"Buộc" dễ, "cởi" sao khó thế?

"Buộc" dễ, "cởi" sao khó thế?
TP - Trong vụ án ma túy Thanh Nhàn giai đoạn hai, sự chú ý của dư luận tập trung vào lời kêu oan của bị cáo Phạm Đình Tiếng.

Trước khi TAND thành phố Hà Nội mở tòa, hồ sơ vụ án hai lần được cơ quan công tố trả cho cơ quan điều tra, một lần cơ quan xét xử trả cho cơ quan công tố, chủ yếu để điều tra bổ sung chứng cứ cột tội bị cáo Tiếng.

Qua ba lần điều tra bổ sung và qua diễn biến phiên tòa sơ thẩm vừa kết thúc, dễ thấy chứng cứ cột tội bị cáo Tiếng chẳng còn “bổ sung” thêm được gì. Vấn đề đặt ra là cần làm rõ cả những chứng cớ cởi tội cho bị cáo Tiếng.

Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định các cơ quan tiến hành tố tụng không chỉ có trách nhiệm thu thập chứng cứ cột tội, mà còn có trách nhiệm thu thập cả chứng cứ cởi tội cho bị can, bị cáo. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua cho thấy, các cơ quan tố tụng vẫn nặng theo hướng cột tội, chưa chú trọng đến cởi tội.

Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước thực hiện cải cách tư pháp, các cơ quan xét xử đang đi tiên phong trong việc cởi tội cho những người chẳng may bị làm oan. Rất nhiều vụ án có dấu hiệu oan sai, trước khi mở tòa, hồ sơ chỉ tập trung vào việc cột tội.

Chỉ khi ra tòa, các chứng cứ mới được thẩm tra, được đánh giá toàn diện; bị cáo, bị hại, luật sư, nhân chứng được quyền cung cấp chứng cứ và không bị hạn chế quyền tranh luận. Những yếu tố này giúp cởi bỏ được nhiều sợi dây oan phũ phàng.

Tại phiên tòa sơ thẩm vụ án ma túy Thanh Nhàn giai đoạn hai, theo tinh thần cải cách tư pháp, Hội đồng xét xử tạo điều kiện cho các luật sư của bị cáo Tiếng làm tròn nhiệm vụ của mình.

Không chỉ được phát biểu quan điểm thoải mái thời gian, được tranh luận bình đẳng với công tố viên, các luật sư còn được phép cung cấp cho Hội đồng xét xử những chứng cứ có giá trị cởi tội cho bị cáo Tiếng mà họ thu thập được.

Liệu tới đây, trong việc điều tra bổ sung, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có làm rõ được những chứng cứ các luật sư cung cấp? Nếu thấy các chứng cứ cột tội quá yếu, cơ quan này có ra quyết định đình chỉ đối với bị cáo Tiếng?

Ai cũng biết, cột tội dễ hơn cởi tội. Đã trót bắt giam, trót truy tố, dễ gì tuyên không phạm tội. Chưa nói đến xin lỗi, bồi thường, chỉ mới cái chuyện cơ quan này cơ quan kia gần gũi nhau, “vuốt mặt phải nể mũi”, chuyện đã khó quyết lắm rồi. Đồng quan điểm thì còn anh còn em. Một bên quyết cột, một bên quyết cởi, rồi khó nhìn nhau.

Cứ kiểu tư duy như vậy thì thật khó cho việc cởi tội!

MỚI - NÓNG