Tiêu cực trong giao đất trồng rừng tại Phú Lộc - Thừa Thiên Huế:

Bé gái 8 tuổi được giao... 2ha đất

Bé gái 8 tuổi được giao... 2ha đất
TP - Lợi dụng chủ trương giao đất trồng rừng theo Chương trình 661 năm 2001, UBND xã Xuân Lộc - huyện Phú Lộc - tiến hành lập danh sách giao đất rừng, với hầu hết các “đầu hộ” là vợ, con, người nhà và đích thân cán bộ địa phương.
Bé gái 8 tuổi được giao... 2ha đất ảnh 1
Người dân Xuân Lộc bức xúc và mong muốn được làm sáng tỏ hành vi chia chác đất rừng của cán bộ địa phương

Sau 8 năm, những khuất tất về chia chác đất rừng tại Xuân Lộc mới bị phát hiện.

Giao đất rừng cho... con

Mặc dù sinh năm 1994, đang học tiểu học, nhưng năm 2001, bé Nguyễn Bích Như Ý (lúc đó mới gần 8 tuổi, là con gái của cán bộ ngân sách xã Nguyễn Công Toán) vẫn được ông Phan Văn Thể (nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc, hiện là Chủ tịch HĐND xã) đưa vào danh sách chủ hộ gia đình nhận trồng, chăm sóc 2 ha rừng theo Dự án 661, với số tiền ký nhận đợt đầu là 1.170.000 đồng.

Khó có ai hình dung nổi, một bé gái mới 8 tuổi lại có thể tham gia nhận đất trồng rừng và ký nhận chi phí chăm sóc cây cối lên đến tiền triệu(!).

Không chỉ con gái ông Toán, các con trai ông Thể thời điểm đó cũng được chính bố đẻ xác nhận đưa vào danh sách nhận trồng rừng và chi phí dự án khi chỉ mới 13 và 15 tuổi.

Chương trình 661 (Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng của Chính phủ) để ưu tiên cải thiện sinh kế cho hộ dân khó khăn do hậu quả lũ lụt lịch sử tháng 11/1999

Một người con khác của ông Thể là Phan Minh Đức, mặc dù nhiều năm không có mặt tại địa phương, nhưng vẫn được giao gần 4 ha đất rừng. Điều đáng ngạc nhiên, việc giao đất trồng rừng cho trẻ em vị thành niên, người vắng mặt lâu ngày tại địa phương nhận trồng, chăm sóc và hưởng lợi diễn ra rất nhiều năm, nhưng không bị một cơ quan chức năng nào kịp thời phát hiện, xử lý thu hồi?

Mãi đến thời gian gần đây, khi xuất hiện khiếu nại về tranh chấp đất trồng rừng trên địa bàn, hành vi bao chiếm đất rừng để giao cho đối tượng trẻ em, vợ con, người nhà, và bản thân, các “quan xã” mới bị phát hiện.

Số đông người nhà “quan xã” xí phần rừng “khắc phục lũ lụt”

Chủ trương giao trồng rừng Dự án 661, tạm ứng chi phí chăm sóc chuyển về người dân triển khai trong các năm 2000, 2001 được xem là cơ hội tốt cho nhiều hộ gia đình thuộc xã diện 135 như Xuân Lộc gượng dậy sau thiên tai, lũ lụt.

Thế nhưng, hầu hết diện tích rừng giao theo chủ trương “khắc phục lũ lụt” đều lần lượt rơi vào tay vợ, con, người nhà, thậm chí đích thân cán bộ xã Xuân Lộc. Ngay như gia đình ông Phan Văn Thể, ngoài 4 người con được chia chác đất rừng với diện tích gần 9 ha, vợ là Mai Thị Hoa cũng được giao 5,6 ha để trồng rừng “khắc phục hậu quả lũ lụt”.

Gia đình ông Nguyễn Công Toán không chỉ có mỗi bé Nguyễn Bích Như Ý được giao 2 ha đất rừng khi mới lên 8, bản thân ông và vợ là Nguyễn Thị Bích Thủy cùng một con gái khác là Nguyễn Thị Vy cũng có tên được cấp đất trồng rừng, với diện tích 5 ha.

Không chỉ gia đình các “quan xã” như Phan Văn Thể và Nguyễn Công Toán được giao rừng “khắc phục hậu quả lũ lụt”, hơn 10 trường hợp “chủ hộ” đứng tên được cấp đất rừng khác cũng là người nhà, vợ, con và bản thân cán bộ xã Xuân Lộc. Danh sách người được giao đất và chi phí trồng, chăm sóc rừng “khắc phục hậu quả lũ lụt” đều do chính tay ông Phan Văn Thể- Chủ tịch xã lúc đó- ký xác nhận.

Đối với số ít những trường hợp hộ dân có tên trong danh sách giao đất, qua xác minh của phóng viên Tiền phong, hầu hết họ không hay biết bản thân và gia đình được giao đất kèm chi phí trồng, chăm sóc rừng. Một số trường hợp được tham gia dự án, nhưng diện tích và số tiền trên thực tế lại ít hơn nhiều so với những gì ghi trong bảng danh sách của UBND xã lập năm 2001.

Đơn cử như trường hợp hộ ông Hoàng Hồng (thôn 3 - Xuân Lộc), dù có tên trong danh sách trồng và nhận tiền chăm sóc 1,2 ha rừng, nhưng đại diện gia đình lại xác nhận với phóng viên Tiền phong là họ không hề được nhận một tấc đất hay đồng xu nào liên quan đến trồng rừng (?).

Hay trường hợp hộ ông Hồ Văn Bức (bản Phúc Lộc) có tên trong danh sách được nhận hơn 4 ha rừng, nhưng thực tế chỉ được giao 0,5 ha; hộ ông Hồ Sỹ Bông chỉ được thực giao 0,5/5ha theo danh sách; hộ ông Hồ Phai thực nhận chỉ có 1.000 m2 so với diện tích 4 ha đất rừng được xã giao trên giấy...

Diện tích rừng kèm số tiền giao khống, hoặc bị chênh lệch quá lớn so với thực tế, hiện rơi vào tay ai đang là mối băn khoăn, bức xúc của nhiều người dân xã nghèo Xuân Lộc.

MỚI - NÓNG