PHIÊN XỬ “SIÊU LỪA” HUỲNH THỊ HUYỀN NHƯ:

Cái chết mang tên “lãi suất đen”

 Huỳnh Thị Huyền Như tại tòa hôm qua. ẢNH: HữU VINH
Huỳnh Thị Huyền Như tại tòa hôm qua. ẢNH: HữU VINH
TP - Ngày 7/1, Hội đồng xét xử (HĐXX) thẩm vấn Huỳnh Thị Huyền Như cùng các chủ nợ. Trong ngày xét xử thứ hai, Huyền Như lại gây chú ý với áo trắng thiết kế sành điệu… Ở phiên khai mạc, bị cáo này cũng diện cái áo hồng có thiết kế rất thời trang.

Cáo trạng cho thấy, năm 2007, khi ấy Như mới ở tuổi 29 (sinh năm 1978) nhưng đã đổ tiền đầu tư kinh doanh bất động sản bằng các thương vụ “triệu đô” với số lượng mua bán, giao dịch rất lớn. Đến thời điểm Huyền Như bị khởi tố, cô này vẫn đang sở hữu hàng chục căn hộ sang trọng, đất nền, biệt thự tại TPHCM và nhiều tỉnh thành. Như còn sở hữu 3 chiếc xe hơi, chiếc đắt nhất 3,6 tỷ đồng.

Khi thị trường bất động sản “xuống đáy”, Như kẹt nợ. Khai trước tòa, nhiều khối tài sản được Như bán tháo lỗ đến 50%, nhưng chẳng ai ngó đến. Bất động sản… bất động, kéo theo dòng tiền đóng băng buộc Như vay tiền của rất nhiều cá nhân, tổ chức.

Cụ thể, Như đã vay tiền với lãi suất cao của 9 cá nhân. Như đã gặp N.T.L tại Vietinbank và mượn tiền với lãi suất 0,4%/ngày. L. cho Như vay 100.000 USD và khoảng 3 tỷ đồng. Lãi và nợ gốc đều được hoàn trả đúng hẹn. L. cho Như vay tiếp nhiều lần và mức lãi suất tăng lên 3,7%/ngày, với tổng số tiền cho Như vay tới 554 tỷ đồng và 340.000 USD. Tính đến năm 2011, Như đã trả cho L. tổng số tiền cả gốc và lãi là 1.296 tỷ đồng và hiện nay còn nợ của L. 216 tỷ đồng và 340.000 USD.

Như cũng vay một người khác khoản tiền ban đầu 5 tỷ đồng, lãi suất 0,4%/ngày và cứ ba ngày đáo hạn một lần cả gốc và lãi. Đến năm 2011, Như đã nợ người này 7.841 tỷ đồng và Như đã trả gốc lẫn lãi 9.028 tỷ đồng…

Nhưng số nợ cũ và lãi mới cứ lũy tiến theo kiểu “lãi mẹ đẻ lãi con” khiến “lần sau cho vay trả lãi cao hơn lần trước” là nguyên nhân để “đại gia” này đổ nợ. Và cuối cùng, để thoát thân, Như đã lừa hàng loạt doanh nghiệp, cá nhân để lấy chỗ nọ đập vào chỗ kia khiến nhiều doanh nghiệp, ngân hàng khốn đốn.

Đến ngày làm giả giấy tờ huy động vốn

HĐXX chất vấn, Như vay tiền của những ai và vay như thế nào. Như trả lời, đã vay lãi suất rất cao của nhiều người. “Bị cáo bị các chủ nợ truy đòi, cho xã hội đen uy hiếp. Thậm chí, bà L.(chủ nợ) còn đòi đến tận nơi làm việc quậy, đập vỡ mặt bị cáo nên phải tìm mọi cách có tiền để trả nợ”, Như thừa nhận.

Vốn là cán bộ ngân hàng, có thẩm quyền ký lệnh chi lên tới 50 tỷ đồng/lần, Như đã lợi dụng danh nghĩa của Vietinbank để huy động vốn của khách hàng ham lãi suất cao. Ngoài uy tín mà Như tạo được nhờ vào công việc từ Vietinbank mang lại, một trong những hành vi mà Huyền Như thực hiện để lừa đảo là làm giả hàng loạt con dấu, chữ ký và hợp đồng giả để chiếm đoạt tiền.

Như khai, khi tiến hành kế hoạch đầu tiên của hàng loạt phi vụ lừa đảo, Như đã đến gặp Phạm Anh Tuấn (Tổng giám đốc Cty Thái Bình Dương) huy động gửi tiền vào Vietinbank Chi nhánh TPHCM, đồng thời thông qua các quan hệ tín dụng sẵn có từ một số cá nhân của các ngân hàng khác. Tuy nhiên để thực hiện việc chiếm đoạt tiền gửi của Cty Thái Bình Dương, Như cho soạn hợp đồng, ký giả chữ ký của bà Nguyễn Thị Minh Hương (Phó giám đốc), đóng dấu của Vietinbank Chi nhánh TPHCM để ký hợp đồng huy động 1.500 tỷ đồng của Cty Thái Bình Dương.

Trả lời câu hỏi của HĐXX, Như huy động 1.500 tỷ đồng, để trả lãi nơi khác, rồi trả lãi cao cả trong lẫn ngoài hợp đồng cho Cty Thái Bình Dương, vậy Như có nghĩ rằng có đủ tiền trả cho Cty Thái Bình Dương hay không. Như nhẹ nhàng trả lời, biết là sai, nhưng phải trả lãi suất cả trong hợp đồng và cả ngoài nên bị cáo rút hết 80 tỷ đồng của Cty Thái Bình Dương sử dụng vào việc trả lãi cho hai cá nhân mà cô ta vay bên ngoài với lãi suất rất cao...

Kết cuộc, nhóm chủ nợ đại gia cũng phải dắt nhau ra trước vành móng ngựa cùng Như vì bị cáo buộc tội cho vay nặng lãi.

Chung và chi

Ngoài việc huy động vốn bằng việc trả lãi cao, Như còn chơi trò “phù thủy” với nhiều ngân hàng và các Cty gửi tiền vào Vietinbank sau đó làm giả giấy tờ để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, khoảng tháng 10/2010 đến tháng 9/2011, thông qua Huỳnh Bảo Ngọc (Phó phòng Quản lý quỹ) và Huỳnh Thị Ngọc Ánh (Phó phòng Kế toán) Ngân hàng ACB, Như đã huy động của ngân hàng này hơn 1.100 tỷ đồng.

Để hợp thức hóa số tiền này, Như thỏa thuận với ACB ký hàng chục hợp đồng tiền gửi cho hơn 20 nhân viên của ngân hàng này đứng tên với mức lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm, số tiền lãi chênh lệch ngoài hợp đồng từ 3,8 đến 4,5%.

Ngay sau khi ACB chuyển tiền vào tài khoản của các nhân viên ngân hàng này được mở tại Vietinbank, Như đã chi hơn chục tỷ đồng trả lãi suất theo đúng mức thỏa thuận trong hợp đồng để tạo lòng tin dụ họ tiếp tục gửi tiền.

Số tiền gốc còn lại của ACB trong các tài khoản mở tại Vietinbank, Như chiếm đoạt bằng cách làm giả lệnh chi và chuyển tiền thẳng từ những tài khoản này để trả nợ. Tổng cộng, Như chiếm đoạt của ACB hơn 718 tỷ đồng. Trong đó, Như khai đã “lót tay” cho Huỳnh Thị Bảo Ngọc hơn 3,7 tỷ đồng chênh lệch ngoài hợp đồng.

Trong hầu hết các phi vụ, Như đều giả chữ ký của một nhân viên môi giới chứng khoán có tên Võ Anh Tuấn. Theo nội dung truy tố, mặc dù biết việc làm trái pháp luật của Như nhưng Tuấn vẫn tạo điều kiện cho Như thực hiện âm mưu. Trong quá trình huy động tiền của các đơn vị, cá nhân, Tuấn được Như “lại quả” hơn 10 tỷ đồng qua Cty Xuất nhập khẩu Hoàng Khải để đầu tư xây dựng nhà máy lau bóng gạo tại An Giang.

Cuộc đào tẩu bất thành?

 
Tòa hỏi, Như có ý định trốn nước ngoài? Như khai, năm 2011 bà Giang (chị gái Như - PV) rủ làm visa đi du lịch Mỹ chứ không có ý định đi định cư nước ngoài. Theo người này làm thẻ xanh (một loại giấy chứng nhận cho người thường trú tại Mỹ nhưng chưa được công nhận quốc tịch – PV) cho hai gia đình tốn khoảng 18 tỷ đồng. Bị cáo không có ý định ra nước ngoài định cư. Việc làm thẻ xanh này Như “hoàn toàn không biết”.

Hôm qua, HĐXX cũng chất vấn Huỳnh Thị Huyền Như quanh các quan hệ vay tiền từ Saigonbank- Berjaya có liên quan đến nhân viên của Cty Chứng khoán Đại Dương, cùng các vụ vay tiền từ ngân hàng VIB, Navibank...

MỚI - NÓNG