô như cái bóng trôi theo dòng đời, số phận.

Mẹ mìn

Xã Quỳnh Phương có một người đàn bà tên Lan thường chạy bộ lên Quỳnh Trang bán cá, nước mắm. Bà Lan vẻ mặt xởi lởi. Nhà ông Ninh nghèo, không có tiền mua thức ăn cho con, bà Lan cho mua chịu. Lâu dần thành quen.

Khi lỡ độ đường, bà Lan xin vào nhà vợ chồng ông Ninh nghỉ qua đêm. Bà Công, vợ ông thấy bà bán nước mắm tốt bụng, chẳng nghi ngờ gì. Thỉnh thoảng họ quây quần bên nhau, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, chia bùi sẻ ngọt.

Một hôm, bà Lan bảo ông Ninh: “Cha con ông xuống nhà tôi ở Quỳnh Phương làm thêm việc mà kiếm tiền đong gạo cho vợ con!”. Đang đói quắt quay, nghe nói kiếm được gạo ăn, ông Ninh gật đầu, dắt Nguyễn Thị Chính đi theo. Lúc đó, Chính 16 tuổi. Mười sáu tuổi, Chính phổng phao, da dẻ đỏ đắn.

Cha con ông Ninh đến Quỳnh Phương làm thuê được ba hôm, Chính nói với cha: “Cha ở lại làm thêm, con xin về nhổ cỏ giúp mẹ!”. Ông Ninh đồng ý. Ông tiễn con ra cổng, không ngờ đó là cuộc biệt ly kéo dài đằng đẵng 13 năm.

Chính vừa bước ra khỏi xóm thì bà Lan xuất hiện sau lưng. “Đi theo bà, bà kiếm việc cho mà mần!”, bà ta thủ thỉ. “Bà đưa cháu đi đâu, mần chi?”, cô bé ngây ngô hỏi. “Đi bán dép?”. “Cháu không có chữ, răng mà bán dép được?”. “Tao nói được là được!

Công việc nhàn thôi, chỉ đứng trông dép cho người ta, có cơm ăn, áo mặc, mỗi tháng lại được trả 500.000 đồng. Số tiền đó gửi về mà nuôi mẹ và các em của mày!”.

Chính chột dạ. 500.000 đồng đối với đứa bé khố rách áo ôm như cô, nằm mơ cũng chẳng thấy. Có cơm ăn, áo mặc, lại có tiền nuôi mẹ nuôi em, sao lại không đi?

Trong xã Quỳnh Trang, khối thanh niên thất nghiệp, chẳng có nghề ngỗng gì, giờ mình kiếm được việc làm ổn định cũng mở mày mở mặt với bạn bè. Nghĩ vậy, Chính gật đầu.

Bà Lan dẫn cô đến nhà một phụ nữ tên Hoa, cũng xã Quỳnh Phương và giao cô cho người này. Mờ sáng hôm sau, Nguyễn Thị Chính được bà Hoa đưa đi tìm việc làm.

Bà Hoa giúi cho Chính chiếc nón lá. “Đội nó lên, cúi xuống, đừng ngước mặt lên mà người ta nhìn thấy!”, bà ta ra lệnh. Chính lon ton bước theo bà Hoa, đi được một đoạn, chiếc xe máy từ đâu trờ tới. Bà Hoa giục cô lên xe, chạy thẳng ra quốc lộ 1A đón xe khách.

“Sau này em mới hiểu, bà ta bảo em sấp mặt xuống, đề phòng mẹ em đi bán than bắt gặp, hoặc người làng vô tình nhìn thấy!”, Chính kể.

Lưu lạc

Lần đầu tiên cô bé 16 tuổi được ngồi ô tô, lạ lẫm, thích thú, nhưng trong lòng thoảng nhẹ lo âu. Xe chạy một lèo ra Móng Cái - Quảng Ninh.

“Buổi sáng xe chạy, chiều đã đến nơi. Bà Hoa đưa em lên đò, qua một con sông, sang đất bên kia. Tại đó người ta nói thứ tiếng rất lạ lẫm, em không hiểu được!”, Chính tiếp chuyện.

Bà Hoa áp tải hàng lên ô tô, đưa đến một nơi thật xa, gặp một phụ nữ tên Dung. Chính được đưa vào một căn phòng có tivi. Tivi đối với cô bé cũng lạ lắm. “Em xem phim, thấy cảnh người chết thắt cổ, em sợ hãi vô cùng. Tự nhiên, em nghĩ một ngày nào đó, em sợ mình cũng phải tìm đến cái chết để giải thoát. Nếu không về được với cha mẹ thì em chỉ có đường chết!”, Nguyễn Thị Chính nhớ lại.

Cô bé quê mùa không hề hay biết mình đã bị bán trao tay, phía trước giăng nhiều cạm bẫy.

Giao xong hàng, người đàn bà tên Hoa lặn mất tăm.

Mất con, bà Hồ Thị Công như điên dại. Vợ chồng bà chạy đôn chạy đáo, lùng sục khắp hang cùng ngõ hẻm tìm con. Một dạo, người làng đồn ầm lên rằng, ông Ninh đã mang con đi bán cho người khác để lấy một triệu đồng.

Bà Công nghe phong thanh bà Lan dẫn con gái đi giao cho người khác, tất tưởi cắp nón xuống Quỳnh Phương đòi lại con, bị mắng một trận te tua: “Con bà khôn nhà dại chợ, đi đâu tôi mần răng biết được, hỏi ngớ ngẩn!”.

Vụ Nguyễn Thị Chính mất tích một cách bí hiểm, khiến người dân Quỳnh Trang bán tán xôn xao. Nhưng tháng năm điệp trùng, thời gian xóa nhòa dấu tích, dần dần người ta quên mất cô bé Chính. Không ai nhắc đến Nguyễn Thị Chính nữa. Mọi người nghĩ rằng cô chẳng bao giờ trở về làng Quỳnh.

----------------------

Còn nữa

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.