Bệnh “tai lành, tai điếc”

Bệnh “tai lành, tai điếc”
Người mắc phải căn bệnh tạm gọi là bệnh “tai lành, tai điếc” khi ý ngay lời thẳng thường vào tai điếc, ngụy biện vòng vo lại lọt tai lành. Hậu quả, vẫn đẻ ra những kẻ vi phạm pháp luật.
Bệnh “tai lành, tai điếc” ảnh 1
Bị tố cáo “tham ô” ở trường Quốc tế Hà Nội từ lâu, song Tổng Giám đốc trường Quốc tế Hà Nội không bị xử lý suốt 10 năm trời.

1.  Vi phạm pháp luật, bị khởi tố và bắt tạm giam, không ai ngạc nhiên. Nhưng điều khiến ai cũng ngạc nhiên, Việt kiều Nguyễn Đình Hoan bị tố cáo “tham ô” ở trường Quốc tế Hà Nội từ lâu, song không bị xử lý suốt 10 năm trời!

Những người lâu nay bao che cho Hoan có 2 kiểu lập luận. Thứ nhất, việc tố cáo Hoan chỉ là “mâu thuẫn nội bộ” (lập luận này xuất hiện cả trong những kết luận kiểm tra, thanh tra mới đây).

Thứ hai, cho rằng làm lớn chuyện ở Trường quốc tế Hà Nội, sẽ “ảnh hưởng môi trường đầu tư”!

Cả 2 thứ lập luận này đều “khó hiểu”. Tranh chấp lợi nhuận, vi phạm hợp đồng liên doanh hoặc hợp đồng lao động, mới là chuyện nội bộ. Không tự giải quyết được, cùng lắm đưa nhau ra tòa kinh tế, tòa lao động.

Còn như không báo cáo chương trình giảng dạy, tự ý tuyển học sinh Việt Nam, không báo cáo tài chính, mở những tài khoản bí mật, chi tiêu cho cá nhân quá nhiều từ tiền của liên doanh… thì đó quyết không phải là chuyện “nội bộ”, mà là vi phạm pháp luật.

Các cơ quan có chức năng kiểm tra, thanh tra, điều tra phải làm rõ và xử lý. Lại nói “làm lớn chuyện” sẽ “ảnh hưởng môi trường đầu tư”, chẳng hóa ra cứ buông lỏng luật pháp mới có lợi cho môi trường đầu tư?!

Bên Singapore nổi tiếng có hình phạt nghiêm khắc, mà “môi trường đầu tư” đâu có bị ảnh hưởng? Các hành lang pháp luật chặt chẽ và ổn định, mọi vi phạm đều bị xử lý, đó mới chính là điều các nhà đầu tư mong muốn, là yếu tố để nhận định môi trường đầu tư lành mạnh hay không.

Vương An Dương (Đại học quốc tế Châu Á), Michael Yu (Trung tâm ngoại ngữ SITC) lừa đảo mà vẫn lọt lưới pháp luật, chính là những vết nhơ trên bức tranh đầu tư.

2. Những người lập luận như trên, dường như đang mắc phải căn bệnh tạm gọi là bệnh “tai lành, tai điếc”. Người mắc bệnh này, ý ngay lời thẳng thường vào tai điếc, ngụy biện vòng vo lại lọt tai lành.

Lời tố cáo dẫu đanh thép, chứng cứ, trích dẫn đi kèm rõ ràng, nhưng  vào tai điếc, coi như là… điếc. Ngược lại, man khai gian trá, nói có thành không, nhưng vào tai lành, thì rồi cái đầu khắc gật, cái tay khắc ký, cái miệng khắc cười…

Việt kiều Nguyễn Đình Hoan từ khi về nước kinh doanh đã nhanh chóng “móc” được với một số người bị bệnh “tai lành, tai điếc”. Đến xin cấp giấy phép đầu tư, vốn pháp định không có, quy chế hoạt động cũng không, nhưng nói đúng “tai lành”. Vậy là gật gật, ký ký.

Những người liên doanh với ông ta sớm phát hiện ra ông ta và cô kế toán trưởng bắt đầu làm bậy, bèn đi tố cáo. Hỡi ôi, nói phải cái “tai điếc”. Người ta nghe rồi… điếc. Nói mãi, mới bảo: “về hòa giải mà làm ăn”.

Muốn hòa giải, tối thiểu phải ngồi lại cùng bàn bạc, theo luật thì gọi là “họp HĐQT”. Nhiệm kỳ HĐQT thứ nhất, phía Việt Nam yêu cầu họp, ông Hoan lấy tư cách Chủ tịch, không triệu tập các ủy viên. Nhiệm kỳ HĐQT thứ hai, Chủ tịch là phía Việt Nam gửi giấy triệu tập họp, ông ta nhận giấy nhưng không đến.

Phía Việt Nam lại đi tố cáo. Lại gặp phải cái “tai điếc”, được trả lời “về hòa giải đi” (ông Hoan lên trình bày, lại gặp phải cái “tai lành”, cái đầu gật gật, cái miệng cười cười, rồi nói luôn “nếu cần thì cho chuyển thành Cty 100% vốn nước ngoài”).

Chuyện “tai lành, tai điếc”, cứ vậy mà lùng nhùng, dây dưa, đến 10 năm trời!

3.  Ô, những người “tai lành, tai điếc” khôn ra phết. Khi viết kết luận kiểm tra, thanh tra, trước những việc đã quá rõ ràng, và trước búa rìu dư luận và công luận, họ đành phải vạch ra sai phạm, song lại quy trách nhiệm cho… cả tập thể HĐQT. Rằng lẽ ra HĐQT phải họp, phải ra nghị quyết để khắc phục.

Nghị quyết đâu? Không có, làm gì có, đúng không? Thế thì cái sai thuộc về HĐQT, cả tập thể đấy nhé. Tức là cả bên nguyên và bên bị đấy.

Kết luận như thế này, là cả 2 bên cùng chịu trách nhiệm đấy. Sợ rồi, thì “hòa giải” đi, đừng “làm lớn chuyện” nữa. Nếu không nghe, thì sẽ thay đổi đối tác liên doanh (chứ không phải thay đổi đối tác đầu tư). Cái đề xuất trái khoáy này, nếu ai không tin, cứ thử giở kết luận kiểm tra, thanh tra, sẽ thấy ở phần cuối…

Bệnh “tai lành, tai điếc” có khó chữa không? Xem ra, chỉ có các thẩm phán chuyên xử những vụ án hình sự mới bắt mạch, kê đơn được. 

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.