Băm nát lòng sông, nhóm cát tặc lĩnh án

Nhóm cát tặc trong phiên xử
Nhóm cát tặc trong phiên xử
TPO - Ngang nhiên huy động cả chục tàu thủy để khai thác cát trái phép trên sông Hồng, băm nát lòng sông, nhóm cát tặc đã phải trả giá đắt.    

Sau hai ngày xét xử, TAND TP Hà Nội sáng nay (22/10) đã tuyên án đối với nhóm “cát tặc” do Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1975, ở xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, chủ nhân của bãi tập kết “Hải Yến”) cầm đầu.

Theo đó, bị cáo Hải Yến bị tòa tuyên 12 tháng tù, cùng hình phạt bổ sung 50 triệu đồng vì hành vi Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên.

11 bị cáo khác trong vụ án này bị tòa tuyên các mức án từ 6 đến 9 tháng tù.

Trước đó vào khoảng 5h30 ngày 5/1/2014, tổ công tác của Cục Cảnh sát đường thủy (Bộ Công an) phối hợp cùng Công an Hà Nội phát hiện trên tuyến sông Hồng (địa phận xã Thống Nhất, Vạn Điểm thuộc huyện Thường Tín) có 10 tàu thủy đang khai thác cát trái phép.

Vụ việc nhanh chóng được cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Từ năm 2012, trên khu vực 2 xã nói trên hình thành 2 bãi tập kết vật liệu xây dựng mang tên “Hải Yến” và “Huyền Hậu”. Bãi “Hải Yến” do Nguyễn Thị Hải Yến làm chủ. Yến trong vai trò quản lý, sử dụng, với chiều dài 120m (tính từ bờ sông vào chân đê).

Để giúp việc cho mình, Yến thuê anh trai (Nguyễn Tuấn Anh) và anh Lê Văn Hưng (SN 1969, người xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín) quản lý, theo dõi việc mua bán cát, theo dõi sổ sách, tổng hợp số liệu.

Bãi thứ hai mang tên Huyền Hậu do Nguyễn Thị Thanh Huyền làm chủ, có tổng diện tích chừng 9.600m2. Quá trình kinh doanh, Huyền thuê anh Đỗ Viết Thành (SN 1977, ở xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín) và anh Trần Đình Hiệp (SN 1971) quản lý chung.

Tài liệu truy tố thể hiện, từ năm 2012 đến tháng 1/2014, mặc dù không có giấy phép khai thác và biết rõ việc khai thác cát là vi phạm pháp luật, nhưng nhóm “cát tặc” đã dùng tàu thủy, hút cát dưới lòng sông để bán lại cho Yến và Huyền.

Về phần mình, không có giấy phép khai thác cũng như kinh doanh bến bãi, Yến và Huyền vẫn thương thuyết với nhóm chủ tàu để mua bán số lượng lớn cát từ lòng sông Hồng, thuộc địa phận 2 xã Thống Nhất và Vạn Điểm.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hành vi của nhóm bị cáo đã gây hậu quả nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên, gây thất thoát  của công hơn 100.000m3 cát, trị giá hơn 2 tỷ đồng, đồng thời làm sạt lở đất, ảnh hưởng xấu đến môi trường, có nguy cơ đe dọa tới sự an toàn của hệ thống đê điều dẫn tới khả năng gây lũ lụt.

MỚI - NÓNG