Xì - căng - đan ở Fafilm TP. HCM:

Biển thủ gần 3 tỷ đồng để chơi… số đề

Biển thủ gần 3 tỷ đồng để chơi… số đề
Một nhân viên kế toán của Faflim TPHCM đã biển thủ gần 3 tỷ đồng để "nướng" vào số đề mà lãnh đạo chỉ biết ký chứ không kiểm tra.
Biển thủ gần 3 tỷ đồng để chơi… số đề ảnh 1

Hôm nay (18/4/2005), TAND TPHCM đưa vụ án “biển thủ tiền tỷ ở Công ty Xuất nhập khẩu phát hành phim Việt Nam tại TPHCM – Faflim TPHCM do Lê Kim Dung (nguyên nhân viên kế toán phụ trách ngân hàng của Faflim TPHCM) thực hiện, ra xét xử.

Người ta đã ngạc nhiên khi số tiền gần 3 tỷ đồng “biển thủ” của Công ty được bị can này đem “nướng” vào số đề và càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng lãnh đạo Faflim TPHCM và những người có trách nhiệm chỉ biết ký chứ không… kiểm tra!

Một mình, một cửa?

Lê Kim Dung (1957, ngụ 12-14 Nguyễn Thiệp, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM) được giao nghiệp vụ theo dõi tài khoản của công ty ở Vietcombank TPHCM với các dịch vụ giao dịch giữa ngân hàng, công ty và khách hàng.

Theo hợp đồng kinh tế số 19 (ký năm 2000) và số 108 (ký 2002) giữa Fafilm Việt Nam với hãng TVB1 (Hồng Kông) thì TVB1 sẽ cung cấp các băng hình, đĩa VCD để Fafilm VN in sang và phát hành ở các rạp và sau đó phân chia tài chính theo tỷ lệ phần trăm cho mỗi bên sau khi đã trừ chi phí chung. Faflim VN sẽ thanh toán cho TVB1 bằng tiền đồng hoặc chuyển khoản bằng USD qua tài khoản ở Vietcombank TPHCM theo yêu cầu của TVB1.

Do không có tư cách pháp nhân tại Việt Nam nên TVB1 đã nhờ phía Fafilm mua USD và chuyển về Hồng Kông. Như vậy từ năm 2001 đến 11/2003, có tất cả 9 lần chuyển tiền từ Fafilm theo các vận đơn (invoice) cho TVB1 với tổng số tiền 415.000 USD. Lợi dụng vào lòng tin của chị Hồ Mỹ Hoa (nhân viên đại diện của TVB1 ở TPHCM), sau khi nhận tiền từ Hoa tại ngân hàng, thay vì đổi ngoại tệ và chuyển cho đối tác, Dung đã dùng mọi cách để qua mặt Hoa và bỏ túi tổng số tiền 2,8 tỷ đồng.

Tương tự, ở hợp đồng số 69/HĐKT-FFVN ký  năm 2003 giữa Fafilm với hãng Pro-Vision (Canada) và hợp đồng số 58/HĐKT-FFVN ký năm 2002 với hãng SanYang (hãng Tam Dương), Lê Kim Dung theo “ngựa quen đường cũ” đã “qua mặt” nhân viên của 2 hãng này để chiếm đoạt thêm số tiền gần 170 triệu đồng.

Thế nhưng, Dung đã chiếm đoạt gần 3 tỷ đồng như vậy, song tài khoản của 3 hãng này tại nước ngoài đều được thông báo nhận được đầy đủ số tiền?

“Nuôi ong tay áo” hay trách nhiệm của lãnh đạo?

Thực tế, việc thiếu trách nhiệm trong kiểm tra nhân viên Lê Kim Dung của phòng kế toán và lãnh đạo Fafilm TPHCM chính là nguyên nhân dẫn đến xì- căng-đan chấn động trong giới kinh doanh văn hoá phẩm ở Việt Nam.

Sau khi đã cuỗm số tiền từ tay các đại diện của các hãng đối tác, Dung đã lấy giấy nộp tiền ở quầy giao dịch ngân hàng và dùng con dấu giả “Đã nhận tiền” đóng lên. Sau đó, Dung làm một cuốn sổ hạch toán giả (giống sổ phụ theo dõi tình hình tài chính tại ngân hàng của Fafilm TPHCM) với số liệu được cân đối cho phù hợp đúng số tiền mà bị can này chiếm đoạt.

Hàng tháng Dung đều “nghiêm túc” làm báo cáo quỹ “ảo” để gửi lãnh đạo phòng kế toán tài chính và lãnh đạo công ty. Thay vì phải kiểm tra, lãnh đạo Fafilm TPHCM chỉ “cặm cụi” ký lệnh chuyển tiền ra nước ngoài cho các hãng phim.

Và vụ việc chỉ bị phát hiện khi ngày 27/11/2003, Phòng kế toán Fafilm TPHCM rút khoảng tiền 300 triệu đồng thì được ngân hàng thông báo số tiền không đủ để…rút. Khi đó, biết sự việc bị lộ tẩy Lê Kim Dung đã vội vã bỏ trốn nhưng bị bắt sau 2 ngày.

Kết luận của cơ quan điều tra cho thấy, giám đốc Fafilm TPHCM Cao Văn Sâm; nguyên Kế toán trưởng Phan Thị Chi Yến (đã nghỉ hưu); Trưởng Phòng Tài chính kế toán Nguyễn Thu Hằng  đã không sát sao trong kiểm tra. Từ đây, Dung đã dễ dàng làm chứng từ giả và chiếm đoạt gần 3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện tại bà Hằng đã bị cách chức, ông Sâm bị cảnh cáo và buộc phải có trách nhiệm cùng tập thể lãnh đạo công ty có biện pháp nhằm khắc phục hậu quả số tiền bị chiếm đoạt, cho nên không xử lý pháp luật!

Tổng số tiền chiếm đoạt được, theo Lê Kim Dung, đã “nướng” hết vào chơi đề với mấy “đại lý” Lâm Thị Xuân, Khương Thị Mỹ Hường, Nguyễn Ngọc Ánh trên đường Nguyễn Huệ, Mạc Thị Bưởi (quận 1). Song các đương sự này đều không xác nhận hành vi nên không xử lý hình sự được.  

MỚI - NÓNG