Bầu Kiên xin được tại ngoại chữa bệnh

Bầu Kiên nói lời sau cùng bằng một “bản trình bày” khá dài
Bầu Kiên nói lời sau cùng bằng một “bản trình bày” khá dài
TP - Sáng 2/6, phiên xét xử Nguyễn Đức Kiên tức bầu Kiên chuyển sang giai đoạn nghị án. Nói lời sau cùng, bị cáo Kiên dặn vợ tuyệt đối không chạy án vì có thể “nguy hiểm tính mạng”, đồng thời xin được tại ngoại chữa bệnh.

“Tôi biết sẽ bị bắt, nhưng không bỏ chạy”


“Tôi xin HĐXX dành thời gian cho phép tôi được nói những lời công khai trong phiên tòa hôm nay. Cho tôi xin được nói đôi lời về những hệ lụy của vụ án” - tuy nhiên, vừa nói đến đây, bị cáo Nguyễn Đức Kiên bị một thành viên Hội đồng xét xử (HĐXX) ngắt lời, yêu cầu: “Bị cáo chỉ được tập trung vào lời nói sau cùng, không lan man”.

“Vâng, thưa HĐXX” - bầu Kiên nói: “Tôi xin cảm ơn những người bạn đã luôn bên tôi, hỗ trợ tôi trong công việc kinh doanh cũng như gia đình. Tôi khẳng định, tôi không bao giờ phá sản. Tôi tin tưởng tôi và vợ tôi sẽ vượt qua khó khăn này. Tôi cần sự giúp đỡ của bạn bè tôi trong lúc khó khăn này... Cho phép tôi được xin lỗi các cổ động viên CLB Bóng đá Hà Nội, tôi yêu cầu vợ tôi phải giữ đội bóng trẻ. Nếu tôi không làm được, con trai cả tôi sẽ làm. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, tôi mong thấy hình ảnh đội bóng đá Việt Nam được đá World Cup”.

Một thành viên của HĐXX tiếp tục ngắt lời, đề nghị bị cáo nói ngắn gọn. Song, bầu Kiên vẫn tiếp: “Tôi đề nghị ông kiên nhẫn và dành thời gian cho tôi... Đối với hơn 15.000 cán bộ, nhân viên ACB, tôi mong anh chị em hãy tiếp tục làm việc thật tốt, để giúp đỡ cho xã hội này. Tôi đã yêu cầu vợ, con tôi không được bán cổ phần ACB, tôi cũng yêu cầu ACB không được cắt, giảm lương cán bộ, nhân viên. Tôi có niềm tin mãnh liệt, không ai ở ACB kiện, tố cáo tôi. Tôi tin họ hiểu tôi, hiểu tôi đã đóng góp cho ACB những gì sau 20 năm qua...”.

“Tôi đã dặn dò vợ tôi, tuyệt đối không được gặp gỡ bất cứ ai để “chạy án” cho tôi, vì như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến các lãnh đạo đó và tính mạng của vợ tôi”.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên

“Tôi biết tôi sẽ bị bắt, nhưng tôi không bỏ chạy. Tôi sẽ đứng ra chịu trách nhiệm với những việc làm của mình. Tôi đã dặn dò vợ tôi, tuyệt đối không được gặp gỡ bất cứ ai để “chạy án” cho tôi, vì như vậy, sẽ làm ảnh hưởng đến các lãnh đạo đó và tính mạng của vợ tôi. Tôi có quan hệ khắp nơi trên thế giới, có visa nhiều quốc gia, nhưng tôi đã không bỏ đi... Cảm ơn các nhà báo đã phản ánh, thông tin khách quan vụ án” - ông Kiên nói.

Cũng trong lời nói sau cùng, bị cáo Kiên đề nghị Tòa nếu thật sự chưa đủ chứng cứ, đừng tuyên án vào 5/6. “Vì những tài liệu chúng tôi đưa ra, có lẽ HĐXX cần thêm thời gian để xem xét, để tránh một bản án oan cho chúng tôi... Dù phán quyết như nào, tôi mong HĐXX cho tôi được tại ngoại trong thời gian chờ thi hành bản án. Vì lý do nhân đạo, tôi mong HĐXX cho tôi được chữa bệnh” - ông Kiên đề nghị.

Sáng 9/6, Tòa tuyên án

Hầu hết các bị cáo còn lại trong lời nói sau cùng cũng đề nghị tòa xem xét giảm án cho mình. Bị cáo Trần Ngọc Thanh (cựu Giám đốc Cty ACBI) thống thiết: “Hơn 600 ngày qua, là những tháng ngày đắng cay, tủi nhục của tôi. Vì sao vậy? Tôi 17 tuổi đã theo tiếng gọi của Đảng. Suốt 42 năm công tác, luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Điều đau xót nhất chính là lúc khi tôi cầm quyết định nghỉ hưu cũng là ngày tôi bị bắt. Tôi luôn tự đặt ra câu hỏi, vì sao mình phải vào đây?

Quá trình điều tra cũng như phiên tòa này, tôi luôn thành khẩn. Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với đại diện viện kiểm sát, họ nói, “anh yên tâm, chúng tôi đầu tiên là gỡ tội”, nhưng đến phiên tòa này, tôi nghĩ không hẳn là như thế. Đến giờ phút này, tôi vẫn khẳng định mình không phạm tội. Kính mong HĐXX sớm minh oan cho tôi, cho tôi sớm được về với gia đình, xã hội”.

Để mong giảm án, nhiều bị cáo trình bày hoàn cảnh gia đình. Cựu kế toán trưởng ACB Nguyễn Thị Hải Yến nói: “Khi tôi bước chân vào trại tạm giam là bố tôi huyết áp cao, là con thơ phải xa mẹ. Đến ngày hôm nay, tôi xin khẳng định, tôi là người làm công ăn lương. Đến hôm nay, tôi phải đứng trước vành móng ngựa là điều cay đắng nhất của tôi. Tôi không biết nói gì hơn, tôi chỉ biết trông mong vào phán quyết của HĐXX. Tôi thật sự vẫn không phục khi bị kết tội đồng phạm”.

Bị cáo Lê Vũ Kỳ (cựu Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB) cũng trình bày đang có mẹ già 97 tuổi đang phải nuôi dưỡng, mong HĐXX “chiếu cố”, xem xét có lý, có tình, sai phạm đến đâu xử lý đến đó.

Với bị cáo Trịnh Kim Quang (cựu Phó Chủ tịch HĐQT ACB), ông này khẳng định không bao giờ có ý định cố ý làm trái. “Hiện tôi bị bệnh huyết áp cao và tiểu đường. Giờ mắt đã mờ, có thể bị đột tử bất cứ lúc nào. Nếu HĐXX có căn cứ cho rằng tôi không cố ý làm trái, hãy cho tôi một cơ hội được sống”- ông Quang nói.

Ông Phạm Trung Cang (cựu Phó Chủ tịch HĐQT ACB) nói không ngờ đến cuối đời lại đứng trước vành móng ngựa. “Có kề dao vào cổ mà bảo tôi ký và biết rõ đó là vi phạm pháp luật thì tôi cũng không làm. Mong HĐXX xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho tôi” – bị cáo trình bày.

Chủ tọa phiên tòa tuyên bố, sẽ tuyên án vào sáng 9/6.


MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.