Bị cáo ôm con tới phiên xét xử vụ Hứa Thị Phấn

Tòa 'khuyến khích' bị cáo về nhà và chấp nhận xử vắng mặt. Ảnh: Tân Châu
Tòa 'khuyến khích' bị cáo về nhà và chấp nhận xử vắng mặt. Ảnh: Tân Châu
TPO - Trong phiên xét xử, vụ án Cố ý làm trái..., Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín của Hứa Thị Phấn cùng 27 đồng phạm, bị cáo Bùi Thị Kim Loan (Kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ) do mới sinh nên mang cả trẻ sơ sinh đến phòng xử.

Chiều nay (8/5), liên quan tới phiên tòa xét xử bà Hứa Thị Phấn cùng 27 bị cáo trong vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank sau là Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng Việt Nam-VNCB và nay là CB) về các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” đã chuyển sang phần công bố cáo trạng.

Cuối buổi sáng ngày xét xử, chủ tọa phiên tòa – thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa Hình sự, TAND TP.HCM) - đã trả lời các thắc mắc, kiến nghị và những nội dung liên quan mà Ls, bị cáo và người liên quan vừa trình bày tại tòa.

Bị cáo ôm con tới phiên xét xử vụ Hứa Thị Phấn ảnh 1 HĐXX do Chánh tòa Hình sư, TAND TP.HM Phạm Lương Toản (đang đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử). Ảnh: Tân Châu

Về kiến nghị triệu tập NHNN, theo Ls Lê Hồng Nguyên (Đoàn Ls TP.HCM, bảo vệ cho ông Hoàng Văn Toàn, nguyên Chủ tịch TrustBank), TrustBank có xin chủ trương nâng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng đã được NHNN chấp thuận. Ngoài ra NHNN cũng đã nắm thông tin việc mua căn nhà số 5 Lê Quý Đôn (1 phần của vụ án này), cụ thể là sau thanh tra, NHNN đã xử lý bằng hình thức phạt hành chính TrustBank.

Nêu hai dẫn chứng liên quan tới NHNN, Ls Nguyên kiến nghị: “Phải triệu tập NHNN thì mới làm sáng tỏ sự việc”. Chủ tòa: “Đồng ý triệu tập NHNN nếu trong quá trình xét xử xét thấy cần thiết”.

Các Ls khác của bị cáo đã nêu kiến nghị hoãn phiên tòa vì lý do sức khỏe của bà Phấn, cũng như cần giám định lại bệnh tình của bà Phấn tuy nhiên chủ tọa cho rằng: Bà Phấn nhập viện khi đã ban hành Kết luận điều tra.

Ngoài ra, trước đó, Tòa cũng nhận được Giám định sức khỏe của bà Phấn. Bác sĩ điều trị cho bà Phấn xác định với HĐXX, bà Phấn trong trạng thái tỉnh táo nhưng đôi khi có những xúc động. Ngoài ra, bà Phấn còn có nhiều bệnh như: cao huyết áp, tiểu đường... Do tình trạng sức khỏe của bị cáo yếu nên HĐXX không thực hiện việc áp giải đến phiên tòa. Tòa xét việc vắng mặt của bị cáo không ảnh hưởng đến việc xét xử tại phiên tòa.

“HĐXX không căn cứ riêng về bị cáo Phấn hoặc bất cứ bị cáo nào để giải quyết vụ án mà HĐXX căn cứ vào tất cả chứng cứ sẽ tiến hành thẩm tra công khai tại phiên tòa. Việc đề nghị giám định sức khỏe và xin hoãn phiên tòa của các Ls, HĐXX không chấp nhận” – Chủ tọa trả lời kiến nghị của các Ls.

Đáng lưu ý là tại phiên tòa, bị cáo Bùi Thị Kim Loan (Kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ) do mới sinh nên mang cả trẻ sơ sinh đến phòng xử. Chủ tọa cho biết, trước phiên xử, Tòa có phân công một thẩm phán, thư ký đến tận nhà bị cáo làm việc. Tại đây đại diện tòa đề nghị sẽ xử vắng mặt để đảm bảo sức khỏe cho bị cáo và trẻ sơ sinh tuy nhiên bị cáo Loan không đồng ý.

Để đảm bảo sức khỏe cho bị cáo Loan tại phiên tòa, Chủ tọa Phạm Lương Toản đã yêu cầu bố trí thêm y bác sĩ nhi nhằm chăm sóc sức khỏe cho bị cáo và trẻ.

Về việc nhiều đơn vị, tổ chức và người có quyền nghĩ vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa, công tố viên cho rằng, việc vắng mặt này không ảnh hưởng đến quá trình xét xử nên đề nghị HĐXX cho phiên tòa vẫn tiếp tục. Nếu xuất hiện vấn đề gì cần triệu tập thêm sẽ triệu tập sau.

Bị cáo ôm con tới phiên xét xử vụ Hứa Thị Phấn ảnh 2 Các công tố đề nghị Tòa tiếp tục xử dù thiếu vắng một số cá nhân, đơn vị. Ảnh: Tân Châu

Ngay sau vị công tố nêu quan điểm, chủ tọa tuyên bố kết thúc phần thủ tục phiên tòa, cho công tố viên công bố bảng cáo trạng của vụ án.

Như Tiền Phong đã đưa tin, tại phiên toà xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm, HĐXX đã khởi tố vụ án, điều tra làm rõ những hành vi sai phạm của Hứa Thị Phấn (nguyên Cố vấn cao cấp HĐQT TrustBank) và nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ và các cá nhân khác có liên quan.

Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra nhận thấy bà Phấn lợi dụng việc nắm giữ 84,92% vốn điều lệ TrustBank chi phối, điều hành mọi hoạt động, thực hiện và chỉ đạo nhân viên có hành vi trái pháp luật để rút tiền, chiếm đoạt sử dụng trái phép gây thiệt hại cho TrutsBank trên 6 ngàn tỷ đồng.

TAND TP.HCM triệu tập hơn 100 cá nhân, đơn vị là các ngân hàng thương mại tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và người làm chứng. Trong đó có bị án Phạm Công Danh, Phan Thành Mai  (nguyên Chủ tịch, Tổng giám đốc VNCB, đại diện nhóm Thiên Thanh) cũng được trích xuất tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. 51 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Trong đó bị cáo Hứa Thị Phấn có 4 luật sư bào chữa gồm: Phạm Ngọc Trung, Lưu Văn Tám, Trương Thị Minh Thơ, Trương Vĩnh Thủy. Công ty cổ phần đầu tư Phương Trang, bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, cũng mời 3 luật sư bảo vệ là Phan Trung Hoài và Nguyễn Huy Thiệp và Vũ Phi Long. Đại diện cho Phương Trang là luật sư Nguyễn Thành Công.

MỚI - NÓNG