Bắc Giang: Trưởng ban Dân tộc ăn chặn tiền chính sách

Bắc Giang: Trưởng ban Dân tộc ăn chặn tiền chính sách
Khai khống số ngày tập huấn để rút hàng trăm triệu đồng tư túi. Và đương nhiên là vài trăm cán bộ ở 44 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của tỉnh thiếu thốn đủ bề vẫn không được hưởng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước vì đã bị… ăn chặn! 

Nhận được đơn thư bạn đọc, PV Tiền Phong đã tìm hiểu sự việc và thấy rằng, những gì được lôi ra ánh sáng chưa phải là tất cả…

Khai khống vài ngày, cầm tay trăm triệu…

Ông Lương Thanh Hà, lái xe của Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang phản ánh với Tiền Phong, ông Chu Thế Độ - Trưởng ban Dân tộc - có nhiều vi phạm trong quản lý sử dụng tài chính công, thiếu dân chủ trong tập thể.

Cụ thể ông Độ đã chỉ đạo khai khống số ngày tập huấn của dự án nâng cao năng lực cho cán bộ các xã ĐBKK của tỉnh; bất minh trong việc sử dụng tiền quỹ cơ quan, nợ nần các hàng quán, sử dụng xe công vào việc riêng…

Trong chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc các xã ĐBKK, ông Độ đã thông đồng với đơn vị cung ứng cây giống là Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm rau quả (Bộ Nông nghiệp) nâng giá gấp 3 lần so với thực tế để hưởng chênh lệch.

Cụ thể giá cây xoài, hồng nhân hậu chỉ khoảng 3-4 nghìn đồng/cây nhưng thực tế giá 2 loại cây này được tính từ 8-9 nghìn đồng. Năm 2002 chỉ tổ chức tập huấn 5 ngày nhưng ông Độ lại chỉ đạo cấp dưới lập chứng từ  quyết toán 12 ngày.

Năm 2003, tổ chức lớp tập huấn tại 4 huyện, mỗi huyện 5 ngày nhưng lại quyết toán 10 ngày. Chế độ ăn của học viên chỉ chi 10 nghìn đồng/ngày nhưng lại quyết toán 15 nghìn đồng…

Được biết mỗi buổi tập huấn thành phần là cán bộ chủ chốt của xã, trưởng các ban ngành, đoàn thể của xã; trưởng thôn, bản và thành viên ban giám sát ở 44 xã ĐBKK. Như vậy theo đúng thành phần triệu tập thì mỗi xã phải có tới 13 người, mỗi buổi phải chi vài chục triệu đồng…Và vì vậy chỉ cần khai khống vài ngày tập huấn số tiền ngân sách bị rút đã khoảng 160 triệu đồng.

Đại sự thành tiểu sự, tiểu sự thành …vô sự?

Theo đơn thư tố cáo, Tổ kiểm tra của ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy vào cuộc và xác nhận: “đơn tố cáo nêu việc nợ các cơ quan nhà hàng để các nhà hàng đòi nợ, phàn nàn gây mất uy tín của cơ quan là có cơ sở”;  về việc sử dụng ô tô của cơ quan bừa bãi là có thực: “Ô tô của Ban hoạt động thường xuyên nhiều khi cả thứ bảy chủ nhật và ngày lễ. Có những ngày đưa gia đình đồng chí Độ đi thăm quan, nghỉ mát, có những ngày con đồng chí Độ cũng sử dụng xe…”.

Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến sử dụng tài chính, kết quả và lý giải tổ kiểm tra có nhiều điều lạ! Số tiền quyết toán khống không phải là 160 triệu đồng mà chỉ còn 104.827.400 đồng. Hơn 104 triệu này lại được tổ kiểm tra lý giải thật… đặc biệt: “Sau khi nghiên cứu bản giải trình của đồng chí Độ… tổ kiểm tra thấy có 81.470.000 đồng được sử dụng vào việc của cơ quan (thông qua các bảng kê ông Độ nghĩ ra-TG), số còn lại 3.357.400 đồng, đồng chí Độ cũng cho rằng sử dụng vào việc của tập thể cơ quan nhưng không có cơ sở để chứng minh việc đó”.

Vì vậy tổ kiểm tra đề nghị chỉ thu, nộp vào Ngân sách Nhà nước số tiền không giải trình được là hơn 23 triệu đồng và kèm theo hình thức kỷ luật là… cảnh cáo!(?). Đối với kế toán trưởng Phạm Thị Diệp Ánh, UBKT giao cho chi bộ Ban Dân tộc xem xét hình thức xử lý kỷ luật.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Tống Ngọc Bắc, ủy viên UBKT tỉnh ủy - Tổ trưởng tổ kiểm tra nói: “Chúng tôi biết rằng việc sử dụng số tiền trên là sai nguyên tắc tài chính nhưng điều chúng tôi quan tâm hơn là có thực sử dụng vào việc cơ quan hay không để có cơ sở xác định nên thu hồi hay không thu hồi!”(?).

Còn những “góc khuất”!

Theo cách lập luận của tổ kiểm tra thì phải chăng số tiền hơn 81 triệu đồng do khai khống ngày tập huấn mà có dùng chi vào việc của cơ quan là hợp pháp, là chính đáng? Hơn thế nữa liệu rằng những khoản chi như trả nợ cũ, chúc mừng thành lập các ngành, thăm người ốm, chi hội họp, ủng hộ từ thiện, xây dựng mua sắm nhỏ, chi ngày lễ, tết cho CBCNV, chè, văn phòng phẩm…có thực hay mới được “chêm” vào?

Nếu không lấy từ tiền quyết toán khống thì mọi năm những khoản chi này sẽ phải lấy ở đâu? Phải chăng việc khai khống, quyết toán khống để lấy tiền ngân sách là sai nguyên tắc thì lẽ nào chỉ cần chia cho mọi người cùng tiêu và khoác cái mũ tập thể là xong?

Ông Nông Văn Hợi, Bí thư chi bộ- Phó Ban Dân tộc Bắc Giang nói: “Thật ngại ngần khi phải vạch áo cho người xem lưng nhưng quả thật ông Độ đã có nhiều việc làm thiếu minh bạch, dân chủ, công khai nhất là trong quản lý sử dụng tài chính. Việc gì chứ ăn chặn tiền chính sách của đồng bào các xã ĐBKK là không thể chấp nhận được”.

Nhiều cán bộ trong Ban Dân tộc khi tiếp xúc với chúng tôi cũng đều bày tỏ sự bất bình về những vi phạm của ông Độ và cả cách làm của tổ kiểm tra. Đã có cán bộ trong Ban khẳng định, không chỉ khai khống năm 2002, 2003 mà cả năm 2001 khoảng 180 triệu kinh phí tập huấn nhưng Ban không tổ chức tập huấn một ngày nào và vẫn cứ quyết toán khống, ăn chặn tiền chính sách!(?). Tất cả những “góc khuất” này rất cần soi tỏ!

MỚI - NÓNG