Bị ngăn cảnh yêu đương, cháu giết cô ruột

Bị ngăn cảnh yêu đương, cháu giết cô ruột
Được cô nuôi dạy từ bé và xem như con, Phùng Văn Tài chưa kịp trả ơn thì lại gây oán. Tài giết cô vì người cô này không đồng ý cho Tài yêu D.
Bị ngăn cảnh yêu đương, cháu giết cô ruột ảnh 1
Phùng Văn Tài

Đêm đã khuya nhưng gia đình ông Phùng Văn Chính, bà Lê Thị Thơm ở xã Giao Hà, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định vẫn rộn rã tiếng nói cười.

Kẻ vào người ra vẫn nườm nượp để mừng cho ông bà vừa có chàng rể mới. Niềm vui đang hoan hỉ, bỗng mọi người im bặt bởi sự xuất hiện của Phùng Văn Tài, người con trai thứ 7 của gia đình ông Chính.

Vẻ mặt thất thần, miệng Tài lắp bắp: "Cô Loan... bị... làm sao... ấy". Mọi người trong tiệc cưới chạy ùa sang nhà bà Loan. Bà Loan là em ruột của ông Chính (giáo viên Trường Tiểu học xã Giao Hà đang chờ nghỉ chế độ).

Năm nay bà Loan đã bước sang tuổi 53 nên sức khỏe giảm sút nhiều. Mới đây, người ta thấy bà hay bần thần khó ở, dường như có điều gì đau khổ lắm.

Khác hẳn với gia đình người anh trai con cháu đầy nhà đầy cửa, bà Loan chỉ có một mình. Cuộc sống hiu quạnh đã khiến bà già nhanh trước tuổi. Thương em gái cô đơn, ông Chính đã cho Phùng Văn Tài (19 tuổi) là cậu con trai thứ 7, sang ở với em gái để có người đỡ đần sớm hôm.

Bà Loan cũng đã dành trọn tình yêu thương cho Tài như một người mẹ thứ  hai, chăm bẵm nuôi nấng khi cậu ta mới 4 tuổi. Tài đã được sống những ngày tuổi thơ êm đềm hạnh phúc.

Giờ đây, cậu ta đã là một cán bộ văn hóa đầy triển vọng của xã Giao Hà, đàn hay hát giỏi khiến không ít thôn nữ ngất ngây ngưỡng mộ. Nhìn cháu trưởng thành, bà Loan như nở từng khúc ruột.

Bà hy vọng một ngày nào đó, Tài sẽ tìm được "một nửa" cho mình để ngôi nhà nhỏ đơn côi của bà có thêm tiếng bi bô trẻ nhỏ thì cuộc đời bà chẳng còn mong ước gì hơn. Vậy mà...

Khi mọi người từ nhà ông Chính ùa sang thì... bà Loan đã tắt thở. Sự ra đi đau đớn của bà khiến mọi người bối rối không sao lý giải nổi. Bởi bà giáo già ấy nào có thù oán gì ai đâu mà chỉ luôn mang lại niềm hạnh phúc cho người.

Trước nỗi đau ấy, Tài chạy đôn chạy đáo "cầu cứu" hết những người anh em ruột thịt tới để sẻ chia. Cậu ta khóc ròng về sự ra đi đột ngột của người cô tội nghiệp.

Nhưng với những điều tra viên có con mắt "nhà nghề" thì đây là một vụ án mạng, và thủ phạm chẳng phải ai khác mà chính là đứa cháu bất hiếu Phùng Văn Tài.

Khi bị còng tay đưa lên chiếc xe đặc chủng, Tài ra vẻ bất ngờ về sự "ngộ nhận" của các điều tra viên. Nhưng rồi vở kịch của y đã được nhanh chóng hạ màn.

Tài kể về mối tình của mình với cô thôn nữ tên D., ở xã Hoành Sơn, huyện Giao Thủy. Cách đây 6 tháng, Tài đã thầm yêu trộm nhớ cô gái ở quán làm đầu có lúm đồng tiền duyên dáng.

Tiếng đàn và giọng hát của anh chàng Trưởng ban Văn nghệ xã Giao Hà đã làm ngây ngất lòng cô thôn nữ xã Hoành Sơn. Thế rồi họ yêu nhau, thề non hẹn biển.

Vậy mà, khi Tài dẫn người yêu về gia đình giới thiệu, nào ngờ lại gặp sự phản ứng quyết liệt của bà Loan. Bà Loan bảo rằng, tuổi của Tài với tuổi của D. là không thể nên vợ nên chồng, nếu cố tình lấy nhau sẽ không hạnh phúc.

Mỗi lần Tài nhắc đến tên D. là bà Loan lại "dị ứng" và phản đối quyết liệt. Sự bất đồng quan điểm giữa hai cô cháu ngày một sâu sắc. Bất chấp mọi lời khuyên, Tài càng yêu D. hơn bao giờ hết.

Ngày 18/7 là ngày cưới chị gái của Tài, anh ta đã đưa người yêu về ra mắt  với họ hàng và dự đám cưới chị gái. Sự việc này càng làm cho bà Loan thêm bực bội. Bà Loan nói rằng D. muốn làm cháu dâu của bà mà gặp bà cũng "câm như hến".

Vậy là giữa bà cô và cậu cháu lại có cuộc "đấu khẩu" nảy lửa. Trong lúc bực tức, bà Loan tuyên bố: "Nếu mày cố tình lấy nó thì trả lại xe máy và cây đàn cho tao. Và tao cũng trả mày về với bố mẹ mày vì đã không dạy nổi mày nữa...".

Khi màn đêm buông xuống, Tài từ nhà bố đẻ về nhà bà Loan thì thấy bà đã mắc màn đi ngủ. Ngồi uống nước nghĩ lại câu chuyện ban chiều, Tài đã biến mình thành con thú hung dữ, lấy chiếc chày gần đó chạy đến bên giường đập liên tiếp vào đầu bà Loan rồi tháo sợi dây chuyền trên cổ bà, sau đó gã đi gọi mọi người tới nhà bảo bà bị cướp.

Ngày hôm sau, nhìn Tài ngồi ủ rũ tại buồng giam khóc ròng, tôi chợt nghĩ: giá như bà Loan có cách xử lý nhẹ nhàng khéo léo hơn, giá như Phùng Văn Tài thấu hiểu tâm tư của cô mình mà chờ thời gian thuyết phục bằng tấm lòng hiếu thảo thì anh ta đâu có phạm tội ác như vậy?

Theo CAND

MỚI - NÓNG