Bệnh nhân tâm thần 3 lần giết người bị gia đình ruồng bỏ

Việt ngơ ngác tại phiên toà sơ thẩm.
Việt ngơ ngác tại phiên toà sơ thẩm.
Đoạt mạng 3 người nhưng Việt chỉ phải nhận mức án nhẹ do mang bệnh, song người anh trai ruột chỉ mong đứa em tội lỗi bị “Bao Công” xử.

Hôm 21/9, Đỗ Văn Việt (42 tuổi, trú ở quận Hà Đông) bị đưa ra trước vành móng ngựa của TAND Hà Nội vì hành vi giết người.

Gương mặt ngờ nghệch, dáng cao lớn nhưng Việt không biểu lộ cảm xúc ngay cả lúc nhìn thấy người thân duy nhất là anh trai có mặt tại phòng xử. Phía hàng ghế sau, chồng của nạn nhân Phạm Thị Xuân, cán bộ điều dưỡng trung tâm tâm thần Thuỵ An, huyện Ba Vì, gương mặt chất chứa nỗi đau. Việt cũng không để ý đến người đàn ông mất vợ và phải chịu cảnh “gà trống nuôi con”.

Ngay cả khi đại diện cơ quan công tố công bố cáo buộc hành vi gây án, bị cáo cũng im lặng, mắt nhìn dáo dác xung quanh. Do bị tâm thần nên từ tháng 1/2009, Việt được đưa vào trung tâm Thuỵ An để điều trị. Gần 4 năm sau, do sơ hở của cán bộ tại khu điều dưỡng này, Việt đã vào nhà bếp lấy con dao đoạt mạng chị Xuân.

Trước lần ra toà này, cơ quan chức năng xác định Việt hạn chế nhận thức trước và trong khi gây án. Anh ta được đưa đi điều trị và đã ổn định tâm thần để ra trước vành móng ngựa.

Nhưng trước toà, Việt “không buồn trả lời” các câu hỏi của Hội đồng xét xử. Gia đình nạn nhân và anh trai của bị cáo thỉnh thoảng thở dài trước những diễn biến “trầm lặng” của phiên toà. Phần thẩm vấn diễn ra nhanh chóng, bởi bị cáo không trả lời gì, chỉ xin “cho cháu uống thuốc”.

Giọng buồn bã, chồng chị Xuân trình bày, không oán trách bị cáo vì Việt vốn dĩ bị bệnh. Từ ngày vợ mất, một mình anh phải lãnh cả chức năng “làm bố, làm mẹ”. Gia cảnh khó khăn, đồng lương ở khu điều dưỡng không đủ để các con ăn học. Về phần bồi thường, anh không hy vọng Việt có tiền để đưa cho ba bố con anh.

Nén nỗi buồn, anh chia sẻ, ngày vợ mất bé gái út còn nhỏ nên chưa cảm nhận được mẹ không còn. “Thỉnh thoảng con bé hỏi mẹ đâu…”, anh bỏ lửng chia sẻ, xúc động. Bây giờ cô bé đã biết mẹ không còn trên cuộc đời này.

Trong lúc bố trình bày trước Hội đồng xét xử, hai cô con gái nhỏ ở ngoài hành lang vẫn vô tư chơi đùa. Ngay cả khi nhìn thấy Việt, các bé cũng giống bố, không có sự thù ghét.

Bị hại vị tha cho kẻ giết người nhưng chính người anh trai lại không thể chấp nhận được đứa em tội lỗi. Việt là kẻ đã gây ra nhiều nỗi đau cho gia đình và xã hội. Chỉ vết sẹo còn trên mặt, người anh bảo, nhiều năm trước bị đứa em đang đứng trước vành móng ngựa kia gây ra cho mình.

Việt từng gây ra một vụ án mạng và sau khi ra tù được về nhà vì bệnh thuyên giảm. Nhưng trong thời gian ở với người thân, gã tiếp tục xuống tay sát hại chính cha ruột mình. Nhưng lần gây án đó, Việt được đình chỉ điều tra do gây án trong lúc bệnh “nặng”. “Tưởng nó vào đó điều trị thì gia đình không còn gánh nặng, nào ngờ…”, người anh trai chia sẻ.

Nhà có hai anh em, bố mất, giờ chỉ còn người mẹ đã ngoài 80 tuổi nằm một chỗ. Anh không còn hy vọng gì từ đứa em bệnh tật. “Tôi chỉ lo sau này nếu nó được về nhà…”, người anh buồn rầu cho biết. Anh không biết Việt sẽ còn gây nên nỗi đau nào khác cho gia đình mình hay không.

Kết thúc phiên toà hôm đó, Việt bị tuyên 6 năm tù tội Giết người. Việt không thể hiện gì trước phán quyết của toà. Nhưng có ít giây, anh ta ngoảnh lại nhìn anh trai mình.

Gia đình nạn nhân buồn bã rời phòng xử. Trong lúc bị hại ngồi lại hành lang, anh trai của Việt nấn ná đến gửi lời xin lỗi. Anh bảo, chỉ mong có “Bao Công” xử đứa em ngỗ nghịch.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.