Bắt bé gái cầm biển “tôi ăn trộm” là phạm luật hình sự

Luật sư Phạm Hương Giang
Luật sư Phạm Hương Giang
TPO - Theo luật sư Phạm Hương Giang (Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và Cộng sự, Hà Nội), việc nhóm nhân viên siêu thị trói và bắt cháu bé ôm dòng chữ "Tôi là người ăn trộm” có dấu hiệu của tội Làm nhục người khác, theo Điều 121 Bộ luật Hình sự.

Luật sư có biết chuyện cháu bé ở Gia Lai bị nhóm nhân viên siêu thị làm nhục, chỉ vì hai cuốn sách?

Tôi cũng vừa biết vụ việc trên các phương tiện truyền thông, và vô cùng bất bình về cách hành xử của nhóm người đó.

Bất bình về điều gì, thưa luật sư?

Trước hết, họ đã phạm phải sai lầm rất đáng trách, khi không đánh giá đúng tính chất, mức độ phạm lỗi của cháu bé.

Trong tình huống này, hai cuốn sách chỉ có giá vài chục ngàn đồng, nhưng đã trói, buộc cháu bé, cùng các hành vi dọa nạt khác là quá nặng tay.

Thứ hai, người vi phạm là học sinh, còn quá nhỏ để nhận biết những việc mình làm có phạm luật hay không. Vậy mà những nhân viên siêu thị đã vào hùa dọa nạt cháu, đến mức xâm hại nghiêm trọng đến thể xác, tinh thần.

Với những hành vi này, những nhân viên siêu thị này có dấu hiệu Làm nhục người khác, quy định ở Điều 121 Bộ luật Hình sự.

Theo luật sư, khi nào thì phạm tội danh nói trên?

Ở tội Làm nhục người khác, được hiểu, là hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của con người.

Theo khoa học hình sự, việc xúc phạm như trên được hiểu là các hành vi lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, cạo đầu, cắt tóc, lột quần áo giữa đám đông… để làm nhục người khác.

Ở đây, dù cháu bé chưa bị những hành vi thậm tệ từ nhóm nhân viên siêu thị, nhưng việc trói chân tay, bắt đeo biển nhận mình là ăn trộm, rồi công khai trước đông người, thậm chí còn tung lên mạng xã hội với sức lan truyền lớn, cũng có thể được hiểu là hành vi cố tình làm hạ uy tín, danh dự, nhâm phẩm của cháu bé.

Nhưng để chứng minh cháu bé có bị làm nhục hay không, sẽ phải thỏa mãn những tiêu chí nào, theo luật sư?

Điều này không dễ xác định, bởi trên thực tiễn, có khi chỉ mắng một câu đã cảm thấy “bị làm nhục”, nhưng cũng có người chửi rủa thậm tệ, họ có thể cho là bình thường.

Chính vì thế, chúng ta cần xem xét đến hậu quả trực tiếp của người bị xâm hại. Bởi, đây là những tội danh mang tính nhân thân, người bị xâm hại phải cảm nhận được mình bị làm nhục, bị xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhâm phẩm.

Và cuối cùng, là yếu tố dư luận xã hội. Việc bêu cháu bé như vậy, chắc chắn sẽ tạo ra những dư luận bất lợi cho sự phát triển bình thường của học sinh đó, như gia đình, nhà trường, bạn bè và những người xung quanh.

Nếu cháu bé bị hoảng loạn, không dám đến lớp, học hành sa sút… đó chính là bằng chức rõ ràng nhất về những tổn hại từ hành vi của nhóm nhân viên siêu thị nói trên.

Xin cảm ơn luật sư!

Điều 121. Tội làm nhục người khác

Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

a) Phạm tội nhiều lần;

b) Đối với nhiều người;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

(Trích Bộ luật Hình sự)

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.