Đại án Huỳnh Thị Huyền Như lừa gần 4.000 tỷ đồng:

Các luật sư đề nghị Vietinbank bồi thường

Hiếm khi các bị cáo trong đại án Huyền Như cười tươi như thế này
Hiếm khi các bị cáo trong đại án Huyền Như cười tươi như thế này
TP - Phiên tòa sáng qua diễn ra phần tranh luận của luật sư Nguyễn Minh Tâm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Cty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank - Berjaya (SBBS) với cơ quan công tố. Luật sư Tâm cho rằng, SBBS không đồng ý với tư cách là nguyên đơn dân sự và yêu cầu Vietinbank chi nhánh TPHCM phải có trách nhiệm trả lại số tiền 210 tỷ đồng.

“Cáo trạng đã biến SBBS thành nạn nhân trực tiếp của Huyền Như và trở thành pháp nhân bị thiệt hại do chính hành vi lừa đảo của Huyền Như” - luật sư Tâm nói.

Cũng theo ông Tâm, công tố viên đã không đi sâu phân tích mối quan hệ nhân quả giữa các thủ đoạn gian dối của Huyền Như với hậu quả của việc chiếm đoạt tiền do các “sơ hở” của Vietinbank để xác định trách nhiệm dân sự trong vụ án này, lại quy hết trách nhiệm cho Huyền Như để “giải thoát” cho Vietinbank. “Đây chính là mâu thuẫn cơ bản nhất trong lập luận của vị đại diện viện kiểm sát thực hiện quyền công tố trước tòa”- luật sư Tâm nói.

Theo ông Tâm, diễn biến hành vi phạm tội của Như được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn một, Như dùng thủ đoạn gian dối để “dụ” SBBS gửi tiền vào Vietinbank chi nhánh TPHCM. Giai đoạn hai, Như dùng các thủ đoạn gian dối trong nghiệp vụ ngân hàng để rút tiền từ tài khoản của SBBS mở tại Vietinbank TPHCM.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm cũng đặt vấn đề, có “dấu hiệu gì đó không bình thường” trong những ngày phiên tòa sơ thẩm diễn ra. Cụ thể, công tố viên đã trả lời không cần xét hỏi gì thêm trong khi có rất nhiều mâu thuẫn nảy sinh cần được viện kiểm sát xét hỏi trực tiếp, nhằm làm rõ để bảo vệ quan điểm truy tố cũng như thái độ trả lời né tránh của Như và đại diện Vietinbank trước các câu hỏi của luật sư.

 “Các thủ đoạn gian dối của Như, SBBS không biết nên không phải là đơn vị bị Huyền Như lừa, mà chính Vietinbank đã bị Huyền Như qua mặt như công tố viên đã phát biểu trong phần luận tội. Do đó, Vietinbank TPHCM mới là nạn nhân, đơn vị bị hại trong hành vi chiếm đoạt 210 tỷ đồng của Huyền Như đối với SBBS”- luật sư Tâm lập luận.

Luật sư bảo vệ cho các Cty Phúc Vinh, Thịnh Phát và Hưng Yên (3 đơn vị này bị Như chiếm đoạt gần 1.600 tỷ đồng) cùng luật sư bảo vệ cho Cty CP Chứng khoán Phương Đông (bị Như chiếm đoạt hơn 380 tỷ đồng) đều đưa ra lập luận, vi phạm của Như là do lỗi quản lý nội bộ, giao phó cho nhân sự, tạo môi trường thuận lợi để Như chiếm đoạt tiền của khách hàng của Vietinbank. Khi đó, Như vẫn là người của Vietinbank, do đó Vietinbank phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra.

Ngân hàng Tiên Phong “phản pháo”

Cũng trong ngày 15/1, liên quan đến việc công tố viên đề xuất HĐXX xem xét trách nhiệm của lãnh đạo các ngân hàng, trong đó có Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), ngân hàng này đã có văn bản gửi Viện KSND TPHCM cùng báo chí.

TPBank cho rằng, vụ việc liên quan đến vụ án này xảy ra từ năm 2011, các lãnh đạo TPBank liên quan trực tiếp đến vụ việc hiện đều không còn làm việc tại ngân hàng này. Theo công văn gửi Viện kiểm sát, Tòa án, TPBank cho rằng, họ đã làm đúng các quy định pháp luật liên quan.

Cụ thể, các hoạt động ủy thác đầu tư của TPBank với một số Cty tại thời điểm năm 2011 là hợp pháp, đúng qui định pháp luật, với các Cty có chức năng nhận ủy thác đầu tư, chứ không phải là ủy thác cho cá nhân Huỳnh Thị Huyền Như hay bất cứ cá nhân nào khác.

Giao dịch ủy thác giữa TPBank và các Cty nhận ủy thác là giao dịch độc lập và tách biệt hoàn toàn với giao dịch đầu tư của các Cty đó thực hiện với đối tác khác, không có cơ sở pháp lý nào để khẳng định trách nhiệm của đơn vị ủy thác trong việc các đơn vị nhận ủy thác không thu hồi được tiền đầu tư kể cả việc đơn vị nhận ủy thác bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đầu tư, nếu có.

Hôm nay, toà tiếp tục làm việc.

Trưởng ban Nội chính T.Ư  xuất hiện tại tòa

Hôm qua, Trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Bá Thanh có mặt tại trụ sở TAND TPHCM, nơi đang diễn ra phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng.

Hơn 10 giờ sáng (15/1), ông Nguyễn Bá Thanh đi cùng thư ký đến tòa. Chiều cùng ngày, ông tiếp tục xuất hiện theo dõi phiên tòa...

MỚI - NÓNG