Bi kịch của người đàn bà hạ sát cả mẹ đẻ

Bi kịch của người đàn bà hạ sát cả mẹ đẻ
Mẹ chết, chồng bỏ, con trai phải gửi vào Trung tâm bảo trợ tỉnh Tuyên Quang còn bản thân phải vào trại cải tạo. Đó chính là những bi kịch đau đớn nhất trong cuộc đời của nữ phạm nhân mang tên Đào Thị Thuần.

Tuổi thơ cay đắng

Cho tới tận bây giờ khi tuổi đời đã bước sang ngưỡng ba mươi nhưng Thuần vẫn chưa một lần được biết mặt bố. Thuần luôn thấy ân hận vì điều đó. Bố Thuần đã bỏ hai mẹ con Thuần đi theo người đàn bà khác từ khi Thuần còn là đứa trẻ bế ẵm ngửa trên tay. Sự ra đi nhẫn tâm đến độc ác của bố đã gây ra một cú shock tâm lý kinh hoàng đối với mẹ Thuần. Và cũng kể từ đận ấy mẹ Thuần luôn mắc phải những trận đau đầu kinh niên. Đau đầu đến độ thần kinh bà trở nên có vấn đề. Bà dường như không thể tự chăm sóc mình và chăm sóc con gái nên các bác của Thuần phải xúm vào nuôi cháu. Lúc còn nhỏ, Thuần hết ở với bác cả lại đến ở với nhà bác Hai.

Mẹ Thuần không những đã không nuôi nổi con lại thường xuyên có những hành động rất đáng sợ. Hễ cứ nuôi bất cứ con vật nào đó để tăng gia là bà đập chết con đó luôn. Đến mùa trồng trọt ruộng mình không cày, bà lại đi cày nhà hàng xóm. Những biểu hiện thần kinh bất bình thường ngày càng trở nên trầm trọng với người phụ nữ bị chồng bỏ rơi. Thế nên các bác của Thuần luôn lo lắng nếu để cho Thuần ở cùng mẹ sẽ rất nguy hiểm.

Nhưng không gì lớn hơn tình mẫu tử, mọi người có thể rất sợ mẹ Thuần nhưng Thuần thì không thế. Thuần vẫn về thăm mẹ thường xuyên. Những lúc không phải cơn, mẹ Thuần hiền khôm ngồi thơ thẩn, mắt nhìn xa xăm như thể bà đang trông đợi ai đó về một điều gì đó. Thuần thương mẹ bao nhiêu lại càng hận người cha phụ bạc bấy nhiêu. Nhưng cuộc đời cũng thật công bằng, gieo nhân nào sẽ gặt quả ấy. Bố Thuần đã phải trả một giá rất đắt khi nhẫn tâm giũ bỏ hai mẹ con Thuần.

Vui vẻ với người vợ mới chưa được bao lâu ông ta mắc bệnh ung thư và ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Trước khi mất, mong ước cuối cùng của bố Thuần là được nhìn mặt con gái. Dù khi đó Thuần vẫn là một đứa trẻ nhưng không hiểu sao hai chữ hận thù đã khắc sâu trong tận đáy lòng nên Thuần nhất mực cự tuyệt mong muốn ấy. Thuần muốn ông ta phải mang theo nỗi ân hận xuống tận mồ sâu, chết mà không thanh thản.

Một phút điên loạn, một đời ân hận

Biết mẹ mình đã phải chịu quá nhiều đau khổ nên lúc nào Thuần cũng muốn bù đắp cho mẹ. Mặc dù những lúc lên cơn mẹ Thuần vẫn thường xuyên chửi rủa Thuần. Nhiều khi Thuần cảm tưởng mình sẽ không đủ bao dung để coi như không nghe thấy những lời chửi rủa ấy. Nhưng tình thương yêu của một người con đối với một người mẹ bị liệt về tinh thần đã giúp Thuần bỏ qua tất cả.

Chính vì thế, dù đi lấy chồng rồi nhưng Thuần vẫn thường xuyên qua thăm hỏi mẹ. Không muốn mẹ cứ thơ thẩn một mình, Thuần đã mua một con lợn con rồi nhờ mẹ nuôi. Nhưng bi kịch đau đớn lại nảy sinh chính từ nồi cám lợn. Hôm đó là ngày 28 tháng 2 năm 2001, Thuần đi xe đạp chở một tải dây khoai lang từ nhà chồng ở xã Đồng Quế (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) xuống nhà mẹ là bà Hà Thị Thụ ở xã Tam Sơn cũng cùng huyện.

Đến nhà, thấy mẹ đang nằm trên giường Thuần chào mẹ rồi dúi vào tay bà Thụ mười ngàn đồng. Sau đó Thuần giở tải dây khoai lang ra giữa nhà vừa nhặt vừa trò chuyện với mẹ. Nói chuyện một lúc, Thuần mượn mẹ liềm ra đồng cắt cỏ về cho trâu ăn. Khi trở về thấy bà Thụ đang quấy nồi cám lợn, Thuần đi vào thấy nồi cám đang sôi mà mẹ thì đổ ào cám sắn vào nồi.

Thuần góp ý với mẹ: “Lần sau nấu cám sắn thì mẹ phải hòa trước rồi mới đổ vào quấy cho khỏi bị vón. Nấu thế này, cám còn sống lợn ăn vào say chết”. Thầy Thuần nói thế bà Thụ ấm ức đáp nhời: “Chết thì thịt”. Thuần nói tiếp: “Có mỗi con lợn chết thì hết vốn à?”. Như bị chạm vào nọc, bà Thụ nhảy lên chửi bới con gái, rồi chỉ mặt đuổi Thuần về. Hai mẹ con lời qua tiếng lại, bà Thụ gầm lên: “Hôm nay tao cho mày chết”. Nói xong bà Thụ lăm lăm con dao phay đi từ bếp lên xông thẳng vào con gái định chém. Khi đó Thuần nhanh hơn giật được con dao từ tay bà Thụ.

Có lẽ cơn uất ức đã trào dâng lên đỉnh điểm nên khi cướp lại được con dao, Thuần đã vung lên chém nhiều nhát vào tay và vào cổ, khiến bà Thụ chết ngay tại chỗ. Khi cơn điên loạn qua đi, một lúc sau Thuần mới thấy hoảng hốt trước hành động dã man của mình. Có lẽ vì quá sợ hãi trước hành vi điên dại ấy nên Thuần cuống cuồng tìm cách xóa dấu vết tại hiện trường. Thuần quáng quàng rửa tay và dao dính những vết máu rồi vơ lấy chiếc áo khoác bỏ chạy. Tuy nhiên vẫn còn quá nhiều dấu vết để lại hiện trường nên chẳng khó khăn gì để Công an truy tìm ra thủ phạm.

Lặp lại bi kịch của đời mẹ

Từ khi gây án cho tới tận hôm nay đã mười năm trôi qua nhưng chưa một lần chồng Thuần lên thăm vợ. Cho dù tại thời điểm bị bắt, Thuần đang mang trong mình giọt máu của anh ta. Anh ta có thể ruồng rẫy Thuần nhưng cốt nhục của mình mà anh ta cũng nhẫn tâm vứt bỏ. Nhiều lần Thuần muốn tìm đến cái chết để kết thúc cuộc đời nhiều đau khổ bất hạnh nhưng cứ nghĩ đến đứa trẻ vô tội, nó thậm chí còn chưa được sinh ra để biết thế nào là cuộc đời thì Thuần lại cắn răng mà sống. Dẫu biết rằng nuôi con đơn thân trong trại giam sẽ gặp muôn vàn khó khăn vất vả.

Nghĩ là nghĩ thế nhưng khi đứa trẻ chào đời, Thuần mới thấy những gian nan mà Thuần lo lắng trước đó chả thấm vào đâu so với niềm hạnh phúc lớn lao được làm mẹ. Sinh con mới biết lòng cha mẹ, từ khi có con rồi, Thuần thương con bao nhiêu lại càng thấy hành vi mình làm với mẹ thật đáng ghê tởm bấy nhiêu. Mẹ Thuần chắc cũng đã từng yêu Thuần như tình yêu mà Thuần dành cho con trai của mình bây giờ. Khi con khoảng năm tuổi, một đêm nó nằm thủ thỉ hỏi mẹ: “Mẹ ơi, con có bố không? Sao bố chẳng lên thăm mẹ con mình? Con muốn biết mặt bố lắm”.

Những lời nói thơ ngây của con trẻ như những nhát dao cứa vào lòng người đàn bà tội lỗi. Thuần biết phải trả lời con sao đây khi chính Thuần cũng không thể lý giải hết những bất hạnh của cuộc đời mình. Chính Thuần cũng không hiểu vì sao một người cha lại có thể nhẫn tâm coi như chưa bao giờ có sự xuất hiện của đứa con trên cõi đời này. Sau khi Thuần đi tù không được bao lâu thì chồng của Thuần cũng đã say sưa duyên mới. Nhiều đêm Thuần cay đắng nghĩ rằng không lẽ ông trời đã sắp đặt cho Thuần và mẹ Thuần có chung một bi kịch. Ngày xưa Thuần đã bị chính người cha ruột của mình bỏ rơi, giờ bi kịch ấy lặp lại với đứa con trai bé bỏng của Thuần.

Những ngày tháng đã qua trong trại giam, Thuần luôn sống lặng lẽ như một cái bòng. Lặng lẽ làm việc và lặng lẽ trở về buồng giam. Hằng ngày Thuần cặm cụi gấn dán vàng mã. Đó là một công việc nhẹ nhàng dành cho những người có mức án dài. Ngày nào cũng thế khi những khuôn giấy bản được tạo thành hình hài những đồng tiền, vàng của người cõi âm, Thuần lại nghĩ đến mẹ. Thuần muốn gửi những đồng tiền vàng ấy tới mẹ để bà được tiêu thoải mái bù cho những ngày tháng thiếu thốn cơ cực trên cõi trần ai.

Thuần rất sợ nếu có ai đó vô tình hay cố ý nhắc lại lỗi lầm của mình. Có lần, một chị cùng buồng giam với Thuần, vì không ưa tính cách của Thuần nên đã nói những lời nghiệt ngã rằng: “Tao có vô nhân tính thì cũng là vô nhân tính với người ngoài chứ không đến nỗi vô nhân tính với cả người thân như mày”. Câu nói ấy khiến Thuần đau đớn đến tận cùng tim gan. Không cần người bạn tù ấy nhắc lại thì Thuần cũng đã thấu hiểu thế nào là nỗi đau của việc tự tay sát hại người đã sinh ra mình.

Có lẽ chính vì sự mặc cảm ấy mà Thuần trở nên khép kín, ít hòa đồng với các bạn cùng buồng giam. Trong cô đơn, người duy nhất khiến Thuần có thể bấu víu chính là con trai Thuần. Dù hiện giờ nó không đang ở cạnh Thuần, nó đã rời xa Thuần tính tới nay đã ngót hai năm để hòa nhập vào một môi trường mới, đó là trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Tuyên Quang. Ở đây nó sẽ được đi học, được làm một con người theo đúng nghĩa. Hôm người của trung tâm đến đón, bế con trên tay mà Thuần cứ ghì chặt nó vào lòng như thể sẽ không còn cơ hội để làm điều ấy nữa. Nước mắt Thuần làm ướt đẫm vai áo của con.

Chả hiểu sao khi ấy một đứa trẻ 9 tuổi như nó lại tỏ ra bản lĩnh đến thế. Nó nói với Thuần rằng: “Mẹ đừng khó nữa. Con đi học là để kiếm tiền sau này nuôi mẹ mà”. Nói rồi nó tự trườn khỏi tay mẹ và tự tin bước lên xe. Chỉ đến khi chiếc xe bắt đầu chuyển bánh, con trai Thuần mới hốt hoảng hét lên: “Mẹ ơi mẹ đi cùng con. Đừng để con đi một mình”. Thuần đứng đó như tê dại, mắt trân trân nhìn theo chiếc xe dần dần mất dạng, cảm thấy như mình vừa để vuột mất điều thiêng liêng nhất.

Từ khi xa con, đêm nào đối với Thuần như dài bất tận. Chẳng thể nào có lại được những khoảnh khắc ôm con vào lòng để vỗ về yêu thương và để thấy cuộc đời vẫn còn đáng sống. Đã hai năm rồi Thuần không được nhìn thấy con nên cũng không thể biết giờ này nó đã lớn chừng nào. Nó đã học được những gì từ cuộc sống tươi đẹp ngoài kia. Việc duy nhất Thuần có thể làm được cho con là đêm đêm chắp tay cầu nguyện và mong cho cuộc đời nó không đi lại bước chân của người đi trước.

Theo Công an nhân dân

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG