Đảm bảo cuộc sống bình yên: Đòi hỏi chính đáng

Bắt nhiều, xử nghiêm tội phạm ma túy vẫn tăng: Vì sao?

 Lực lượng chức năng triệt phá băng nhóm với tang vật ma túy ở TPHCM Ảnh do công an cung cấp
Lực lượng chức năng triệt phá băng nhóm với tang vật ma túy ở TPHCM Ảnh do công an cung cấp
TP - Mặc dù cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều vụ án tàng trữ, buôn bán ma túy có quy mô lớn, hoạt động tín dụng đen có tổ chức, tra tấn người như thời trung cổ, các loại tội phạm công nghệ cao, sử dụng bằng cấp giả nhưng một thực tế cho thấy, càng triệt phá tội phạm càng phức tạp, đe dọa cuộc sống bình yên của nhân dân.

Hàng năm, cơ quan chức năng xử lý hàng nghìn vụ án ma túy, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số án hình sự và người liên quan ma túy có thể đối diện hình phạt tử hình. Tuy nhiên, số người nghiện, người buôn bán “cái chết trắng” vẫn gia tăng.

Ma túy tính bằng tấn

Tháng 4/2019, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, triệt phá nhiều đường dây ma túy trên cả nước với khối lượng tang vật có vụ lên tới hơn 1 tấn. Điển hình, ngày 19/4, Công an TPHCM bắt giam Yeh Ching Wei, Chiang Wei (cùng là người Đài Loan) để điều tra hành vi tàng trữ, vận chuyển hơn 1,1 tấn ma tuý đá. Số ma tuý này được ngụy trang trong 103 loa thùng và chuyển từ nước ngoài về Việt Nam, đưa đến TPHCM để xuất đi nước khác hoặc tiêu thụ nội địa. 

Tương tự, ngày 15/4, Công an tỉnh Nghệ An khám xét một ngôi nhà cấp 4 tại TP Vinh và thu giữ 600kg ma túy, bắt 5 đối tượng. Hai ngày sau, người dân phát hiện 23 bao tải khả nghi bên quốc lộ 48B (đoạn qua Quỳnh Lưu, Nghệ An) nên báo cơ quan chức năng. Kiểm tra, công an phát hiện các bao tải này chứa gần 1 tấn ma tuý đá nên tiến hành điều tra, truy bắt đối tượng liên quan.

Trong tháng 3, Bộ Công an cũng triệt phá đường dây vận chuyển ma túy từ Tam Giác Vàng về Việt Nam rồi xuất ra các nước khác. Tang vật vụ án là hơn 1 tấn ma túy bị thu giữ tại Hà Tĩnh, Quảng Bình và TPHCM. Trong số 7 nghi can bị bắt, kẻ cầm đầu được xác định là Wu HeShan (người Trung Quốc). Đây là đối tượng từng ở Việt Nam trong 10 năm và đã thành lập doanh nghiệp bình phong để thực hiện các vụ vận chuyển ma túy. Mở rộng điều tra, công an còn phát hiện các đối tượng đã xuất 1 container “hạt nhựa” chứa 276kg ma túy sang Philippines.

Tăng nhanh về số vụ, bị can

Ngày 15/5, TAND TP Hà Nội đã tuyên án tử hình với 10 trong số 14 đối tượng tham gia buôn ma túy Bắc - Nam qua đường tàu hỏa. Theo thống kê của Viện KSND Tối cao, trung bình mỗi năm có 14.482 vụ/18.403 bị cáo được xét xử sơ thẩm vì liên quan ma túy; tội phạm ma túy chiếm tỷ lệ gần 22% số vụ, gần 17% số bị cáo so với tổng số các loại tội phạm. Ở giai đoạn điều tra, từ năm 2007 - 2017, tội phạm ma túy chiếm 20% số vụ đã khởi tố, 16% số bị can trong tất cả án hình sự.

Bộ Công an cũng thống kê số người nghiện ma túy cho thấy, năm 2007, cả nước có hơn 173.000 “con nghiện”, chiếm tỷ lệ 204 người/100.000 dân và đến năm 2016, số người nghiện tăng lên hơn 222.000, chiếm tỷ lệ 233 người/100.000 dân. Tuy nhiên, đây chỉ là thống kê những người nghiện có hồ sơ quản lý. Ngoài ra, tỷ lệ cai nghiện thành công chỉ 5% còn tái nghiện hơn 90%.

Đáng chú ý, tội phạm ma túy ở Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng liên tục. Theo Viện KSND Tối cao, năm 2007, nước ta xảy ra 9.054 vụ án ma túy với 12.007 bị cáo nhưng tới năm 2017, con số này gần gấp đôi, lên tới 17.261 vụ và 21.411 bị cáo (tăng 91% về số vụ; 78% về số bị cáo). Tỷ lệ tăng hằng năm cũng rất cao, cá biệt các năm 2014 - 2015 có giảm so với các năm liền kề nhưng giai đoạn 2016 - 2017 lại “vụt lên” nhanh chóng”. Được biết, tỷ lệ người phạm tội ma túy thuộc trường hợp tái phạm cũng vượt trội so với tái phạm các loại tội khác.

Việt Nam trở thành điểm trung chuyển

Về số ma túy khổng lồ bị bắt gần đây, đại tá Vũ Văn Hậu khẳng định, chúng chỉ tiêu thụ 1 phần ở Việt Nam, còn lại được xuất sang nước khác. “Đây là các đường dây ma túy quốc tế đi qua Việt Nam và chúng tôi đã chặt đứt 1 mắt xích. Nguồn ma túy từ khu vực Tam giác vàng, Lưỡi liềm vàng vào Việt Nam rồi đi các nước” - ông Hậu nói.

Đồng tình ý kiến trên, đại tá Đỗ Ngọc Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy Bộ đội Biên phòng nói thêm, gần đây lực lượng chức năng bắt giữ nhiều vụ xuất - nhập khẩu ma túy qua đường biển và giải thích: “Cảng biển Việt Nam rất phát triển nên hàng hóa qua lại lớn... Trong khi đó, điều kiện, phương tiện kiểm tra ở cảng biển của ta rất hạn chế. Đường biển cũng có thể đi nhiều nơi nhất, xa nhất và an toàn nhất vì ít bị kiểm soát”.

Tại buổi tọa đàm về tội phạm ma túy được tổ chức ngày 8/5, đại tá Vũ Văn Hậu - Phó Cục trưởng Cục phòng chống tội phạm về ma túy Bộ Công an đánh giá nguyên nhân tội phạm ma túy phổ biến ở nước ta: “Việt Nam có 250.000 người nghiện ma túy. Đó là con số được kiểm soát, còn con số chưa được kiểm soát lớn hơn nhiều".

Từ 2007-2017, tòa án các cấp xử sơ thẩm 660.198 vụ án với 1.140.090 bị cáo. Trong đó, số lượng án ma túy là 144.818 vụ (21,94%) với 184.025 bị cáo (16,14%). Đối tượng phạm tội ma túy chủ yếu vi phạm Điều 194 Bộ luật hình sự năm 1999: “Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy” với 143.878 vụ và 182.411 bị cáo; cùng chiếm tỷ lệ hơn 99%.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.