Bi kịch của người mẹ trẻ

Bi kịch của người mẹ trẻ
Trong một phút nóng giận, bao nhiêu ãm ức dồn nén Nguyễn Thị Thanh đã dùng dao đâm chết "chồng hờ" và khiến cô phải trả giá đắt trong chốn lao tù.

Đoạn trường bi ai của những tội nhân giết chồng (Phần 3):

Bi kịch của người mẹ trẻ

> Phần 1
> Phần 2

Khi được hỏi, Thanh chỉ khóc mà không nói gì nhiều
Khi được hỏi, Thanh chỉ khóc mà không nói gì nhiều. Ảnh: Gia đình&Xã hội

Cuộc tình bế tắc của cô gái mồ côi

Nguyễn Thị Thanh (thôn Tòng Lệnh, xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì, Hà Nội) phạm tội giết người, đang chịu mức án 12 năm tù giam tại Trại giam Phú Sơn 4. Gặp Thanh, tôi có ý được ngồi nói chuyện riêng với cô, hy vọng bằng sự thân thiện và cảm thông của mình, Thanh sẽ mở lòng. Sau hơn nửa tiếng đồng hồ ngồi cùng tôi, Thanh khóc rất nhiều.

Đặc biệt, khi hỏi về mối quan hệ giữa cô và Hà Minh Tuấn – người sống với Thanh như vợ chồng và bị Thanh đâm chết sau này, Thanh luôn tay tháo ra đeo vào chiếc nhẫn kim loại màu trắng trên ngón tay giữa, thỉnh thoảng các ngón tay đó lại run run, đan xiết vào nhau... Có lẽ Thanh bị xúc động mạnh và tôi không muốn nhấn thêm vào nỗi đau của cô nữa.

Tôi tìm về nhà Thanh ở Ba Vì, chắp nối những câu chuyện được nghe ở trại giam cùng những câu chuyện của gia đình Thanh, tôi mới cắt nghĩa nổi vì sao cô gái với vẻ ngoài hiền lành, chất phác đó lại phạm tội giết người.

Thanh mồ côi bố mẹ khi mới hơn 10 tuổi. Cô có hai người anh trai là Nguyễn Tuấn Bình và Nguyễn Tuấn Tỉnh. Khi bố mẹ mất, ba anh em Thanh tự rau cháo nuôi nhau. Bình và Tỉnh đành phải bỏ học giữa chừng, đi làm thợ xây để kiếm kế sinh nhai. Năm 2000, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Thanh cũng rời quê xuống trung tâm Hà Nội lao động kiếm sống. Năm 2001, Thanh quen biết Hà Minh Tuấn.

Yêu nhau một thời gian, Thanh phát hiện Tuấn nghiện ma túy. Hai người anh của Thanh ra sức ngăn cản nhưng tình yêu đầu đời của người con gái mới lớn đã che lấp đi tất cả. Thanh chưa đủ sự trải nghiệm và hiểu biết để “lượng sức mình” nên lao vào tình yêu như một con thiêu thân.

Thanh hy vọng bằng tình yêu của mình, Tuấn sẽ thay đổi, sẽ bỏ được ma túy. Chỉ đến khi thuê nhà sống cùng nhau, những đồng tiền mà Thanh tích cóp được trong những năm đi buôn bán hoa quả, làm thuê lần lượt đội nón ra đi; vài ba lần giúp Tuấn cai nghiện không thành; những lúc mâu thuẫn Thanh bị Tuấn đánh đập... thì Thanh bắt đầu vỡ mộng.

Nhưng để bỏ Tuấn thì Thanh không đủ can đảm. Bởi lúc này, họ đã thuê một căn phòng trong khu nhà trọ ở phường Dịch Vọng, Cầu Giấy sống với nhau như vợ chồng. Bi kịch sống chung của cô gái mới lớn kéo dài trong vòng xoáy của sự hy vọng, rồi thất vọng triền miên. Cực nhọc khổ sở kiếm tiền cả năm, chỉ một giây cả tin là mất hết; ngỡ được yêu thương nhưng Thanh lại được trả bằng những dối trá, lọc lừa.

Ngày 12-3-2004, do căng thẳng vì việc Tuấn lấy xe máy của anh mình rồi vi phạm luật nên bị công an giam mà không chịu đi chuộc về, hai người đã cãi nhau. Thanh bị Tuấn đấm vào mặt, những ức chế dồn nén suốt hàng năm trời trước đó đã biến một cô gái hiền lành, cam chịu trở thành sát thủ giết người. Thanh dùng dao nhọn đâm chết Tuấn. Mấy ngày sau, Thanh ra đầu thú. Lúc bị tạm giam, Thanh phát hiện mình mang thai đôi hai đứa con của Tuấn.

Giết người là giết người, đó là trọng tội mà người đời khó dung thứ. Ngày đó, có người còn suy đoán rồi thêu dệt rằng Thanh là gái mại dâm. Thanh chỉ biết câm nín chịu đựng trong im lặng. Bởi Thanh nghĩ, với một kẻ tội đồ như mình, có thanh minh thì cũng chẳng ai thèm nghe.

Cái giá của sự lầm lỡ

Tôi đến nhà anh Bình lúc gia đình đang ăn bữa trưa. Biết tôi ở chỗ Thanh đến, vợ chồng anh Bình buông bát. Lũ trẻ, hai đứa con anh Bình, hai đứa con của Thanh cũng theo “bố mẹ” lên ngồi hóng chuyện. Ngồi một lúc thì chúng kéo nhau đi học hết. Lúc này, câu chuyện của chúng tôi xoay quanh mối quan hệ của Thanh và Tuấn.

Anh Bình rành rọt kể: “Nó mất bao nhiêu là tiền cho Tuấn. Đi làm dành dụm được 30 triệu đồng nó gửi vào thẻ tiết kiệm, nhờ chú Tỉnh giữ hộ vào cuối năm 2002. Vậy mà chỉ mấy tháng sau đã rút hết cho Tuấn.

Khi chưa yêu Tuấn thì còn xông xênh mua cho anh chị quần quần áo áo. Yêu Tuấn rồi, lúc nào cũng hớt hải lo toan. Tuấn còn mượn xe máy của tôi, vượt đèn đỏ bị công an bắt giữ mất xe. Nó chẳng những không chuộc xe về, mà xé mất biên bản phạt. Nó làm thế khác gì thách thức em tôi. Tính Thanh kín đáo, nó chẳng nói chẳng phô gì về Tuấn cả nhưng tôi biết là nó khổ sở lắm”.

Biết Tuấn nghiện, ngay từ đầu vợ chồng anh Bình ra sức ngăn cản nhưng không được. Có lần anh Bình xuống Hà Nội, mang hết đồ đạc của Thanh về. Nhưng ngày hôm sau nghe Tuấn gọi là Thanh lại đi. Trước sự u mê của em, anh Bình chỉ còn biết thở dài. Anh Bình đến bây giờ vẫn chưa thôi thất vọng khi nói về sự dại dột của em gái mình: “Tôi đã cố hết sức nhưng buộc trâu buộc bò chứ ai buộc được người”.

Tiền mất, Tuấn chết, mang tội giết người, lại phát hiện mang thai đôi... đối với một cô gái chưa chồng như Thanh quả là quá sức chịu đựng. Những ngày tháng cơ cực và tủi nhục đó có lẽ càng khiến cho Thanh trở nên lặng lẽ hơn. Vào Hỏa Lò được 6 tháng thì Thanh sinh nở. Thanh đẻ thiếu tháng, một cháu được 1,9kg, một cháu chỉ được 1,4kg.

Ngày Thanh mới lên trại giam Phú Sơn 4, nhìn Thanh gầy guộc cắp nách hai đứa con nhỏ nheo nhóc khóc, những phạm nhân nữ cùng phân trại đều cảm thấy cám cảnh nhưng không giúp được gì. Chị Trần Thị Thoa, phạm nhân từng ở cùng buồng với Thanh ở phân trại số 2 kể: “Hai đứa nhỏ của Thanh khóc ghê lắm. Cứ dỗ được đứa này thì đứa kia khóc. Phạm nhân ai có gì cho nấy chứ không bế đỡ con giúp Thanh được, vì cùng hoàn cảnh phải lao động cải tạo như nhau”. Khi hai cháu được 36 tháng tuổi, theo quy định của trại giam, Thanh phải gửi con về cho gia đình.

Trao đổi với tôi về trường hợp phạm nhân Nguyễn Thị Thanh, chị Nguyễn Khánh Ly, cán bộ quản giáo, phân trại số 6, trại giam Phú Sơn 4 cho biết: Thanh là một người khá trầm tính, khó chia sẻ. Lúc nào cũng tha thẩn một mình. Làm việc cũng chọn một góc riêng, nhiều hôm thất thần như bị làm sao ấy. Hỏi thì trả lời vài câu đơn sơ rồi thôi. Những phạm nhân khác gia đình có điều kiện nên họ được thăm nuôi thường xuyên, còn Thanh thì chẳng thấy ai đến thăm nuôi cả.

(Còn nữa)

Theo Lâm Vũ
Gia đình&Xã hội

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.