Bị cáo Dương Chí Dũng xin sống để 'rửa oan'

Quang cảnh phiên tranh tụng. Ảnh: TTXVN
Quang cảnh phiên tranh tụng. Ảnh: TTXVN
TP - Chiều qua, trong lời nói sau cùng, cựu Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Dương Chí Dũng khẩn thiết xin Tòa cho sống để “rửa mối oan”. Trong khi đó, người tự nhận là “không đội trời chung” với ông Dũng, bị cáo Mai Văn Phúc lại khẳng định mình chỉ là “nạn nhân”.

“Tôi không đội trời chung với ông Dũng”

Được HĐXX cho bổ sung thêm quan điểm bào chữa, bị cáo Mai Văn Phúc (cựu Tổng GĐ Vinalines) cho rằng tại phiên phúc thẩm, Viện KSND Tối cao (VKS) chỉ dùng một căn cứ để buộc tội là lời khai của Trần Hải Sơn. Theo bị cáo Phúc, không có việc chỉ đạo của Dương Chí Dũng chi cho Phúc 10 tỷ đồng. Ngoài ra, kết quả điều tra cho hay, Vinalines mua ụ nổi từ cuối 2006, khi đó ông Phúc chưa về nhậm chức tại cơ quan này.

“Nếu chứng minh được tội chết ngay tại đây, bị cáo cũng xin nhận... Đặc biệt, ở Vinalines, bị cáo không có chân, không có tay, không có chân rết, đặc biệt với bị cáo Dương Chí Dũng đây, với bị cáo là không đội trời chung”.

Bị cáo Mai Văn Phúc, nguyên Tổng Giám đốc Vinalines

“Họ thỏa thuận ăn chia xong hết rồi thì bị cáo mới về. Bị cáo không tham gia, không biết gì về khoản tiền 1,66 triệu USD. Vậy, khi bị cáo về, việc đó đã xong rồi, liệu họ có cởi áo cho bị cáo xem không ạ? Nếu chứng minh được tội chết ngay tại đây, bị cáo cũng xin nhận... Đặc biệt, ở Vianalines, bị cáo không có chân, không có tay, không có chân rết, đặc biệt với bị cáo Dũng đây, với bị cáo là không đội trời chung” - ông Phúc nói.

Trong phần tự bào chữa, bị cáo Huỳnh Hữu Đức cũng cho hay đã từng viết 7 lá đơn kêu oan, xin thay đổi tội danh, và khẳng định lại việc ụ nổi không phải tàu biển. Tuy vậy, tại phiên phúc thẩm, bị cáo Đức chỉ xin giảm án.

“Nếu không có đơn của Vinalines, Nhà nước mất tiền à?”

Phần tranh luận, luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng, không có đơn đề nghị bồi thường của nguyên đơn dân sự Vinalines, do đó việc xem xét yêu cầu bồi thường là không có cơ sở.

Đối đáp quan điểm này, VKS cho rằng: “Nếu Vinalines không có đơn thì Nhà nước mất à?”. Về ý kiến một số luật sư cho rằng, khi VKS kết luận vụ án lại nâng mức bồi thường của bị cáo là không có cơ sở, công tố viên phân tích, các bị cáo bị kháng cáo ở mức bồi thường chung (hơn 366 tỷ đồng), nên vẫn có thể đề xuất tăng nặng đối với từng bị cáo.

Liên quan nội dung “ụ nổi có phải tàu biển hay không”, kiểm sát viên viện dẫn, Điều 11 của luật Hàng hải đã khẳng định rõ ụ nổi là tàu biển. Ngoài ra, các tài liệu, hồ sơ của ụ nổi, thậm chí ngay cái tên ghi trong hợp đồng đều thể hiện là tàu biển. “Nó nằm trong quy chế pháp lý về tàu biển” – đại diện VKS nhấn mạnh.

Tranh luận lại ý kiến của VKS, luật sư Ngô Ngọc Thủy đề nghị trả lời 3 vấn đề: Căn cứ cơ sở pháp lý nào để nói 1,66 triệu USD là của Vinalines? Số tiền được cho là tham ô 1,66 triệu USD được xác định từ thời điểm nào, giữa những ai. Ngoài ra, “về bản tuyên thệ trước pháp luật của ông Goh, xin vị đại diện VKS cho ý kiến đánh giá xem, văn bản của luật sư đưa lên có giá trị pháp lý hay không?”- ông Thủy nói.

Giải đáp những thắc mắc của luật sư Thủy, đại diện VKS lập luận: “Tiền về là có thật. Nhưng hai người đứng đầu Vinalines không nhận. Từ đó, trên cơ sở đánh giá lời khai của Sơn, cùng vị trí của từng cá nhân, chúng tôi cho rằng, có căn cứ với tội tham ô. Hơn nữa, việc 1,66 triệu USD nằm trong tổng số 9 triệu USD mà Vinalines chuyển cho Cty AP để mua ụ nổi, do vậy, đó là tiền của Nhà nước”.

“Ký nháy” cũng có tội?

Luật sư Phạm Thị Thúy Kiều (bào chữa cho bị cáo Mai Văn Khang, bị phiên tòa sơ thẩm quy kết đã ký nháy vào hồ sơ mua ụ nổi, tuyên 7 năm tù) phân tích, ông Khang chủ yếu chỉ dịch văn bản, và ký nháy vào văn bản khảo sát do Trần Hải Sơn lập sẵn. “Ông Khang không trao đổi bất cứ nội dung nào liên quan đến việc mua bán ụ nổi, mà đơn giản, đó là ký vào nội dung dịch thuật” - bà Kiều khẳng định.

Theo luật sư Kiều, việc cơ quan công tố bác đơn kháng án của bị cáo Khang là không có cơ sở. Bị cáo Khang chỉ là làm thay một người khác trong Ban quản lý dự án với tư cách thành viên, không có tư cách gì để mua bán ụ nổi, với nhiệm vụ chính là dịch thuật văn bản. Hơn nữa, ông Khang đã được điều chuyển công tác khác, sau đó Vinalines mới mua ụ nổi 83M.

“Hành vi duy nhất của bị cáo Khang chính là ký nháy vào báo cáo khảo sát. Việc quy kết bị cáo này tham gia soạn thảo bản báo cáo nói trên là không có cơ sở. Các cơ quan tố tụng không có bất cứ chứng cứ trực tiếp nào để xác định thực trạng của ụ nổi nhằm đối chiếu với hồ sơ khảo sát” – nữ luật sư tái khẳng định.

Một hành vi áp hai tội danh?

Trong phần bào chữa cho bị cáo Trần Hải Sơn (cựu Tổng GĐ Cty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines), luật sư Nguyễn Đình Hưng cho rằng, không có chứng cứ của khoản tiền tham ô, ngoại trừ việc có một khoản tiền từ Cty AP chuyển về cho Cty Phú Hà và từ Cty Phú Hà chia cho các bị cáo. Bản án sơ thẩm khẳng định, Vinalines đã chuyển cho Cty AP 9 triệu USD, khoản tiền này có quay về hay không thì không có chứng cứ chứng minh.

“Đây đã là hậu quả của tội Cố ý làm trái thì không thể tiếp tục tính là hậu quả của tội Tham ô. Một hành vi khách quan nhưng được xác định cho hai tội danh là bất cập” – luật sư Hưng nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư Hưng, việc tính thiệt hại trong vụ án là 367 tỷ đồng, nhưng ụ nổi vẫn còn đó, vậy tạm tính giá trị ụ nổi bằng 0. “Thực tế, nếu được trừ đi con số này, thiệt hại trong vụ án sẽ thấp hơn nhiều”. Nhằm giúp giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ của mình, luật sư Hưng dẫn chứng, do cơ chế chính sách và hệ thống pháp luật còn nhiều mâu thuẫn, dễ phát sinh tội Cố ý làm trái, do đó nên xét hoàn cảnh khách quan khi định tội.

Bị cáo chỉ là “nạn nhân”?

Trong phần bào chữa cho bị cáo Trần Hữu Chiều (cựu Phó tổng GĐ Tổng Cty Hàng hải Việt Nam), luật sư Phạm Thanh Sơn phân tích, vai trò của bị cáo Chiều là thụ động khi tuân theo sự chỉ đạo, điều hành của HĐQT và Ban giám đốc, không đủ yếu tố khẳng định các bị cáo có tội tham ô.

Cũng cho rằng thân chủ của mình chỉ là nạn nhân của cả một “chuỗi khép kín”, luật sư Đào Hữu Đăng (bào chữa cho bị cáo Lê Văn Dương, đăng kiểm viên, Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam) nói: “Việc mua bán ụ nổi đã hoàn thành từ trước khi có báo cáo khảo sát giám định, do vậy, kết luận của bị cáo Dương không mang tính quyết định trong việc mua bán ụ nổi. Lê Văn Dương chỉ bị lợi dụng, là nạn nhân của một âm mưu đã được chuẩn bị từ trước”.

Chủ tọa phiên toà công bố, 14h chiều nay (25/4), Toà tuyên án.

Bên Lề:

Dương Chí Dũng xin khắc phục hậu quả để được sống

“Những ngày vừa qua, bị cáo rất đau khổ trong trại. Thật sự xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân. Bị cáo hết sức thành thực. Bị cáo không chối cãi. Nếu nhận một điều không có, bị cáo không chịu được. Mong HĐXX xem xét, nếu chứng cứ chưa thật sự rõ ràng, xem xét giảm án cho bị cáo. Bị cáo mong muốn làm điều gì cho ngành, nhưng không thành công, nên chua xót lắm. Điều nữa, bố đẻ của bị cáo đã nhiều tuổi, hiện mang bệnh tim, có nhiều huân, huy chương. Mẹ bị cáo cũng vậy. Bị cáo cả gia đình đều làm cách mạng. Bị cáo đã phấn đấu, nhưng mắc sai lầm. Kính mong HĐXX xem xét. Bị cáo sẽ vận động gia đình, dù bao nhiêu đi nữa, sẽ cố gắng khắc phục. Hãy cho bị cáo sống để rửa mối oan. Mong tha lỗi cho bị cáo đã để xảy ra những sai phạm này”.

(Trích lời nói sau cùng của bị cáo Dương Chí Dũng)

Hai người vợ nguyện bán hết tài sản cứu chồng

Được HĐXX hỏi về nguyện vọng, bà Phạm Thị Minh Phương (vợ bị cáo Dương Chí Dũng) đề nghị HĐXX xem xét giảm án cho chồng, do: “Tôi đã vay của bạn bè, người thân để khắc phục hậu quả, chỉ mong sao chồng tôi thoát được án tử hình để có cơ hội trở về với gia đình”. Cũng là những đề nghị tương tự, vợ bị cáo Mai Văn Phúc thành khẩn: “Tôi xin dâng hết những gì trong khả năng, chỉ mong HĐXX giảm án cho chồng tôi” - bà Vân nói.

Nhiều luật sư bức xúc

Phần tranh luận, nhiều luật sư tỏ ra bức xúc vì không nhận được phần đối đáp từ phía VKS, hoặc bị HĐXX ngắt lời trong quá trình bào chữa. Luật sư Thiệp đề nghị cần làm rõ lý do vì sao các tài liệu luật sư cung cấp nhưng không được xem xét tại tòa.

“Phải chăng, những vấn đề chúng tôi đưa ra về những bất cập của lời khai bị cáo Trần Hải Sơn không có gì để phản bác? Vậy, nếu VKS không phản bác, nghĩa là đồng thuận với quan điểm của chúng tôi”- luật sư Thiệp nói.

Tương tự, luật sư Phạm Thanh Sơn (bào chữa cho bị cáo Trần Hữu Chiều) nói: “Nếu đại diện VKS không đối đáp với các nội dung bào chữa, vậy đề nghị HĐXX chấp nhận nội dung chúng tôi đưa ra”.

Về yếu tố đồng phạm trong việc ăn chia 1,66 triệu USD, luật sư Nguyễn Hữu Được nhấn mạnh: “Tại tòa, bị cáo Mai Văn Phúc cho rằng “không đội trời chung” với Dương Chí Dũng, vậy, liệu có thể có trường hợp hai bị cáo này cùng nhau thương lượng chuyện tiền tham ô hay không”. Nghe câu này, bị cáo Phúc gật gù.

Bắc Hà

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.