Bi kịch của người đàn bà bị án oan

Bi kịch của người đàn bà bị án oan
Sau 6 năm gửi đơn kêu cứu, chị Nguyễn Thị Hiên mới nhận được lời xin lỗi của TAND tỉnh Thái Bình vì đã xử oan chị 4 năm tù về tội lừa đảo tài sản. Còn tiền bồi thường thiệt hại thì TAND tỉnh Thái Bình vẫn làm ngơ và tìm mọi cách đổ lỗi cho cơ quan khác.
Bi kịch của người đàn bà bị án oan ảnh 1
Chị Nguyễn Thị Hiên (CAND) 

Những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, chị Nguyễn Thị Hiên là một phụ nữ trẻ năng động của tỉnh Thái Bình, chị là chủ của tổ hợp sản xuất phụ tùng xe đạp. Trong nhà chị Hiên lúc nào cũng có 20 đến 30 công nhân làm việc không ngơi nghỉ để có sản phẩm giao cho các công ty, nhà máy, cơ sở sản xuất xe đạp trong địa bàn tỉnh.

Xử án bằng... giấy photocopy giả mạo

Để mở rộng sản xuất, chị Hiên đã thế chấp ngôi nhà 3 tầng, số 32, đường Phan Bội Châu, TP Thái Bình để vay 120 triệu đồng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Thái Bình. Thế nhưng, đúng lúc chị dồn tất tật vốn liếng đầu tư mở rộng sản xuất thì xe đạp Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam, khiến hàng loạt cơ sở sản xuất phụ tùng xe đạp trong nước bị dẹp tiệm. Trong bối cảnh đó, chị Hiên cũng trở thành con nợ của ngân hàng.

Để có tiền trả nợ ngân hàng và chia tiền cho người chồng vừa ly hôn, đồng thời có một chút vốn để làm nghề  khác, chị Hiên đã rao bán ngôi nhà đang ở. Ông Đặng Đình Liêm, kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã hỏi mua căn nhà.

Ngày 31/5/1996, ba bên gồm chị Hiên, ông Đặng Đình Liêm và đại diện ngân hàng ký tên vào khế ước bán nhà với nội dung: Giá nhà 179 triệu đồng, Liêm trả ngân hàng thay cho chị Hiên 138 triệu đồng (gồm 120 triệu nợ gốc và 18 triệu tiền lãi), số còn lại 40,9 triệu đồng sẽ trả cho anh Nguyễn Như Hòa, chồng chị Hiên mới ly dị.

Trong khế ước cũng ghi rõ, khi nào ông Liêm trả hết tiền, ngân hàng sẽ giải chấp và chị Hiên sẽ giao nhà. Ngay hôm đó, ông Liêm đã trả thay cho chị Hiên cả tiền gốc và lãi cho ngân hàng. Liêm cũng trả cho anh Hòa 38,2 triệu đồng (còn thiếu 2,7 triệu đồng theo thỏa thuận) trước sự chứng kiến của mọi người.

Thực tế, theo lời người trong cuộc, ngôi nhà trên được bán với giá 224 triệu đồng, nhưng để trốn thuế, Liêm đã thỏa thuận với chị Hiên chỉ khai trong hồ sơ mua bán là 179 triệu. Số tiền còn lại là 45 triệu đồng thì chỉ viết vay nợ ở ngoài.

Giấy nợ ghi rõ: “Tôi Đặng Đình Liêm còn nợ lại cô Hiên 45 triệu đồng chẵn”. Giấy nợ này được anh Nguyễn Khả Minh, cán bộ ngân hàng ký tên làm chứng. Hai bên cũng thỏa thuận khi nào anh Liêm trả đủ tiền (45 triệu trong giấy nợ và 2,7 triệu đồng còn thiếu) thì chị Hiên giao nhà.

Thế nhưng, đúng thời điểm đó, thị trường nhà đất rớt giá. Tiếc của vì đã mua ngôi nhà với giá đắt, Liêm tìm đến chị Hiên đề nghị bớt cho 30 triệu, nhưng chị Hiên nhất định không nghe. Chị Hiên yêu cầu trả hết tiền như giao hẹn trong các giấy tờ đã ký thì mới giao nhà. Quá xót của, Liêm liền nghĩ cách “đoạt nhà, xóa nợ”. Từ đây, một chuyện bi hài không có trong hồ sơ đã xảy ra.

Theo lời những người trong cuộc thì Đặng Đình Liêm gạ gẫm anh Hòa lấy trộm của vợ tấm giấy vay nợ, tất nhiên sẽ trả công. Mặc dù anh Hòa và chị Hiên đã ly dị, song vẫn sống chung với nhau trong ngôi nhà này, nên chuyện tìm cách lấy trộm tấm giấy vay nợ không phải chuyện khó. Và quả thực, anh Hòa đã “thủ” được tấm giấy vay nợ này dưới tấm đệm, nơi chị Hiên cất giấu đem cho Liêm.

Bữa đó, vào lúc nhập nhoạng tối, Hòa đưa cho Liêm tấm giấy vay nợ. Nhìn thấy chữ ký của mình, Liêm xé vụn, rồi ném vào lửa cháy thành tro. Nhưng Liêm lại không trả công cho anh Hòa như đã hứa lúc đầu. Hòa ngậm đắng nuốt cay, nhưng cười thầm trong bụng.

Thì ra,  Hòa không phải tay vừa. Anh ta đã đem bản gốc đi ép plastic rồi cất kỹ, tấm giấy vay nợ đưa cho Liêm chỉ là bản photocopy.

Tưởng rằng đã “nuốt” được khoản nợ, dựa vào “thế” là kiểm sát viên, Liêm viết đơn tố cáo chị Hiên “lừa đảo nhận tiền bán nhà mà không giao nhà” gửi Cơ quan cảnh sát điều tra. Dựa vào lá đơn tố cáo của Liêm, công an đã khởi tố, bắt tạm giam chị Hiên để điều tra.

Theo lời tố cáo của chị Hiên, hồi chị ở trong trại tạm giam, lợi dụng là cán bộ kiểm sát, có thể ra vào trại giam dễ dàng, Liêm đã tìm gặp chị và dọa: Nếu làm đơn chống án sẽ đề nghị tòa án xét xử cho ngồi tù 8 năm. Chị Hiên sợ thế lực của Liêm nên rút đơn, không chống án nữa. Cũng hôm đó, Liêm  buộc chị Hiên phải viết giấy nhận của Liêm 59 triệu đồng vào ngày 4/6/1996. Tất nhiên, chị Hiên chẳng nhận được một xu nào.

Có giấy khống đó trong tay, Liêm đem nhờ hai người hàng xóm của chị Hiên là Mạnh và Thái ký tên làm chứng. Ngoài ra, các thế lực đã buộc chị Hiên phải khai đã dùng 59 triệu của Liêm để mua xe Dream II, tivi Panasonic. Có lời khai của chị Hiên rồi, họ thu luôn xe máy, tivi giao cho Đặng Đình Liêm, mặc dù căn cứ trên giấy tờ xe, họ thừa biết chị Hiên đã mua các tài sản đó trước ngày bán nhà.

Ngày 26/3/1997, Tòa Hình sự TAND Thái Bình đưa chị Nguyễn Thị Hiên ra xét xử. Bất chấp những chứng cứ, lý lẽ rằng Đặng Đình Liêm còn nợ 47,5 triệu nên chị Hiên không giao nhà, HĐXX chỉ căn cứ vào tờ giấy nhận tiền 59 triệu đồng photpocopy mà Liêm cung cấp để quy kết là chị Hiên lừa đảo, tuyên phạt chị 4 năm tù giam.

Ngậm đắng nuốt cay, chị Hiên phải ngồi tù 1.281 ngày ròng rã. Ngay khi mãn hạn tù, chị Hiên gửi đơn kêu oan lên VKSNDTC, TANDTC và kiện Đặng Đình Liêm ra tòa.

Tại phiên tòa dân sự, chị Hiên đã xuất trình được đầy đủ giấy tờ thể hiện Liêm còn nợ của chị Hiên 47,5 triệu. Đồng thời, Liêm cũng không lý giải được số tiền 59 triệu đồng mà chị Hiên ghi trong giấy biên nhận của Liêm là tiền gì.

Phiên tòa trở nên chấn động khi có công bố kết quả giám định của Viện KHHS, Bộ Công an khẳng định, trong tờ giấy nhận 59 triệu đồng ngày 4/6/1996 của chị Hiên: “Con số 4 được chữa từ số 1 mà thành”. Điều đó đồng nghĩa với việc tờ giấy nhận tiền đó là giả mạo, không có giá trị pháp lý. Hơn nữa, tấm giấy nhận tiền đó lưu trong hồ sơ vụ án hình sự chỉ là bản photocopy nên cũng không có giá trị pháp lý.

Rất đông người dân tham dự phiên tòa đã không thể tưởng tượng nổi rằng, các cơ quan tố tụng cấp tỉnh lại thu thập chứng cứ, truy tố, xét xử và cho đi tù một con người chỉ bằng một tấm giấy photocopy đã bị sửa chữa. Như vậy, cùng với rất nhiều chứng cứ, lý lẽ, vụ án đã sáng tỏ: Chị Nguyễn Thị Hiên không có tội mà bị xét xử oan sai.

Sở dĩ có sự oan sai này là do Cơ quan điều tra khi nhận đơn tố cáo của Đặng Đình Liêm vu cáo chị Hiên, đã thu thập tài liệu sai quy định, hình sự hóa quan hệ dân sự để từ đó cho ra những quyết định trái luật. Viện Kiểm sát lại căn cứ vào chứng từ giả mạo, hình sự hóa quan hệ dân sự, cố tình ra cáo trạng truy tố người vô tội. Còn tòa án, chủ tọa phiên tòa cũng lại dựa vào bản photocopy giấy tờ giả mạo để hình sự hóa quan hệ dân sự rồi tuyên án một cách thiếu căn cứ. Vì vậy việc đền bù vật chất, danh dự cho chị Hiên theo Nghị định 388 phải được thực hiện.

Chị Hiên sinh năm 1968, tại xã Hòa Tiến, Hưng Hà, Thái Bình. 16 tuổi, chị lấy chồng ở thị xã. Do năng động, chịu khó nên chẳng mấy chốc mà chị Hiên khá giả, rồi mua đất, xây nhà khang trang mặt phố ở thị xã Thái Bình. Vợ chồng chị Hiên sinh được hai con gái khá xinh đẹp.

Nhưng bây giờ, gia cảnh chị Nguyễn Thị Hiên trở nên vô cùng thảm hại: Không nhà cửa, không nghề nghiệp, thân mang trọng bệnh. Hiện tại, chị phải thuê ngôi nhà cạnh quốc lộ 10, khu vực xã Hoàng Diệu để sống tạm bợ, rồi hàng ngày ngồi bên lề phố bán mấy quả ổi, mấy nải chuối kiếm ăn, kiếm tiền chữa bệnh.

Đến bao giờ chị Hiên mới được đền bù thiệt hại?

Trước khi vào tù, Nguyễn Thị Hiên là một phụ nữ cao to, khỏe mạnh. Sau khi ra tù thì chị mắc nhiều thứ bệnh. Đó là hậu quả của chuỗi ngày ngồi tù oan ức, suy nghĩ, mất ăn, mất ngủ. Hiện tại, chị mắc nhiều bệnh, trong đó bệnh tiểu đường là nặng nhất. Còn nhớ năm 2000, khi mới ra tù, cơ thể sa sút, bệnh tật, không ai chăm sóc, người chị dâu thương tình đưa chị Hiên vào Sài Gòn nuôi dưỡng, trị bệnh. Tuy nhiên, chữa chạy đủ kiểu, nằm Bệnh viện Chợ Rẫy cả năm trời mà bệnh tình không thuyên giảm.

Năm 2002 là lúc chị Hiên sa sút nhất, cơ thể chỉ còn da bọc xương, nặng chưa đầy 37 kg, nằm bất động chờ chết. Sau khi Bệnh viện Chợ Rẫy trả về vì vô phương cứu chữa, gia đình đã đưa chị về Thái Bình. Không ai nghĩ chị Hiên có thể sống được nữa nên sắm áo quan, thuê kèn trống, chuẩn bị mắc rạp. Làng xóm kéo nhau đến chia buồn.

Công an cũng đến chụp ảnh, thu thập thông tin ghi vào hồ sơ. Nhưng lạ thay, suốt mấy ngày mà trái tim trong cơ thể gầy đét, bất động đó vẫn thoi thóp đập. Thấy vậy, mọi người khiêng chị đến Bệnh viện Đa khoa Thái Bình. Như một sự thần kỳ, chị Hiên dần dần hồi tỉnh.

Giờ đây, dù cơ thể đã khá hơn, nhưng căn bệnh tiểu đường vẫn rất trầm trọng, vô phương cứu chữa. Đã vậy, chứng bệnh rối loạn tiền đình cũng ngày một nặng. Nhiều khi đang ngồi bán hàng, thậm chí đang ngồi chơi, đột nhiên ngất lăn ra. Có lúc, đang đi bộ trên đường cũng đổ vật ra bất tỉnh. Đôi chân và đôi tay luôn buồn bực và đang co rút dần các khớp xương.

Niềm vui và cũng là nỗi lo lớn nhất của chị Hiên là hai cô con gái đang đi học. Năm 2004, chị Hiên nhất định không cho cô con gái đầu Nguyễn Thị Hằng ôn thi và dự thi đại học vì thân chị còn chẳng biết sống chết ra sao nói gì đến chuyện nuôi con học đại học. Nhưng cháu Hằng vẫn tự ôn rồi đi thi. Hôm cháu đi thi, chị cầu trời khấn Phật cho cháu thi không đỗ, thế nhưng, cháu đã thi đỗ Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng. Một người bạn tốt bụng đã nhận nuôi cháu. Giờ đây, cháu đã biết đi dạy học, làm thêm kiếm tiền nuôi thân.

Cháu gái thứ hai Nguyễn Thị Nga đang học lớp 12 và cũng học rất giỏi, luôn đứng đầu lớp. Hồi thi vào lớp 10 Trường Lê Quý Đôn, Nga thi được 29 điểm, cao nhất trường. Chị Hiên lo nếu TAND tỉnh Thái Bình không thực hiện nhanh Nghị quyết bồi thường oan sai thì không kiếm đâu ra tiền để nuôi các con ăn học.

Người dân khu vực xã Hoàng Diệu hiểu gia cảnh của chị Hiên nhất và họ cũng là những người được chứng kiến câu chuyện cao thượng về tình bạn tri kỷ. Hồi chị Hiên về xã Hoàng Diệu thuê căn nhà tạm bợ để trú nắng trú mưa, kiếm sống, hoàn cảnh rất thê thảm. Để kiếm được tiền lãi nhiều, chị phải đạp xe về các vùng nông thôn mua từ nải chuối, quả bưởi. Nhưng có một lần, khi đang đạp xe thì gặp trời mưa tầm tã. Cơ thể bệnh tật của người đàn bà đã không chịu nổi cái lạnh, căn bệnh rối loạn tiền đình lại bộc phát khiến chị lăn ra vệ đường bất tỉnh. Lúc tỉnh dậy đã thấy nằm trong bệnh viện.

Một người đàn ông dáng vẻ khỏe mạnh, rắn rỏi ngồi bên chăm sóc. Anh chính là võ sư Lê Anh Hưng, Trưởng môn võ phái Thiếu Lâm chân truyền Thái Bình. Nghe chị Hiên kể về hoàn cảnh của mình, vị võ sư động lòng trắc ẩn, quyết giúp chị đến cùng trên con đường đi tìm công lý.

Chị Hiên cho biết, nếu không gặp được võ sư Lê Anh Hưng chắc chị đã không sống nổi đến ngày nay. Hàng ngày, anh Hưng chạy đôn chạy đáo tìm các loại thuốc, gặp các thầy lang giỏi cắt thuốc cho chị, rồi ngày vài lần bấm huyệt, đả thông các kinh mạch, hạn chế sự co rút của cơ tay, cơ chân. Cũng theo chị Hiên, hồi chưa gặp anh Hưng, thỉnh thoảng có người lạ mặt tìm vào nhà, lúc thì thỏa thuận đền bù bằng tiền để chị rút đơn kiện, khi thì dọa sẽ “cho nằm ở cây số 6” (nghĩa trang ở cây số 6 đi Hải Phòng).

Thậm chí đã có lần, khi TAND Thái Bình gọi, chị và một nhà báo ở Thái Bình đi trước, mấy tay có dáng vẻ côn đồ đội mũ lúp xúp đi sau. Nhưng từ khi gặp anh Hưng, mỗi lúc đi đâu, đặc biệt khi đi gửi đơn hoặc được tòa án gọi, chị đều có “vệ sĩ” đi kèm hoặc bí mật theo dõi. Những “vệ sĩ” này chính là môn sinh của anh Hưng. Từ bấy, không thấy có những kẻ lạ theo sau nữa.

Thương người đàn bà cô độc, chịu cảnh oan sai, lại bệnh tật đầy mình, anh Hưng nguyện cả đời chăm sóc chị Hiên, muốn lấy chị làm vợ. Thế nhưng, chị biết lấy mình anh Hưng sẽ khổ, bởi chị không biết còn chống chọi được với bệnh tật bao lâu nữa nên chị từ chối. Vậy là hai người trở thành bạn tri kỷ. Anh Hưng trở thành cha đỡ đầu của hai cháu Hằng và Nga. Có thể nói đây là câu chuyện cảm động về tình bạn và tình người đáng trân trọng.

Trao đổi với PV Chuyên đề ANTG, ông Nguyễn Hữu Dưỡng, Chánh án TAND tỉnh Thái Bình đã thừa nhận việc điều tra, xét xử oan sai với chị Hiên. Ông Dưỡng nhận trách nhiệm bồi thường oan sai thuộc TAND tỉnh Thái Bình và TAND tỉnh Thái Bình sẽ tiến hành thương lượng để giải quyết đúng theo pháp luật.

Gần đây, chị Hiên thông tin cho PV ANTG rằng, TAND tỉnh Thái Bình vừa thương lượng với chị lần thứ ba và đề nghị bồi thường cho chị 260 triệu đồng (Chị Hiên đòi bồi thường trên cơ sở những quy định của Nghị quyết 388 là 560 triệu đồng. Tài sản gồm chiếc xe máy, chiếc tivi và thiệt hại do không được khai thác tài sản) TAND không nhận trách nhiệm và “đẩy” cho cơ quan khác giải quyết.

Thế là sau 6 năm ra tù, chị Hiên mới được minh oan bằng lời xin lỗi của tòa án. Cứ tình hình đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, không biết còn bao nhiêu năm nữa, chị mới đòi được tiền bồi thường, trong khi chị đang rất cần tiền để chữa bệnh, trả tiền thuê nhà và nuôi con ăn học.

Theo CAND

MỚI - NÓNG