Bị kết án oan, họ phải được công khai xin lỗi!

Bị kết án oan, họ phải được công khai xin lỗi!
TP - Thế là đúng 26 năm sau, vụ án giết người ngày 3/6/1980 tại thôn Vạn Phước, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, tỉnh Thuận Hải (nay là Ninh Thuận ) mới được công khai là vụ án oan,

Ngày 20/6 vừa qua, TAND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức buổi xin lỗi công dân bị bắt oan.

Trớ trêu là vụ án có 6 người bị khởi tố, tạm giam, truy tố, ra tòa lãnh án về tội giết người nhưng chỉ có 2 người được xin lỗi và thương lượng bồi thường theo tinh thần Nghị quyết 388 của UBTV Quốc hội:

Ông Trịnh Quang Thật án tử hình, bị giam 3125 ngày và ông Lê Phước Thọ án 18 năm tù, bị giam 3133 ngày. Lý do 2 ông Thật và Thọ được “hưởng 388” là vì hai ông có đơn xin cứu xét sau khi được trả tự do.

Trong buổi xin lỗi, hai ông Thật và Thọ đều đề nghị phải xin lỗi và bồi thường cho những người cùng cảnh ngộ.

Trong 4 người còn lại, ông Trịnh Quang Ri bị giam 8 tháng và ông Lý Thế bị giam 13 tháng thì được trả tự do. Hai ông Ri và Thế không chứng minh được là đã có đơn kêu oan trong thời hiệu Nghị quyết 388  quy định nên không được “hưởng” Nghị quyết này.

Ông Lý Thế được miễn trách nhiệm hình sự nhưng trong bản án sơ thẩm năm 1981, ông Thế phải chịu trách nhiệm dân sự là bồi thường 400 đồng cho gia đình nạn nhân.

Ông Lý Thế (và gia đình) không nhận được quyết định đình chỉ bị can vì vụ án mãi đến cuối năm 1988 mới ngã ngũ, còn ông đã chết trong năm 1986. Việc ông Ri và ông Thế từng bị tù tội là có thật.

Hai ông Phạm Đức án 13 năm tù và ông Lê Văn Thường án 8 năm tù; mỗi người đã bị giam giữ 8 năm 3 tháng. Việc hai ông bị ra Tòa, bị tù tội oan sai cũng hoàn toàn có thật.

Thế nhưng chẳng lẽ vì hai ông không có đơn xin cứu xét trong thời điểm quy định nên không được xin lỗi, không được bồi thường ? Những người nông dân nghèo, học vấn thấp có khi vì mang nặng nỗi ám ảnh tù tội mà họ chẳng dám làm đơn kêu oan…

Khi ai làm việc gì sai trái gây hậu quả tệ hại cho người khác, việc hợp  đạo đức là phải xin lỗi người bị hại, phải bồi thường thiệt hại tinh thần và vật chất do mình gây ra.

Chẳng lẽ trong vụ án oan Ninh Thuận chỉ có 2 người bị kết án oan lại là 2 người bị tòa sơ thẩm tuyên mức án cao nhất? Những người còn lại dù không được bồi thường thì họ cũng phải được công khai xin lỗi.

Thế mới là đạo lý ở đời. 

MỚI - NÓNG