Vụ nâng giá thiết bị bưu chính viễn thông:

Bắt giam giám đốc và nguyên giám đốc Bưu điện Bình Định

Bắt giam giám đốc và nguyên giám đốc Bưu điện Bình Định
TP - Mở rộng điều tra vụ Nguyễn Lâm Thái và đồng bọn lừa đảo nâng giá thiết bị BCVT, ngày 6/7, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đồng loạt tống đạt quyết định khởi tố đối với 6 cán bộ Bưu điện tỉnh Bình Định.

6 cán bộ trên bị khởi tố cùng về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng.

Các bị can bị khởi tố gồm Nguyễn Văn Thịnh (SN 1944), nguyên Giám đốc Bưu điện Bình Định; Lê Thanh Hùng (SN 1957), Giám đốc Bưu điện Bình Định; Phạm Xuân Cảnh (SN 1947), Phó giám đốc; Nguyễn Văn Bằng (SN 1953), Kế toán trưởng; Nguyễn Văn Kha (SN 1959), Trưởng phòng Kế hoạch và Đinh Công Bửu (SN 1950), Phó phòng Kế hoạch.

Trong số này, cơ quan điều tra đã bắt tạm giam 3 bị can Nguyễn Văn Thịnh, Lê Thanh Hùng và Nguyễn Văn Kha; các bị can còn lại được tạm thời cho tại ngoại.

Theo tài liệu điều tra, từ tháng 3/2001 đến cuối năm 2004, Bưu điện tỉnh Bình Định đã ký 12 hợp đồng mua sắm, lắp đặt camera và các thiết bị bưu chính với 3 Cty trong “tập đoàn CIP” của Nguyễn Lâm Thái, với tổng giá trị các hợp đồng là 4.857.776.000 đồng.

Trong đó, riêng các hợp đồng mua sắm camera là hơn 3 tỷ đồng; phù điêu hơn 148 triệu đồng; bàn giao dịch viết thư 737 triệu đồng; bảng quảng cáo 303,3 triệu đồng; thùng thư 583 triệu đồng…

Trong số này, nguyên Giám đốc Bưu điện Bình Định Nguyễn Văn Thịnh trực tiếp ký 2 hợp đồng; Giám đốc Lê Thanh Hùng (lúc đó còn là Phó giám đốc) ký 3 hợp đồng; Phó giám đốc Phạm Xuân Cảnh ký 3 hợp đồng...

Hiện Bưu điện Bình Định đã thanh quyết toán xong 12 hợp đồng kinh tế. Theo xác minh của cơ quan điều tra, chỉ qua 12 hợp đồng này, Nguyễn Lâm Thái và đồng bọn đã gây thiệt hại khoảng 3,8 tỷ đồng, bằng thủ đoạn nâng giá thiết bị…

Ngoài ra, cả 12 hợp đồng kinh tế của Bưu điện Bình Định đều vi phạm các Nghị định của Chính phủ về quy chế quản lý đầu tư xây dựng cơ bản. Có dấu hiệu cho thấy các đối tượng đã “thông thầu” với nhau trong ký kết hợp đồng. Tại cơ quan điều tra, lãnh đạo Bưu điện Bình Định cho biết các hợp đồng trên đều được thực hiện theo hình thức đấu thầu, song trong hồ sơ đấu thầu không có thư mời thầu…

Bản thân Nguyễn Lâm Thái từng khai đã có sự bàn bạc trước với một số cán bộ lãnh đạo Bưu điện Bình Định, sau đó mới làm thủ tục để hợp thức hóa hồ sơ đấu thầu...

Liên quan đến vụ án, các bị can Vũ Anh và Vũ Ngọc Hoan (Giám đốc các Cty trong “tập đoàn CIP” của Nguyễn Lâm Thái) cũng khai ký kết hợp đồng và lắp đặt thiết bị BCVT cho Bưu điện Bình Định theo sự chỉ đạo của Nguyễn Lâm Thái, và được Thái cho hưởng 2 – 3 triệu đồng mỗi lần đi lắp đặt...

Như vậy, liên quan đến vụ án Nguyễn Lâm Thái và đồng bọn, đến nay đã có nhiều cán bộ lãnh đạo thuộc 6 bưu điện các tỉnh, thành bị truy cứu trách nhiệm hình sự, gồm: Bưu điện Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Đồng Nai, Ninh Thuận, An Giang và Bình Định. Vụ án vẫn đang được tiếp tục mở rộng điều tra.

MỚI - NÓNG