Vụ “hô biến” hơn 700 ha đất công:

Bình Dương: Kết luận thanh tra bị phủ quyết bởi… công văn của Bộ TN-MT

Bình Dương: Kết luận thanh tra bị phủ quyết bởi… công văn của Bộ TN-MT
TP - Vin vào văn bản do Thứ trưởng Đặng Hùng Võ ký, UBND tỉnh Bình Dương đã phủ quyết kiến nghị của cơ quan thanh tra và không thu hồi đất đã cấp sai cho gia đình các quan chức.
Bình Dương: Kết luận thanh tra bị phủ quyết bởi… công văn của Bộ TN-MT ảnh 1

Khu đất công hơn 700 ha đã “biếu không” cho nhiều quan chức tỉnh Bình Dương

Vụ “hô biến” hơn 700 ha đất công thành của riêng gia đình các quan chức ở tỉnh Bình Dương vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến chỉ đạo Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo thanh tra làm rõ và báo cáo lên Thủ tướng.

Điều ít ai ngờ trước đây đã từng có đề xuất tương tự từ một cơ quan nội chính cấp tỉnh nhưng sau đó đã bị UBND tỉnh “phủ quyết” một cách trái Luật.

Ngày 5/5/2006, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Bình Dương Kiều Kông đã ký kết luận Thanh tra số 57 chỉ rõ việc UBND huyện Bến Cát cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho các trường hợp nhận đất trên khu 52,9ha của Văn phòng Huyện Ủy Bến Cát và khu đất công hơn 650 ha của Cty SOBEXCO đã vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai. Vì vậy, Thanh tra tỉnh đã kiến nghị thu hồi 85 sổ đỏ đã cấp và tiến hành kiểm điểm các tổ chức, cá nhân sai phạm.

Kết luận của cơ quan Thanh tra đã được nhiều cơ quan tham mưu như Sở Tài Chính, Sở Tư pháp,… đồng tình nhưng lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương thì lại căn cứ hầu hết vào giải trình của ông Cao Minh Huệ - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường và không chấp thuận.

Trong cuộc họp kết luận về kết luận Thanh tra này, do có nhiều ý kiến không thống nhất, UBND tỉnh đã chấp thuận đề xuất của Sở Tài nguyên – Môi trường là nhờ Bộ Tài nguyên- Môi trường (TNMT) giải đáp chính sách.

Một cán bộ lãnh đạo Thanh tra tỉnh (đã nghỉ hưu) cho biết trong cuộc họp trên, sau khi biết ý định của UBND tỉnh muốn mời Bộ TNMT, Thanh tra tỉnh đã phản đối vì hoàn toàn sai Luật Thanh tra.

Và để bảo vệ kết luận này, lãnh đạo Thanh tra tỉnh Bình Dương đã kiến nghị UBND tỉnh mời Thanh tra Chính phủ vào Bình Dương để thực hiện việc phúc tra kết luận của thanh tra cấp dưới đúng như quy định nhưng đề nghị đúng đắn này cũng không được chấp thuận.

Ngày 14/11/2006, UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản số 5945 gửi lãnh đạo Bộ TNMT “xin ý kiến giải quyết việc kết luận của Đoàn Thanh tra về cấp quyền sử dụng đất”.

Sau khi nhận được văn bản trả lời số 5649 của Bộ TNMT do Thứ trưởng Đặng Hùng Võ ký, ông Nguyễn Hoàng Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã dựa vào đó để có “kết luận về kết luận thanh tra” theo hướng phủ quyết gần như hoàn toàn các kiến nghị trước đó của lãnh đạo Thanh tra tỉnh.

Bộ Tài nguyên - Môi trường “vô can”?

Vì sao lúc đó UBND tỉnh không mời Thanh tra Chính phủ phúc tra mà lại chọn Bộ TNMT? Có hay không những cú bắt tay trị giá bạc tỷ đằng sau “mối quan hệ hợp tác” giữa quan chức Bộ TNMT và địa phương (do Sở TNMT Bình Dương đạo diễn) mà dư luận địa phương đang xôn xao? Những vấn đề trên đang được cơ quan điều tra xác minh làm rõ.

Theo nguồn tin riêng của Tiền phong, ngay sau khi Bộ Công an vào cuộc, nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ đã có văn bản cho rằng do UBND tỉnh Bình Dương lúc đó hỏi không rõ, không cụ thể nên mới trả lời như vậy.

Tuy nhiên, trong buổi đối thoại với phóng viên một số báo (trong đó có Tiền phong), ông Nguyễn Hoàng Sơn khẳng định địa phương đã gửi toàn bộ hồ sơ pháp lý kèm theo công văn để Bộ có điều kiện thẩm định và cho ý kiến chính xác. Công văn số 5649 của Bộ TNMT cũng khẳng định đã “nhận được hồ sơ kèm theo”.

Văn bản của UBND tỉnh đề nghị giải đáp : 1. Đối tượng được cấp giấy chứng nhận QSDĐ qua đấu giá vườn cây cao su (mà tỉnh đã làm) có giá trị pháp lý và đúng đối tượng hay không? 2. Thu hồi hay không thu hồi QSDĐ và chuyển sang hình thức cho thuê đối với các trường hợp đã mua cao su và được cấp sổ đỏ?

Sau khi “ngâm cứu” chán chê, địa phương hỏi một đằng, Bộ lại trả lời một nẻo, trong đó đáng lưu ý nhất là kết luận “Các cá nhân được giao đất, cấp giấy chứng nhận QSDĐ chứ không phải thuê đất”.

Hiện nay, dư luận đang đặt nghi vấn về “cái sự nhầm” nói trên, nhất là người ký lại là ông Đặng Hùng Võ - một GS TSKH có trình độ, kinh nghiệm về các chính sách quản lý đất đai. Đúng - sai còn chờ kết luận của cơ quan điều tra nhưng hậu quả để lại thì vô cùng lớn.

Chính vì vin vào văn bản này, UBND tỉnh Bình Dương đã phủ quyết kiến nghị của cơ quan thanh tra, không những không thu hồi đất đã cấp sai mà còn chi trả hàng trăm tỷ đồng tiền nhà nước cho gia đình các quan chức để thu hồi đất công làm khu công nghiệp - dịch vụ An Tây.

Điều 16 và điều 19 Luật Thanh tra quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Thanh tra và Chánh Thanh tra tỉnh, trường hợp những kiến nghị của Chánh thanh tra tỉnh không được chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận thì phải báo cáo lên Tổng Thanh tra (cấp trên của Chánh Thanh tra tỉnh) giải quyết.

Ngày 30/7/2007, Văn phòng T.Ư Đảng đã có Văn bản số 2774-CV/VPTƯ gửi Thủ tướng Chính phủ ý kiến của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chỉ đạo kiểm tra, giải quyết thông tin báo chí (trong đó có báo Tiền phong) nêu về việc UBND tỉnh Bình Dương sử dụng hàng trăm tỷ đồng tiền nhà nước để thu hồi đất công làm khu công nghiệp – dịch vụ An Tây.

MỚI - NÓNG