Bồi thường dự án đô thị mới Thủ Thiêm: Rắc rối giấy ủy quyền

Bồi thường dự án đô thị mới Thủ Thiêm: Rắc rối giấy ủy quyền
TP - Sau hơn một tháng chờ đợi, gần 450 trường hợp tranh chấp giữa các bên do ủy quyền mua bán phiếu tái định cư dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT) đã biết số phận của mình. Tuy nhiên, cách giải quyết mà các cơ quan chức năng tại TP HCM đưa ra lại hứa hẹn những rắc rối mới...

Theo thống nhất giữa Sở Tư pháp TPHCM, UBND Q. 2 và các cơ quan liên quan, nhà nước chỉ trả tiền hỗ trợ bổ sung cho người có đất bị thu hồi và người có giấy ủy quyền sau ngày 21/1/2009 (ngày UBND TPHCM ban hành Quyết định 06 về hỗ trợ bổ sung cho dự án KĐTMTT).

Những trường hợp có giấy ủy quyền trước ngày này thì phải làm lại giấy ủy quyền theo ý chí của người ủy quyền. Theo bà Uông Thị Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM, lúc ký giấy ủy quyền trước đó, người ủy quyền chưa nắm hết những quyền lợi phát sinh. Nay người ủy quyền có thể thay đổi nội dung ủy quyền.

Qua tìm hiểu của PV, do số tiền bồi thường bổ sung quá lớn cộng với nhiều quyền lợi đi kèm nên hầu như không người ủy quyền nào chịu ký giấy ủy quyền lại. Ông Nguyễn X. H. (P. Bình Khánh, Q.2 TPHCM) có hợp đồng ủy quyền cho bà Trần Xuân L. ( P. 17, Q. Bình Thạnh) nhận suất tái định cư từ tháng 3/2007 với giá 250 triệu đồng. Nhưng với chính sách mới, ông H. được nhận thêm ít nhất 500 triệu đồng và, theo quy định, chỉ ông H. nhận được số tiền này.

Bà L. gửi đơn xin ngăn chặn từ đầu tháng 2/2009 và hai bên vẫn chưa thỏa thuận được. Ông H. đang nắm đằng cán vì nếu ông không đồng ý hay ký lại hợp đồng ủy quyền thì bà L. chỉ còn cách nhờ tòa giải quyết. Một số trường hợp đồng ý chia đôi số tiền được bồi thường thêm nhưng không nhiều.

Theo ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.2, trường hợp như ông H. và bà L. khá nhiều và quan điểm của các cơ quan nhà nước là không công nhận việc mua bán hồ sơ bồi thường và phiếu tái định cư và chỉ hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi. Tuy nhiên thực tế phức tạp hơn nhiều.

Gần đây, khi mua bán nhà, đất, người mua, bán phải chịu thêm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và các loại thuế, phí khác tăng cao; nhiều hợp đồng mua bán nhà, chuyển quyền sử dụng đất đã được thay bằng hợp đồng ủy quyền để lách thuế. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tiền Phong và quy định của pháp luật hiện hành, thì chiêu lách thuế này sẽ gặp khá nhiều rủi ro nếu như người ủy quyền chết, mất năng lực hành vi dân sự, xuất cảnh định cư, vào tù…

Theo luật sư  Nguyễn Sa Linh (Đoàn Luật sư TPHCM), hợp đồng ủy quyền là quan hệ dân sự và, trong hợp đồng, dân có thể đưa vào nhiều thỏa thuận khác nhau. Nếu người ủy quyền đã ủy quyền cho người được ủy quyền thay mặt mình toàn quyền định đoạt suất tái định cư và hợp đồng ủy quyền không được đơn phương hủy bỏ thì chưa chắc tòa đã xử thắng cho bên ủy quyền. Ngoài ra, còn phải xem xét cụ thể nội dung ủy quyền, người được ủy quyền, thời hiệu ủy quyền... của từng hồ sơ mới có thể xác định được bên nào có lỗi.

Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn LS Bến Tre) thì cho rằng, những trường hợp còn hiệu lực, hai bên phải hòa giải. Nếu hòa giải bất thành, một trong các bên có quyền khởi kiện ra tòa án dân sự.

Ông Lương cũng cho rằng, trong trường hợp này, việc cơ quan nhà nước yêu cầu dân ký lại hợp đồng ủy quyền khác mới cho nhận tiền là trái quy định vì hiệu lực của hợp đồng ủy quyền là do hai bên đương sự tự thỏa thuận và quyết định. Làm như vậy đồng nghĩa  phủ nhận hiệu lực của hợp đồng ủy quyền hợp pháp và đúng luật.

Trao đổi với PV, nhiều luật sư còn e ngại nếu các cơ quan liên quan giải quyết theo cách trên sẽ tạo tiền lệ không tốt với những trường hợp ủy quyền khác và làm thay tòa án.

Trưởng ban Bồi thường Giải phóng Mặt bằng Q.2 Hứa Ngọc Thảo khẳng định: “Việc chi trả tiền hỗ trợ chỉ giải quyết cho người đứng tên hồ sơ gốc chứ không chi trả cho người được ủy quyền”.

Như vậy, hàng trăm trường hợp ủy quyền suất tái định cư tưởng đã có lối ra nay lại sắp đối mặt những rắc rối mới. Đây còn là bài học bút sa tiền mất cho những người đã đang và sắp mua bán suất tái định cư trong các dự án.  

MỚI - NÓNG