Cải tiến cách bồi thường cho người bị oan

Cải tiến cách bồi thường cho người bị oan
TP - 1. Số vụ án và số người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự rất ít. Tuy hy hữu mới xảy ra, song cách bồi thường cho người bị oan lại còn rất nhiều bất cập. Đã quá khổ với những ngày tháng bị bắt bớ, giam cầm, người bị oan lại tiếp tục chịu thêm những nỗi khổ mới.

> Ai sẽ bồi thường cho người thụ án oan?
> 'Chưa cán bộ nào bị truy tố vì xử oan sai cho người vô tội'

Theo quy định tại Nghị quyết 388 của UBTV Quốc hội (mới đây là Luật Bồi thường Nhà nước), người bị oan phải làm đơn đề nghị được bồi thường, gửi đến cơ quan đã làm oan cho họ. Trên cơ sở đó, người bị oan và đại diện cơ quan làm oan cho họ sẽ ngồi lại thương lượng. Nếu thương lượng không thành, người bị oan có thể khởi kiện ra trước tòa án.

Quy định trên đây thoạt nghe có vẻ hợp lý, hợp tình. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn không phải như vậy. Thực tế cho thấy các cơ quan đã làm oan không có thiện chí trong các cuộc thương lượng kiểu này, vì vậy việc thương lượng thường kéo dài, rất nhiều trường hợp không thành công.

Phía làm oan thường chỉ chấp nhân bồi thường tổn thất về tinh thần. Theo quy định, một ngày bị khởi tố bị can (hoặc bị truy tố, bị kết án tù) mà bị giam giữ, người bị oan được bồi thường ba ngày lương cơ bản; tương tự, một ngày tại ngoại được bồi thường một ngày lương cơ bản. Những đòi hỏi bồi thường về vật chất của họ thường bị bác bỏ, do phía làm oan cho rằng họ không có đầy đủ hóa đơn, chứng từ để chứng minh.

2. Thương lượng kéo dài khiến người bị oan mệt mỏi, trước hết là về tâm lý. Họ phải đối mặt với những người đã làm oan cho mình, nên khó kiềm chế bức xúc. Tiếp đến, họ gặp phải khó khăn về điều kiện thương lượng. Người bị oan không được chủ động. Gặp nhau ở đâu, khi nào, hoàn toàn thuộc về cơ quan làm oan, người bị oan cứ "hãy đợi đấy" !

Người bị oan còn cái khổ nữa. Nhiều người thực sự cần tiền thời điểm mới được minh oan. Có người để chữa bệnh, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe. Có người để mua sắm công cụ sản xuất, vốn liếng buôn bán. Có người đơn giản để sống qua ngày và mua cái vé ô tô đi đến địa điểm có trụ sở của cơ quan đã làm oan cho mình, thì mới "thương lượng" được.

Nếu thương lượng không thành, người bị oan sẽ bị cuốn vào vòng xoáy tố tụng dân sự chưa biết lúc nào xong. Với tư cách nguyên đơn, họ mất rất nhiều thời gian, công sức để chuẩn bị tài liệu, chứng cứ. Mua bán phải có hóa đơn, chứng từ. Hư hỏng, thiệt hại phải có nhân chứng, vật chứng. Những điều này, ngay cả khi không bị bắt giam, họ cũng khó mà có để cung cấp cho tòa, nói chi đến cảnh sa cơ thất thế...

3. Từ thực tế trên, nhiều chuyên gia pháp luật đề nghị phải cải tiến cách bồi thường cho người bị oan.

Quyết định minh oan cho họ cần xác định tổng số ngày họ bị giam giữ, tổng số ngày họ được tại ngoại, từ đó xác định số tiền tổn thất tinh thần họ được bồi thường. Quyết định minh oan cũng cần xác định cơ quan phải chịu trách nhiệm chính trong việc làm oan, tức là cơ quan phải xin lỗi, bồi thường cho họ. Khi đại diện cơ quan làm oan tổ chức xin lỗi người bị oan, trong buổi đó, đại diện cơ quan này phải giao cho người bị oan số tiền bồi thường tổn thất tinh thần.

Riêng việc bồi thường tổn thất về vật chất (nếu có), cần một cơ quan trung gian hòa giải, có thể là cơ quan thi hành án hoặc tư pháp. Cơ quan này có trách nhiệm tiếp nhận đơn của người bị oan, tư vấn pháp lý ban đầu cho họ, thông báo cho cơ quan làm oan, tổ chức các phiên hòa giải. Nếu hòa giải không thành, bấy giờ người bị oan mới phải khởi kiện ra trước tòa án.

Dĩ nhiên, các đề xuất trên đây cần được bổ sung vào Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Bồi thường nhà nước, thì mới thi hành được.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG