Ngày thứ 5 xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái :

Các bị cáo thuộc Bưu điện Bình Định, Phú Yên kêu oan!

Các bị cáo thuộc Bưu điện Bình Định, Phú Yên kêu oan!
TPO - Sáng nay, 16/4, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ ‘‘Nguyễn Lâm Thái và đồng phạm’’ đã bước sang ngày thứ 5. Theo đó, Hội đồng xét xử (HĐXX) tiếp tục gọi nhóm bị cáo thuộc Bưu điện Bình Định, Phú Yên thẩm vấn…
Các bị cáo thuộc Bưu điện Bình Định, Phú Yên kêu oan! ảnh 1

Quang cảnh phiên xét xử ngày 16/4 - Ảnh: Nguyễn Thanh

Bưu điện tỉnh Bình Định ký 23 hợp đồng, gây thiệt hại 4,8 tỷ đồng

Bị cáo Nguyễn Văn Thịnh, nguyên Giám đốc Bưu điện Bình Định thừa nhận có sai sót trong quá trình thực hiện các thủ tục dẫn đến việc ký hợp đồng như: sai về ngày giờ thực hiện hợp đồng, bỏ qua một số thủ tục cơ bản trong việc đấu thầu cạnh tranh. Tuy nhiên, cơ quan công tố cáo buộc bị cáo này tội danh: "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" là quá nặng.

‘‘Tất cả những sai phạm của bị cáo chỉ dừng lại ở mức sai phạm về thủ tục hành chính, ngoài ra bị cáo cũng thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Tổng Cty bưu chính viễn thông (nay là Tập đoàn VNPT)’’ - Thịnh lý giải.

Luật sư (LS) Lê Văn Tuấn (Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa) tham gia phần xét hỏi đã hỏi thân chủ của mình rằng, có khảo sát giá của thị trường trước khi ký và chỉ đạo ký các hợp đồng với ‘‘tập đoàn’’ CIP của không?

Nguyễn Văn Thịnh cho biết: "Trước khi ký các hợp đồng đã có cử nhân viên, bản thân bị cáo đã tự tìm hiểu giá cả ngoài thị trường, thấy mức giá của Nguyễn Lâm Thái so với một số Cty cùng cung cấp thiết bị thì không có gì khác biệt nên bị cáo quyết định mua của Thái".

Các bị cáo thuộc Bưu điện Bình Định, Phú Yên kêu oan! ảnh 2
Nguyễn Lâm Thái vui vẻ với biểu tượng Chiến thắng trước ống kính Phóng viên - Ảnh: Nguyễn Thanh 

Bị cáo Nguyễn Văn Thịnh còn trình bày thêm, trong quá trình thực hiện các hợp đồng mua bán các thiết bị vật tư, hàng năm bưu điện Bình Định đã được VNPT, Cục thuế Bình Định và thuê hẳn một Cty kiểm toán độc lập để kiểm tra các hoạt động chi tiêu của Bưu điện nhưng không phát hiện sai phạm ở các giao dịch giữa Bưu điện Bình Định với "tập đoàn" CIP.

Mặt khác các đoàn kiểm tra này cũng phải chịu trách nhiệm nhất định về kết quả kiểm tra của mình. Do vậy, chuyện "bất thường" trong các hợp đồng với Nguyễn Lâm Thái theo cáo buộc của Viện KSND tối cao thì quá nặng.

Đến lượt 2 bị cáo nguyên Phó giám đốc Bưu điện Bình Định là  Lê Thanh Hùng và Phạm Xuân Cảnh cũng kêu oan ở tội danh bị truy tố: "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng".

Trong phiên tòa buổi sáng nay, HĐXX triệu tập Nguyễn Lâm Thái để thẩm vấn. Thái tiếp tục ‘‘tố’’ cơ quan điều tra đã ép cung bị cáo nhiều lần bằng các hình thức thuê một phạm nhân trong phòng hành hung dã man.

HĐXX hỏi: ‘‘Trong quá trình điều tra sao bị cáo không kiến nghị với Viện KSND tối cao ?’’. ‘‘Rất hiểu sự gần gũi, thân mật của các cơ quan tiến hành tố tụng này, bị cáo cũng gửi đơn kiến nghị nhưng không biết Viện KSND tối cao có nhận được hay không ?’’ - Thái nói.

Các bị cáo này cho rằng chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên và chủ trương chung của ngành Bưu điện, hoàn toàn không có vụ lợi gì trong các hợp đồng đã ký kết.

Bị cáo Lê Thanh Hùng còn dẫn chứng bản kết luận thiệt hại của cơ quan điều tra, dựa trên cách tính của cơ quan thẩm định giá (Bộ Tài chính) là sai nghiêm trọng. Bị cáo Hùng còn đưa ra cách tính của mình để chứng minh cách tính sai của cơ quan điều tra.

Về việc ký không có ủy quyền trong một số hợp đồng trên tổng số 23 hợp đồng của Bưu điện Bình Định, 2 nguyên phó giám đốc đều cho biết, việc ký hợp đồng không có văn bản ủy quyền của giám đốc là chuyện bình thường ở các cơ quan hiện nay, đó chỉ là sai phạm về hành chính. Mặt khác giám đốc cũng có chỉ đạo bằng miệng hoặc qua điện thoại.

Các bị cáo còn lại thuộc bưu điện Bình Định gồm:  Nguyễn Văn Kha, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh, kiêmTổ trưởng tổ xét thầu, chào hàng cạnh tranh ; Đinh Công Bửu, nguyên Phó Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh, Tổ phó tổ xét thầu, chào hàng cạnh tranh; Nguyễn Văn Bằng, Kế toán trưởng đều nhận định, việc họ làm chỉ sai sót về mặt thủ tục hành chính, về các trình tự cơ bản về việc đấu thầu thì đúng theo các trình tự, văn bản hướng dẫn của pháp luật.

Tương tự, các bị cáo thuộc Bưu điện Phú Yên cũng phủ nhận các cáo buộc của cơ quan công tố và họ cho rằng, việc luận tội như vậy là quá nặng.

Phiên tòa tạm nghỉ, đầu giờ chiều tiếp tục làm việc trở lại.

Theo cáo trạng, từ tháng 04/1999 đến tháng 12/2004, Bưu điện tỉnh Bình Định đã ký 23 hợp đồng kinh tế (trong đó Nguyễn Văn Thịnh, nguyên Giám đốc ký 6 hợp đồng; Lê Thanh Hùng, nguyên Phó giám đốc ký 9 hợp đồng và Phạm Xuân Cảnh,nguyên Phó giám định ký 8 hợp đồng) với ‘‘tập đoàn’’ CIP của Nguyễn Lâm Thái với tổng trị giá: 6.236.436.000 đồng.

Trong quá trình ký và thực hiện 23 hợp đồng kinh tế mua các loại vật tư thiết bị nêu trên, các cá nhân nguyên là Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và các Trưởng, Phó phòng nghiệp vụ có liên quan ở Bưu điện tỉnh Bình định đã làm trái với các quy định của nhà nước về quy chế quản lý đầu tư, xây dựng, mua sắm thiết bị, vật tư và quy chế đấu thầu; làm trái các quy định về quản lý, thanh toán sử dụng vốn đầu tư gây thiệt hại 4.876.215.501 đồng cho Nhà nước.

Còn Bưu điện tỉnh Phú Yên từ tháng 07/2001 - 04/2005, ký 13 hợp đồng với 4 Cty của Nguyễn Lâm Thái. Trong quá trình ký và thực hiện 13 hợp đồng kinh tế mua các loại vật tư, thiết bị nêu trên, các cá nhân giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, các trưởng phó phòng nghiệp vụ tại Bưu điện tỉnh Phú Yên, có liên quan đến việc ký và thực hiện hợp đồng đã làm trái các quy định của Nhà nước về Quy chế quản lý đầu tư và Quy chế đấu thầu, làm trái các quy định về quản lý, thanh toán sử dụng vốn đầu tư gây hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước.

Căn cứ kết luận giám định, đối chiếu với giá bán trên thị trường trong nước của từng loại vật tư thiết bị mà Bưu điện tỉnh Phú Yên đã ký tại 13 hợp đồng kinh tế thì thiệt hại đã gây ra cho Nhà nước là: 2.819.874.221đồng.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.