Bỗng thành nạn nhân khi đầu tư tiền ảo

Nhân viên Martdeal đang tư vấn cho phóng viên.
Nhân viên Martdeal đang tư vấn cho phóng viên.
TP - Dù đã thận trọng trước lời mời tham gia đầu tư nhưng khi được giới thiệu đây là “Cty không chính thức” của Bộ Công an, nhiều người dân tiếp tục dính bẫy khi bỏ tiền thật mua tiền ảo.

Lợi dụng danh nghĩa cán bộ công an?

Sau khi Tiền Phong có bài viết “Tan cửa, nát nhà vì tiền ảo”, cảnh báo người dân không tham gia đầu tư vào tiền ảo trên mạng, nhiều nạn nhân tiếp tục gửi đơn đến báo cầu cứu. Họ cho biết đều là nạn nhân của Cty Vbizpon, sau đổi tên thành Martdeal và Minh An Tâm.

Bà Lương Thị Nguyệt (SN 1969, ở Thái Nguyên) cho biết, qua giới thiệu của người quen, giữa năm 2015 bà đã bỏ 339 triệu đồng đầu tư vào tiền ảo của Cty Vbizpon. Cty này quảng cáo số lãi khủng lên tới gần 300% chỉ sau thời gian từ 6 đến 8 tháng. Song, thực tế bà chỉ nhận được 11 triệu “tiền lãi”.

Theo bà Nguyệt, ban đầu bà được bà Hoàng Bích Thủy (SN 1978, cùng ở TP Thái Nguyên) giới thiệu Vbizpon là Cty của Bộ Công an, mời tham gia đóng tiền. Để tạo lòng tin, bà Thủy cho nhiều người khác liên hệ với bà Nguyệt mời chào, trực tiếp là một người tên Cảnh, giới thiệu công tác tại một cục thuộc Bộ Công an. Những người này cho biết, Vbizpon do chị Trịnh Hồng Hạnh ở Hà Nội, đang công tác tại một đơn vị thuộc Bộ Công an, đứng ra thành lập. Do chị Hạnh đang công tác ở cơ quan nhà nước nên đã lấy tên anh ruột là Trịnh Văn Toàn, làm Chủ tịch HĐQT Cty.

Bà Nguyệt kể: “Chị Hạnh không đứng ra để ký kết bất kỳ một loại giấy tờ gì mà dựng lên một giám đốc giả để ký các giấy tờ, ví dụ như: Các hợp đồng cùng các giấy tờ liên quan. Nhiều lần, tôi về Cty ở Hoàng Đạo Thúy, quận Cầu Giấy, Hà Nội gặp chị Hạnh thì chị nói cứ yên tâm. Chị ấy cứ hứa qua quýt như vậy hết lần này đến lần khác”.

Ông Nguyễn Minh Chiến (SN 1960, ở TP Thái Nguyên) cũng cho biết đã đầu tư 87 triệu đồng để mua 5 mã “tiền ảo” của Vbizpon. Hàng ngày, ông vẫn vào tài khoản Cty này lập cho mình và nhìn những con số lãi “nhảy nhót” từ 68 đến 351 USD một mã trong mỗi đợt trả thưởng. Nhưng đó cũng chỉ là tiền ảo. Thực tế đến nay ông Chiến chưa nhận được một đồng tiền thật.

Các Cty đều ngừng hoạt động

Trong vai người nhà của bị hại Nguyệt, các phóng viên Tiền Phong liên hệ theo số điện thoại của ông Trịnh Văn Toàn để hỏi tiền hoa hồng. Ông này cho biết, Cty đã giải tán từ tháng 6/2015, chuyển cho người khác. “Các anh cứ liên hệ với Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin mà hỏi cơ quan chủ quản là ai? Nếu các anh muốn kiện cứ kiện thoải mái, tôi cũng làm việc với công an nhiều rồi” - ông Toàn nói.

Trong khi đó, bà Trịnh Hồng Hạnh cho hay: “Lúc nào mời anh/chị lên gặp lãnh đạo Cty, người ta sẽ cho các anh xem các văn bản mà chị Thủy ký, viết nhé? Anh Toàn là anh trai tôi, tôi chỉ giúp anh trai tôi thôi, tôi làm công an, sao kinh doanh ngoài được hả anh? Bây giờ anh Toàn bán Cty cho anh Khoa rồi đấy, anh gọi cho anh Khoa ấy”.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động Thương mại điện tử, Bộ Công thương khẳng định với báo Tiền Phong, cả 3 Cty Vbzipon, Martdeal, Minh An Tâm đều không có giấy phép đăng ký kinh doanh đa cấp cũng như thương mại điện tử và “không thể cấp phép cho họ kinh doanh như vậy”. Cả 3 Cty thực chất chỉ là một, với cùng văn phòng và địa điểm đăng ký kinh doanh tại khu tập thể Khoa học Hình sự Bộ Công an trên đường Nguyễn Tuân (Thanh Xuân, Hà Nội).

Một cán bộ Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50), Công an Hà Nội, cho biết đã gửi giấy mời với một số bị hại như báo Tiền Phong phản ánh, song họ đều từ chối gặp cung cấp thông tin. Về thông tin có lãnh đạo Cty trên làm ở Bộ Công an, vị cán bộ này cho biết: “Chúng tôi vẫn đang xác minh. Ông Toàn không phải người trong ngành công an, còn bà Hạnh đang công tác trong ngành nên rất khó xác minh”.

“Tiền ảo không phải là một loại hàng hóa theo quy định của pháp luật. Bản thân hệ thống pháp luật của mình cũng đang đong đưa giữa giao dịch dân sự và hình sự. Khi ông (tức Vbizpon) huy động, thỏa thuận với người ta (tức khách hàng – PV) đầu tư, chia lãi là giao dịch dân sự. Việc này chỉ thành hình sự khi ông ấy sử dụng giấy tờ giả, tài liệu giả hoặc hành vi gian dối để làm cho người ta tin và nộp tiền. Bởi vậy, bản thân bị hại gặp trực tiếp cung cấp cho cơ quan điều tra rất quan trọng, song họ chưa chịu gặp” – vị cán bộ Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50), Công an Hà Nội, nói.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.