Bác sĩ truyền nhầm máu, bệnh nhân tử vong

Bác sĩ truyền nhầm máu, bệnh nhân tử vong
TPO - Sau 2 ngày xét xử, chiều qua, TAND huyện Thanh Trì (Hà Nội) chính thức tuyên án đối với nhóm bác sỹ liên quan đến hành vi Vi phạm quy định về chữa bệnh ở Bệnh viện đa khoa Thanh Trì.
aaaa
Cho rằng mình bị cáo buộc oan, bà Dung liên tục phản đối cáo trạng và sẽ kháng cáo bản án.

Được xác định là người trực tiếp truyền máu, bác sỹ Trần Thị Xuân Dung (SN 1962) bị tuyên 16 tháng cải tạo không giam giữ, 2 năm cấm hành nghề y; hai bị cáo Nguyễn Thị Tường Vân (SN 1957, nguyên Phó GĐ Bệnh viện) và Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1982 – kỹ thuật viên truyền máu) cùng bị phạt cảnh cáo trước tòa.

Trước đó, trong ngày xét xử đầu tiên, phiên tòa thiếu vắng quá nhiều người làm chứng, giám định viên và người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Đặc biệt, phiên xử vắng ông Tạ Xuân Sơn, GĐ Bệnh viện Thanh Trì – người được cho là sẽ làm rõ được việc phân ca – kíp trực của bệnh viện.

Bên cạnh đó, theo phân tích của luật sư bào chữa cho bị cáo Dung, đây là vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại, nếu bị hại vắng mặt, sẽ không thể xác định được yêu cầu của họ trong trong quá trình xét xử, như vấy sẽ không đảm bảo tính khách quan.

Tuy nhiên, sau khi hội ý, hội đồng xét xử vẫn quyết định xét xử, với lời giải thích: “những yêu cầu cũng như lời khai, ý kiến chuyên môn của các bên liên quan đã có trong hồ sơ, sự vắng mặt của họ không làm ảnh hưởng đến việc xét xử, do vậy không cần thiết phải hoãn tòa”.

Trước khi bước sang phần thẩm vấn, kiểm sát viên công bố bản cáo trạng, theo đó, ngày 22-9-2009, Nguyễn Thị Thu Hà được phân công xét nghiệm nhóm máu của bệnh nhân Nguyễn Thị Vinh, nhưng kỹ thuật viên Hà chỉ làm một phương pháp xét nghiệm huyết thanh mẫu, dẫn đến sai nhóm máu của bệnh nhân.

Với cương vị Trưởng khoa xét nghiệm, có trách nhiệm kiểm tra các mẫu máu, bác sỹ Dung đã bỏ qua thao tác này, ký xác nhận vào kết quả của kỹ thuật viên Hà. Bên cạnh đó, bác sỹ Dung không được giao nhiệm vụ truyền máu, nhưng có hành vi truyền máu cho bệnh nhân Vinh.

Ở cương vị bác sỹ điều trị, khi thấy đồng nghiệp truyền máu không đúng y lệnh, bác sỹ Vân không đình chỉ việc làm trên, không cử người giám sát bệnh nhân trong quá trình truyền máu, không thực hiện thao tác chuyên môn theo quy định, làm bệnh nhân tử vong.

Ngay khi công bố cáo trạng, bị cáo Dung lập tức phản đối nội dung cáo buộc. Bà Dung cho rằng, mình không có mặt trong thời gian làm xét nghiệm bệnh nhân Dung.

Hơn nữa, theo quy định của bệnh viện, bác sỹ Dung không được trực đêm, không được làm chuyên môn, chỉ ký vào các kết quả xét nghiệm theo thủ tục hành chính, với chức năng quản lý chung, các kỹ thuật viên ký nháy vào kết quả đó.

“Trong phiếu truyền máu cho bệnh nhân thể hiện tên của bác sỹ và y tá truyền máu khác, không phải tên bị cáo, do vậy, không thể quy kết bị cáo trong hành vi trực tiếp truyền máu cho bệnh nhân Vinh” - bà Dung lý giải.

Cũng là ý kiến không đồng tính với cáo buộc, bác sỹ Vân khẳng định, ngay trong kết luận giám định về nguyên nhân tử vong của bệnh nhân, không chỉ 1 lý do “truyền nhầm nhóm máu”.

“Thời điểm đó, bệnh nhân Vinh thể trạng rất yếu, đang sốt rất cao, viêm phổi, cùng với thể bệnh thiếu máu tan máu tự miễn – một dạng bệnh đặc biệt, hàng nghìn người mới có một trường hợp, khi làm xét nghiệm máu, không thể đưa ra kết quả chính xác, do đó, không thể quy kết bệnh nhân tử vong do duy nhất một nguyên nhân truyền nhầm nhóm máu được” – bác sỹ Vân nói.

Cũng theo bác sỹ Vân, thời điểm điều trị cho bệnh nhân Vinh, với cương vị Phó GĐ bệnh viện, bác sỹ Vân đã giao ca trực cho một bác sỹ và y tá khác điều trị trực tiếp, do vậy, việc kết tội bị cáo Vân trực tiếp điều trị là không thuyết phục.

Mặc dù phiên xử thiếu vắng khá nhiều “nhân vật” quan trọng, có thể giúp hội đồng xét xử làm sáng tỏ bản chất vụ án, tuy nhiên, một bản án đã được tuyên. Không đồng tính với bản án này, bị cáo Dung cho biết mình sẽ kháng cáo.

“Muốn chụp ảnh, hãy làm đơn xin”

Đó là phát ngôn của vị chủ tọa phiên tòa – thẩm phán Nguyễn Quốc Lập khi giải thích cho các phóng viên tác nghiệp tại phiên xử.

Trước đó, để đảm bảo hoạt động tác nghiệp báo chí theo đúng quy định của pháp luật, một số phóng viên, nhà báo đã xuất trình Thẻ nhà báo tới thư ký phiên tòa. Sự vụ này được thư ký báo cáo tới Hội đồng xét xử.

Ngay sau đó, trước khi phiên xử diễn ra, ông Lập yêu cầu các phóng viên đứng dậy và tuyên bố “các nhà báo được phép thông tin phiên xử”.

Tuy nhiên, khi một phóng viên tác nghiệp (chụp ảnh), vị thư ký tự ý “thay mặt” chủ tọa phiên tòa (theo luật định, người điều hành phiên tòa là chủ tọa phiên tòa) chặn phóng viên lại, yêu cầu về chỗ ngồi, không được chụp ảnh.

Bức xúc trước thái độ trên, các phóng viên đề nghị HĐXX làm rõ sự việc. “Muốn chụp ảnh, các phóng viên phải có giấy giới thiệu của cơ quan và có đơn xin chụp ảnh” – ông Lập tuyên bố.

Theo Viết
MỚI - NÓNG