“Bầu” Kiên bị đề nghị 30 năm tù giam

Bầu Kiên tại phiên xử ngày 27/5
Bầu Kiên tại phiên xử ngày 27/5
TP - Hôm qua (27/5), phiên xét xử Nguyễn Đức Kiên tức bầu Kiên cùng đồng phạm chuyển sang phần tranh luận. Đại diện cơ quan truy tố đề nghị Tòa tuyên phạt 30 năm tù đối với bầu Kiên, về 4 tội danh.

“Bị cáo Kiên giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo”

Ngoài việc đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP Hà Nội tạm đình chỉ vụ án đối với bị cáo Trần Xuân Giá, về căn bản đại diện cơ quan công tố giữ nguyên nội dung cáo buộc như bản cáo trạng đã được Viện KSND Tối cao truy tố trước tòa.

Theo đánh giá của công tố viên, có đủ căn cứ cho thấy Nguyễn Đức Kiên, còn gọi bầu Kiên, phạm các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Trốn thuế và Kinh doanh trái phép.

Bị cáo Kiên bị cáo buộc đã lợi dụng các chính sách về quản lý kinh tế, “gây lũng đoạn thị trường tài chính Việt Nam”. Đơn cử, ở hành vi Kinh doanh trái phép, từ ngày 15/5/2007 đến 3/8/2012, Nguyễn Đức Kiên đã thông qua 6 Cty do mình làm chủ tịch để tổ chức kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký; kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng với tổng số tiền hơn 21.000 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, các bị cáo cho rằng, biên bản họp của hội đồng quản trị (HĐQT) trong việc ủy thác gửi tiền là đúng luật. Bên cạnh đó, đại diện ACB khẳng định, trách nhiệm bồi hoàn 718 tỷ thuộc về Vietinbank.

Tuy nhiên, công tố viên khẳng định, những lời khai này không có cơ sở, bởi Ngân hàng Nhà nước chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung ủy thác, do vậy việc ủy thác trên vi phạm Điều 106, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.

Hơn nữa, bản thân Huỳnh Thị Huyền Như cũng đã khai có ý đồ chiếm đoạt từ trước, và bỏ tiền túi để trả chênh lệch lãi suất cho các giao dịch từ 19 nhân viên ACB, khi gửi tiền cho mình. Số tiền thiệt hại hơn 718 tỷ đồng từ ACB, theo cơ quan công tố, được coi là hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng từ chính ACB...

Cơ quan truy tố khẳng định, bị cáo Nguyễn Đức Kiên là người giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo. Các bị cáo là cựu nhân viên của “bầu” Kiên, về căn bản được kiểm sát đánh giá chỉ là những người làm công ăn lương, hành vi phạm tội đều theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên, do vậy cần được xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.

Hướng bào chữa vô tội

Luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh (bào chữa cho bị cáo Trần Ngọc Thanh – cựu GĐ Cty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội – Cty ACBI) mở màn cho phiên đối đáp với cơ quan công tố.

“Bầu” Kiên bị đề nghị 30 năm tù giam ảnh 1

Đại diện Viện kiểm sát bảo lưu truy tố, đề nghị mức án đến các bị cáo

Theo cáo buộc từ Viện KSND Tối cao, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên (Chủ tịch HĐQT ACBI), bị cáo Thanh đã ký hợp đồng thế chấp hơn 22 triệu cổ phần Cty cổ phần tập đoàn thép Hòa Phát cho ACB để đảm bảo cho việc Cty ACBI phát hành trái phiếu trị giá 800 tỷ đồng tại ACB.

Mặc dù chưa được sự đồng ý giải chấp của ACB và Cty ACBS, nhưng bị cáo Kiên vẫn chỉ đạo Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến (cựu kế toán trưởng) lập khống Biên bản họp HĐQT, lập khống quyết định thể hiện chủ trương Cty ACBI bán 20 triệu cổ phần Cty cổ phần thép Hòa Phát, cung cấp cho Cty TNHH Một thành viên thép Hòa Phát. Việc này khiến Cty TNHH Một thành viên thép Hòa Phát tin rằng Cty ACBI đang quản lý và sở hữu 20 triệu cổ phần Cty cổ phần thép Hòa Phát, chưa chuyển nhượng hoặc không có tranh chấp...

“Tôi không đồng ý với bản cáo trạng, bởi đây là những giao kết dân sự vẫn đang được thực hiện, đang có hiệu lực, do vậy việc truy tố Nguyễn Đức Kiên về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là không có căn cứ”.

Luật sư Ngô Huy Ngọc

Về cáo buộc trên, luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh nói: “Ông Thanh không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ông Thanh không được ăn chia, không thống nhất với các đồng phạm khác, mà chỉ đơn giản là một cán bộ làm công ăn lương. Do vậy, tôi cho rằng, bị cáo này hoàn toàn không có động cơ, mục đích nào để phạm tội”.

Cũng theo luật sư, ông Thanh không hề được đưa ra bất cứ quyết sách nào, chỉ là người làm công với mức lương 5 triệu đồng/tháng; bị cáo không có bất cứ sự bàn bạc nào với các thành viên Hội đồng quản trị, chỉ là người thực hiện; bị cáo không đủ cấu thành tội phạm, bởi không chứng minh được sự “chiếm đoạt” trong vụ án.

Trong phần bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến, luật sư Phạm Thanh Phong khẳng định, thân chủ của mình không có thủ đoạn phạm tội, “mà khi đã không có thủ đoạn, nghĩa là không đủ yếu tố để cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngoài ra, theo luật sư Phong, việc chưa xác định được bị hại trong vụ án, đã thể hiện việc quy kết phạm tội là chưa thỏa đáng. Bổ sung ý kiến luật sư, bị cáo Yến cho rằng, mình chỉ là người làm công ăn lương, mong HĐXX xem xét.

Luật sư Ngô Huy Ngọc (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên) nói: “Tôi không đồng ý với bản cáo trạng, bởi đây là những giao kết dân sự vẫn đang được thực hiện, đang có hiệu lực, do vậy việc truy tố Nguyễn Đức Kiên về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là không có căn cứ”.

Cũng theo luật sư Ngọc, Viện Kiểm sát cho rằng khi không có cuộc họp HĐQT, nhưng các bị cáo vẫn “chế” biên bản cuộc họp là “khống”, nhưng ở đây không phải khống, bởi luật cho phép HĐQT được tổ chức các thể loại họp khác nhau về hình thức. Thứ hai, về nội dung cuộc họp trên là có thật, bởi qua quá trình thẩm vấn tại tòa, các thành viên HĐQT đều khẳng định đó là cuộc họp có thật. “Do vậy, tôi cho rằng, cơ quan kiểm sát đã suy diễn” – luật sư Ngọc phát biểu.

Liên quan đến nội dung lừa đảo 264 tỷ đồng của bầu Kiên đối với tập đoàn Hòa Phát, luật sư Ngọc phản pháo: “Việc cho rằng Nguyễn Đức Kiên chiếm đoạt 264 tỷ đồng của tập đoàn Hòa Phát là một quy kết đau đớn”. Theo luật sư này, đây là câu chuyện quan hệ dân sự, không thể hiện bất cứ dấu hiệu chiếm đoạt nào ở đây. “Đây là một giao dịch dân sự, giao dịch kinh tế” – luật sư Ngọc nhấn mạnh.

Hôm nay (28/5), tòa tiếp tục làm việc với phần tranh luận.

Mức án đề nghị của các bị cáo

1.Nguyễn Đức Kiên (SN 1964): Tội kinh doanh trái phép: 18 đến 24 tháng tù; Trốn thuế từ 4 đến 5 năm tù; Cố ý làm trái từ 14 đến 15 năm tù và mức án từ 16 đến 18 năm tù đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp hình phạt, bị cáo Kiên bị đề nghị 30 năm tù.

2.Lê Vũ Kỳ (SN 1956): 7 đến 8 năm tù.

3.Trịnh Kim Quang (SN 1954): 6 đến 7 năm tù.

4.Phạm Trung Cang (SN 1954): 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 5 năm.

5.Lý Xuân Hải (SN 1965): 12 đến 14 năm tù.

6.Huỳnh Quang Tuấn (SN 1958): 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 5 năm.

7.Trần Ngọc Thanh (SN 1952): 9 đến 10 năm tù.

8.Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1969): 7 đến 8 năm tù.

MỚI - NÓNG