Bi kịch của những cô gái trẻ sính... chồng ngoại

Bi kịch của những cô gái trẻ sính... chồng ngoại
Sau hàng loạt hệ lụy từ chuyện 'lấy chồng Đài Loan', 'làn sóng' lấy chồng ngoại đã dịu lại nhưng đó cũng là lúc hình ảnh của người đàn ông Hàn Quốc trong mắt các cô gái vùng quê miền sông nước lại lên ngôi. Hàng trăm cô gái lũ lượt sang làm dâu tại xứ Kim Chi và không ít bi kịch đau lòng đã xảy ra...

Cần Thơ hiện là địa phương đang có "làn sóng" lấy chồng Hàn mạnh mẽ nhất miền Tây. Như Báo CAND đã thông tin, 6 tháng đầu năm 2010, đã có trên 550 phụ nữ thuộc vùng sâu, vùng xa của địa phương này như Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt và Phong Điền lên máy bay theo chồng về Hàn Quốc. Năm 2009, có gần 2.000 cô gái phải xa địa danh Bến Ninh Kiều làm dâu xứ người. Chưa có thống kê về sự đổi đời từ sự lựa chọn ấy nhưng những thảm cảnh đã xảy ra.

Những thảm kịch của cô dâu Việt tại xứ Kim Chi

Trước vụ cô dâu Thạch Thị Hoàng Ngọc bị sát hại, người dân Cần Thơ cũng đã bàng hoàng và đau xót khi hay tin cô dâu vùng quê Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ), Lê Thị Kim Đồng, 24 tuổi đã không có cơ hội cùng chồng, con trở về thăm quê.

Lúc đó, Kim Đồng đang có thai nhưng do bị gia đình nhà chồng hành hạ nên đã quyết định bỏ trốn khỏi nhà chồng - một chung cư thuộc thành phố Daeg miền Trung Hàn Quốc, cách Seoul khoảng 400km. Chị đã dùng rèm cửa buộc vào người và nhảy xuống từ ban công tầng 9. Rèm cửa bị tuột khiến cô bị thương nặng. Cô đã được đưa vào bệnh viện và qua đời sau đó gần 1 tuần lễ.

Trong khi vụ việc đang còn gây xôn xao dư luận thì xảy ra vụ cô dâu Trần Thanh Lan (sinh năm 1986, ngụ phường Lê Bình, quận Cái Răng, Cần Thơ) đã tử vong khi rơi từ tầng 14 của một khu chung cư thuộc thành phố Kyongsan đúng vào chiều 30 Tết Việt Nam, tức chiều 6/2/2008. Cô gái xinh đẹp này sang làm dâu xứ Hàn chỉ đúng 25 ngày, gọi điện về thăm hỏi gia đình được 2 lần, rồi lặng lẽ… chọn cách "ra đi" thanh thản. Cơ quan chức năng Hàn Quốc sau khi vào cuộc điều tra xác định Lan đã tự tử vì không hòa nhập được với gia đình nhà chồng (ông Ha Jang-su, SN 1972). Trước đó một tuần, Lan đã nộp đơn ra tòa ly dị và cô đang chuẩn bị trở về Việt Nam.

Sau vụ của Lan, chỉ hơn 4 tháng sau, cô dâu Huỳnh Mai (20 tuổi, quê xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) sau khi sang Hàn Quốc được hai tháng đã bị chồng (ông Jangamuke, SN 1961) giết hại dã man. Xác của cô dâu Huỳnh Mai được tìm thấy trong tầng hầm nhà chồng sau 8 ngày bị giết với 18 xương sườn bị gãy.

Cơ quan chức năng Hàn Quốc xác định sau khi sang Hàn Quốc làm vợ, Huỳnh Mai cảm thấy không hòa hợp được với người chồng suốt ngày rượu chè bê tha nên xin về Việt Nam nhưng cô đã bị chồng cự tuyệt và hành hạ cho đến chết. Trước khi chết, cô đã viết một lá thư tuyệt mệnh dài 5 trang rồi để lại trong hộc bàn. Hộ chiếu của cô đã bị chồng xé và vứt trong sọt rác. Chồng Huỳnh Mai sau đó bị xử phạt 12 năm tù giam.

Đâu là nguyên nhân của "làn sóng" lấy chồng ngoại

Hơn chục năm trước, khi chuyện "lấy chồng Đài Loan" rộ lên thành "làn sóng", báo chí, chính quyền và ban ngành đoàn thể các cấp cũng đã lần tìm ra được những nguyên nhân cơ bản. Đó là hoàn cảnh gia đình của các cô gái khó khăn, bản thân các cô ít học, các cô không có việc làm hoặc thu nhập ổn định, mơ sẽ có một cuộc đổi đời…

Sau hàng loạt hệ lụy từ chuyện "lấy chồng Đài Loan", "làn sóng" ấy đã dịu lại nhưng đó cũng là lúc hình ảnh của người đàn ông Hàn Quốc trong mắt các cô gái vùng quê miền sông nước lại lên ngôi. Cạnh những nguyên nhân vừa kể, còn có một nguyên nhân khác là thủ tục "kết hôn" với đàn ông Hàn Quốc khá đơn giản, nhanh gọn. Không phải "lách luật" qua đường du lịch hoặc thăm thân nhân như hầu hết "cô dâu xứ Đài" trước kia.

Sáng 13/7, khi ngồi trò chuyện với anh Lê Phát Thanh - Trưởng phòng Hộ tịch Sở Tư pháp TP Cần Thơ, tôi đã nghe anh kể câu chuyện thuộc về "nhận thức của các cô gái" và tôi cho đó cũng là nguyên nhân góp phần cho chuyện lấy chồng Hàn Quốc thành "làm sóng". "Cách nay chưa lâu, tôi đã chứng kiến một cô gái ngồi chờ làm thủ tục kết hôn với một người đàn ông Hàn Quốc gần đáng tuổi ông của mình. Ngồi cả buổi nhưng chẳng thấy cả hai trò chuyện hay có cử chỉ gì quan tâm, thương yêu nhau (do bất đồng ngôn ngữ). Tới khi phỏng vấn, chúng tôi hỏi cô gái sao cô xinh đẹp, trẻ trung như thế mà lại chọn người chồng lớn tuổi? Cô gái không trả lời thẳng mà kể cho chúng tôi nghe câu chuyện ở quê cô - thị trấn Cờ Đỏ. Cô kể rằng, cô đã 29 tuổi rồi. Ở quê, chừng tuổi đó mà chưa có chồng coi như lỡ thời và đối diện với nguy cơ ế...

Trong khi đó, các hoạt động "săn đón" nhằm "gây thiện cảm" từ phía Hàn Quốc vẫn lặng lẽ diễn ra với các vùng quê Việt Nam. Sáng 14/7, chúng tôi tìm đến một phòng nghiệp vụ của Công an TP Cần Thơ thì được biết thêm về câu chuyện xảy ra cách nay 3 tuần. Hôm đó là sáng 23/6/2010, văn phòng thường trú một số báo tại TP Cần Thơ nhận được Fax của Ngân hàng TNHH một thành viên Shinhan Việt Nam (thuộc Tập đoàn Tài chính Shinhan Hàn Quốc) tại TP Hồ Chí Minh mời tham dự Chương trình từ thiện.

Sáng đó, khi các PV tìm đến địa chỉ ghi thì không có số nhà theo thư mời nên điện thoại lại phía Ban tổ chức thì được biết, nơi tổ chức chương trình trên là nhà số 29A/11, Hương lộ 28, phường Bình Thuỷ, quận Bình Thủy (Cần Thơ) của chị Chiêm Như Hoa, 25 tuổi.

Chị Hoa cũng vừa cùng người chồng Hàn Quốc về quê vào chiều 22/6. Đến 10h30' thì chiếc ôtô mang BKS TP Hồ Chí Minh chở 8 người Hàn Quốc do ông Hong Man-ki, Tổng Giám đốc Shinhan Việt Nam dẫn đầu đến thăm hỏi và trao đổi với gia đình chị Hoa. Tuy nhiên cuộc gặp gỡ trên diễn ra chưa được 30 phút thì các anh Công an đã có mặt, lập biên bản.

Vợ chồng chị Hoa về địa phương nhưng không trình báo tạm trú; còn 8 người Hàn Quốc không ai xuất trình được giấy tờ nào của cấp có thẩm quyền Việt Nam cho phép thực hiện chương trình trên. Và kết quả kiểm tra mục đích nhập cảnh của số người Hàn Quốc kể trên là du lịch. Cả 8 người Hàn Quốc ngay sau đó đã bị cơ quan Công an ra quyết định cảnh cáo…

Theo Binh Huyền
CAND

MỚI - NÓNG