“Bỏ tù” là giúp bị cáo cai nghiện?

“Bỏ tù” là giúp bị cáo cai nghiện?
TP - Tiền Phong ra ngày 27-6-2011 có bài “Bi kịch càng sửa càng sai”, nói về việc một thẩm phán TAND quận X ra bản án hình sự có sai sót, sau đó thẩm phán này ra tiếp “Thông báo đính chính”, cái bản đính chính ấy lại sai sót tiếp…

> Bi kịch 'càng sửa, càng sai'

Cần nỗ lực để hạn chế lỗi trong các bản án, đấy là mong mỏi của những người tham gia phiên tòa (Ảnh mang tính minh họa)
Cần nỗ lực để hạn chế lỗi trong các bản án, đấy là mong mỏi của những người tham gia phiên tòa (Ảnh mang tính minh họa).

Bài báo “Bi kịch…” còn nêu hàng loạt lỗi chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa trong bản án mà vị thẩm phán TAND quận X đã tuyên, điển hình là việc thẩm phán này nhận định “Cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian mới đủ tác dụng giáo dục và giúp bị cáo cai nghiện”.

Bài báo trên Tiền Phong nhận xét: Viết như vậy vừa không có căn cứ pháp luật, vừa không thể hiện tính nhân đạo đối với người nghiện.

Vẫn tiếp tục “bỏ tù để giúp cai nghiện”?!

Bài báo “Bi kịch…” dường như không chút tác động đến vị thẩm phán của TAND quận X. Bằng chứng là mới đây, ngày 14-3-2012, thẩm phán này lại tuyên một bản án khác mà lỗi chính tả, ngữ pháp vẫn nhan nhản, song điều đáng bàn hơn, bản án này tiếp tục quan điểm “bỏ tù để giúp cai nghiện”.

Bị cáo trong vụ án này là ông Đ.Q.K., sinh năm 1956, trú tại Hà Nội, bị truy tố về hành vi “tàng trữ trái phép chất ma túy” theo khoản 1 Điều 194 Bộ luật Hình sự (ông K. mua một gói lẻ heroin, đút túi quần chưa kịp sử dụng thì công an khám người phát hiện).

Tại bản án sơ thẩm đã tuyên, vị thẩm phán TAND quận X nhận định “Cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian mới đủ tác dụng giáo dục và giúp bị cáo cai nghiện”, để rồi tuyên phạt ông Đ.Q.K. 18 tháng tù giam.

Tham chiếu Luật Phòng chống ma túy

Trước hiểm họa ma túy đã và đang gây ra biết bao tai họa, Nhà nước ta đã ban hành Luật Phòng chống ma túy (PCMT). Mặc dù hình phạt dành cho các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ… chất ma túy hết sức nghiêm khắc, song đối với người nghiện, Luật PCMT có những quy định mang tính nhân đạo rất cao, quan trọng nhất là quy định người nghiện phải được cai nghiện.

Theo Điều 26 Luật PCMT, người nghiện có thể cai nghiện tại gia đình; cai nghiện tại cộng đồng; cai nghiện tại cơ sở cai nghiện. Luật PCMT hoàn toàn không có quy định nào cho phép “bỏ tù”, “cách ly khỏi đời sống xã hội” đối với người nghiện để giúp họ cai nghiện.

Riêng với người nghiện vi phạm pháp luật bị bắt buộc cách ly khỏi xã hội, Điều 31 Luật PCMT quy định: “Nhà nước áp dụng phương pháp cai nghiện thích hợp đối với người nghiện ma túy là người bị tạm giam, phạm nhân, trại viên của cơ sở giáo dục, học sinh của trường giáo dưỡng. Cơ quan quản lý các cơ sở này phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế địa phương để thực hiện quy định này”.

Áp dụng trường hợp ông K.?

Nếu thực sự muốn giúp ông Đ.Q.K. cai nghiện, chiếu theo quy định của Luật PCMT, thẩm phán TAND quận X cần tuyên rõ: Yêu cầu Ban giám thị trại tạm giam (hoặc trại cải tạo) nơi ông K. đang bị tạm giam (hoặc sẽ thụ án tù) phối hợp với cơ quan y tế địa phương cai nghiện cho ông K.

Tuy nhiên, trong vụ án này, khi ra hầu tòa ông K. đang được tại ngoại. Có thể thấy việc “cách ly ông K khỏi xã hội một thời gian” chỉ có thể răn đe, giáo dục ông K. không tái phạm tàng trữ trái phép chất ma túy, chứ việc cai nghiện thì không thể buộc ông K. chờ đến khi đi thụ án tù mới thực hiện!

Theo Luật PCMT, nếu phát hiện ông K. là người nghiện, khi cho ông K. được tại ngoại hầu tra, hầu toà, các cơ quan tiến hành tố tụng cần thông báo cho gia đình ông K. và chính quyền địa phương nơi ông K. cư trú có biện pháp thích hợp để giúp ông K. cai nghiện.

Lần này xin nêu rõ

Trên tinh thần xây dựng, bài báo trước không nêu rõ tên Tòa án cũng như tên vị thẩm phán đã ra bản án “bỏ tù để giúp bị cáo cai nghiện”.

Thiết nghĩ, việc không nêu rõ như vậy đôi khi không phải là hay. Lần này, các PV Tiền Phong xin nêu rõ: Thẩm phán có quan điểm bất di bất dịch “bỏ tù để giúp bị cáo cai nghiện” là bà Lê Thị Minh Huệ, hiện là Phó chánh án TAND quận Ba Đình, TP Hà Nội.

Cần nói thêm, bản án xử ông K. do thẩm phán Huệ ngồi ghế chủ tọa đã bị TAND TP Hà Nội xử phúc thẩm tuyên hủy để xử lại, bởi hồ sơ thể hiện rõ ông K. là người bị bệnh tâm thần, song tại phiên tòa sơ thẩm, thẩm phán Huệ không mời người giám hộ cho ông K.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG