Các quy định đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 11

Chính phủ cấm việc dụ dỗ, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia.
Chính phủ cấm việc dụ dỗ, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia.
TPO - Ép người khác uống rượu bị phạt 1 triệu; tiêu chí mới phân loại viên chức; hỗ trợ tiền cho sinh viên sư phạm, giáo viên mầm non… là những quy định sẽ có hiệu lực từ tháng 11/2020.

1.    Ép người khác uống rượu bia bị phạt 1 triệu đồng

Đây là nội dung tại Nghị định 117/2020 của Chính phủ về các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và có hiệu lực từ 15/11.

Nghị định 117 quy định phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng với một trong các hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia; uống rượu, bia tại địa điểm cấm uống rượu, bia.

Cá nhân có thể bị phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng nếu uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; ép buộc người khác uống rượu bia; bán, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi…

2.    Giáo viên mầm non, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền

Nghị định 116/2020 của Chính Phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt với sinh viên sư phạm có hiệu lực từ ngày 15/11 và áp dụng từ khóa tuyển sinh năm 2021 – 2022.

Theo Nghị định 116, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học và được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Từ 1/11, Nghị định 105/2020 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non sẽ có hiệu lực và quy định, kinh phí hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trẻ em mầm non được tính trên số lượng trẻ em được ăn bán trú, tối thiểu bằng 2.400.000 đồng/tháng/45 trẻ em, số dư từ 20 trẻ em trở lên được tính thêm một lần mức hỗ trợ. Mỗi cơ sở giáo dục mầm non được hưởng không quá 5 lần mức hỗ trợ trên 1 tháng và không quá 9 tháng/1 năm học.

Ngoài ra, giáo viên mầm non có thể được hỗ trợ từ 450 – 800 nghìn đồng/tháng.

Các quy định đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 11 ảnh 1 Học sinh Trung học được dùng điện thoại phục vụ việc học nếu được giáo viên đồng ý.

3.    Học sinh cấp 2, cấp 3 được dùng điện thoại trong giờ

Thông tư 32/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường THPT có nhiều cấp học có hiệu lực kể từ ngày 1/11.

Thông tư 32 cấm việc học sinh cấp 2, cấp 3 sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.

Giáo viên sẽ không được phép xuyên tạc nội dung dạy học, giáo dục; dạy sai nội dung kiến thức, sai với quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước. Đáng chú ý, giáo viên, nhân viên giáo dục không được ép buộc học sinh học thêm để thu tiền; lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ cho giáo dục để ép buộc đóng góp tài sản.

Việc đánh giá học sinh phải chú trọng đánh giá quá trình học tập của học sinh; đánh giá bằng nhiều phương pháp, hình thức, kỹ thuật và công cụ khác nhau nhưng không so sánh học sinh này với học sinh khác và không gây áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.

4.    Tiêu chí mới phân loại viên chức

Chính phủ đã ban hành Nghị định 106/2020 về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, có 2 căn cứ xác định vị trí việc của viên chức bao gồm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập; mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động. Thứ 2 là dự vào phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Viên chức được phân loại theo 2 cách. Trong đó, phân loại theo khối lượng công việc sẽ dựa trên các tiêu trí gồm vị trí việc làm do một người đảm nhận; vị trí việc làm do nhiều người đảm nhận; vị trí việc làm kiêm nhiệm.

Cách thứ 2 là phân loại theo tính chất, nội dung công việc sẽ dựa trên các tiêu chí gồm vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành; vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung; vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.

Nghị định 106 có hiệu lực từ ngày 15/11 và thay thế Nghị định 41/2012/NĐ-CP.

Các quy định đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 11 ảnh 2 Chó thuộc quân đội được hưởng tiền ăn tối đa 88.000 đồng/ngày.

5.    Chó chiến đấu được hưởng tiền ăn 67.000 đồng/ngày

Từ 1/11, Thông tư 115/2020 của Bộ Quốc phòng quy định mức tiền ăn của chó, ngựa nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý của quân đội sẽ có hiệu lực.

Thông tư 115 quy định, mức tiền ăn của chó nghiệp vụ nhập ở nước ngoài vào Việt Nam từ ngày đầu đến tháng thứ 24 là 88.000 đồng/ngày/con. Chó sau khi huấn trường có quyết định điều động đưa về các đơn vị làm nhiệm vụ chiến đấu và công tác được hưởng tiền ăn 67.000 đồng/ngày/con. Ngoài ra, chó nghiệp vụ có thể được hưởng tiền ăn thêm nếu bị ốm, làm nhiệm vụ…

Với ngựa nghiệp vụ, Thông tư 115 quy định, ngựa thồ, kéo được hưởng tiền ăn 45.000 đồng/ngày/con; ngựa cưỡi là 35.000 đồng/ngày/con và ngựa con được hưởng 17.000 đồng tiền ăn/ngày.

MỚI - NÓNG