Bến Tre: Nhiều cơ quan công quyền 'thích' bị dân kiện

Bến Tre: Nhiều cơ quan công quyền 'thích' bị dân kiện
TP - Bộ máy công quyền phục vụ dân, khi nhận ra việc làm sai với dân thì phải sửa. Lẽ giản đơn ấy hóa ra không phải đã được nhận thức đầy đủ ở một số cơ quan của tỉnh Bến Tre trong những vụ việc cụ thể sau đây.

Đêm tháng 6/1990, trời mưa to. Ông Lưu Việt Hồng đang ngon giấc trong căn nhà êm ấm cùng vợ con ở ấp 1, xã Nhơn Thạnh (TX Bến Tre, tỉnh Bến Tre) thì bên ngoài có tiếng chân rầm rập, tiếng gõ cửa. Ông bước ra và bị còng tay, dẫn đi hơn 4 cây số để đến trại giam.

Ông Hồng là một doanh nhân, đã và đang xây dựng nhiều công trình ở địa phương. 10 năm sau, ngày 16/6/2000, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TPHCM tuyên ông vô tội. Nhưng tài sản của gia đình ông đã tan nát và ông phải tiếp tục đi đòi.

Trước tiên, ông đòi Viện KSND tỉnh Bến Tre bồi thường oan sai. Viện này làm thinh nên ông phải kiện ra tòa. Mất 7 năm, ngày 5/9/2007, TAND tỉnh Bến Tre xử phúc thẩm buộc Viện KSND Bến Tre bồi thường cho ông Hồng 350.246.000 đồng. Tuy nhiên, đến giữa tháng 11/2007, Viện này vẫn chưa thi hành bản án.

Ông Hồng còn bị Phòng Giao thông TX Bến Tre nợ 41.955.070 đồng (nợ gốc từ năm 1988). Đây là tiền ông hợp đồng làm một con đường nhưng Phòng Giao thông là chủ đầu tư không trả, mặc dù năm 1989 Trọng tài Kinh tế tỉnh Bến Tre đã ra quyết định buộc Phòng Giao thông phải trả. Nay ông Hồng phải kiện ra tòa để đòi.

Ông còn có 25.323 m2 đất gồm vườn cây, ao cá, chuồng heo bị UBND xã Nhơn Thạnh tùy tiện kê biên, phát mại sau khi ông bị bắt 3 tháng. Số đất này được bán cho nhiều cán bộ địa phương hoặc thân nhân của họ. Nay ông cũng phải kiện UBND xã Nhơn Thạnh ra tòa để đòi lại.

Khi ông bị bắt, vợ con ông tan tác, khi được tuyên vô tội thì từ người giàu có ông trở thành người trắng tay. Nay đã 76 tuổi, ông Hồng nghẹn ngào nói: “Không biết tôi còn đủ sức để theo đuổi những vụ kiện đòi tài sản chính đáng ấy với các cơ quan công quyền Bến Tre hay không?”.

Ban hành các quyết định thiếu căn cứ

Ông Nguyễn Văn Tư có 3.250 m2 đất ở ấp 2, thị trấn Mỏ Cày (huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre).  Năm 1980, chính quyền thị trấn Mỏ Cày thương lượng với ông Tư mua lại mảnh đất để làm cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp giá 820.000 đồng.

Thị trấn đã lấy 1.726 m2 đất để cấp cho 3 hộ tái định cư. Nhưng vụ mua bán không thành bởi Chủ tịch UBND thị trấn Mỏ Cày là ông Nguyễn Thanh Tâm đi tù vì tội tham ô và không ai trả tiền cho ông Tư.

Ông Tư khiếu nại đòi tiền 1.726 m2 đất. Năm 1994, UBND huyện Mỏ Cày ra quyết định thu hồi tiếp 524,7 m2 đất của ông, cho rằng đó là “đất công”.

Ông Tư kêu lên tỉnh thì 13 năm sau, ngày 17/4/2007, UBND tỉnh Bến Tre ra quyết định thu hồi toàn bộ 1.524 m2 đất còn lại. Quyết định này do Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Bảo ký.

Ngày 25/10/2007, PV Tiền phong gặp ông Bảo hỏi về căn cứ để ra quyết định. Ông Bảo trả lời, đó là đất đã bị chế độ cũ truất hữu. Tuy nhiên, ông không đưa ra được tài liệu chứng minh việc truất hữu, trong lúc đất của ông Tư có đầy đủ giấy tờ chứng minh.

PV Tiền phong nhắc lại năm 2000, ông Bảo làm Trưởng đoàn công tác liên ngành của tỉnh Bến Tre xuống huyện Mỏ Cày giải quyết đơn khiếu nại của ông Tư đã nói: Nhà nước không thể thu hồi đất như quyết định của huyện, gia đình ông Tư cứ yên tâm ở.

Ngày 29/10/2007, PV Tiền phong gặp ông Nguyễn Văn Chăm, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre. Ông Chăm nói: “Năm 1995, tôi dẫn đầu Ban pháp chế của HĐND xem xét vụ này, lúc đó và bây giờ tôi vẫn yêu cầu hợp thức hóa quyền sử dụng đất cho ông Tư”.

Không chịu được việc làm tùy tiện kéo dài của chính quyền địa phương, ông Tư kiện quyết định của UBND tỉnh Bến Tre ra Tòa hành chính TAND tỉnh Bến Tre và đã được Tòa thụ lý giải quyết.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.