Cận cảnh mãi lộ trên sông

Người trong trang phục CSGT đường thủy đoạn trên sông Ninh Cơ (Giao Thủy, Nam Định). Ảnh: Cắt từ clip.
Người trong trang phục CSGT đường thủy đoạn trên sông Ninh Cơ (Giao Thủy, Nam Định). Ảnh: Cắt từ clip.
TP - Khi đường bộ bị siết chặt trọng tải, hoạt động vận tải đường thủy nội địa nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Trong vai một nhân viên bảo tồn và phát triển tài nguyên nước cần tìm hiểu về hệ thống sông ngòi, PV Tiền Phong đã phát hiện nhiều sự thật về hoạt động mãi lộ đường thủy và cả của những “ông đò” quyền lực bất ngờ.

CSGT đường thủy TP Hải Phòng có đến 5 “chốt” (trạm cửa Kênh Mới, trạm Ngã ba Xi Măng, trạm cầu An Dương, trạm Máy Chai, trạm Đình Vũ).

Cận cảnh mãi lộ trên sông ảnh 1 Người lái đò ra giá tại Triều Dương (Hưng Yên). Ảnh: Cắt từ clip.

Chân dép lê, kiểm tra chóng vánh

13h20 phút chiều 16/8, PV lên một tàu hàng chạy chiều đi Quảng Ninh đến địa phận cửa Kênh Mới thuộc quận Lê Chân (Hải Phòng). Tàu hàng tiến dần đến trạm CSGT, chủ tàu móc ví sẵn 700 nghìn đồng đút túi quần, miệng làu bàu: “Hai khúc cua nữa tới trạm, ở đây các sếp “ăn dày” nhất. Thiếu một đồng dính biên bản ngay. Không biên bản thường thì biên bản góp (biên bản đóng góp vi phạm để lấy thành tích, được tính 1 năm mỗi tàu đóng 1 lần - PV) hai củ rưỡi (2 triệu 500 ngàn)”. Nói là hai khúc cua, nhưng tàu phải chạy chừng hơn 20 phút mới đến gần “chốt”.  Ba người trong trang phục CSGT cưỡi ca nô BKS CA15 - 53067 lao từ phía sau đến áp sát phía mạn trái tàu. Trung úy Đào Đức Duy không đeo biển xanh, chân đi dép lê, thủng thẳng bước lên mạn tàu, rồi tiến nhanh vào phòng ăn phía sau. Chưa đầy 10 giây sau, vị này bước ra tay trái nắm chặt, nhảy lên ca nô lao vút đi.

3h40 phút rạng sáng 17/8 vẫn trên tàu hàng qua địa phận cầu Niệm thuộc địa phận huyện An Dương (Hải Phòng). Hai người trong trang phục CSGT mặc áo mưa trùm kín mít cưỡi ca nô từ trạm ra áp sát mạn phải của tàu nháy đèn. Nhanh chóng một người mặt bầu da rám nắng khoảng 35 tuổi, nhảy lên, đi vào buồng lái quắc mắt, hỏi: “Đằng sau còn tàu không?”. Chủ tàu biết ý nhanh nhảu lấy 500 nghìn đồng cuộn vào tay rồi đưa ra. Người này đưa tay nhận, mặt ngó nghiêng rồi quay ngoắt bước ra. Cuộc kiểm tra kết thúc chóng vánh trong khoảng thời gian chưa đầy 1 phút.

Cận cảnh mãi lộ trên sông ảnh 2 Cảnh mãi lộ tại khu vực trạm Nhà Đèn (Quảng Ninh). Ảnh: Cắt từ clip.

Khoảng 12h trưa 25/8, vẫn trong vai một nhân viên nghiên cứu sông ngòi, phóng viên lên tàu hàng BKS HNa - 00xx chạy qua địa phận Ninh Bình trên lưu vực sông Đáy. Đến 12h20 phút, tàu qua trạm kiểm soát cầu Non Nước (phường Đông Thành, TP Ninh Bình). Một thiếu úy trong trang phục CSGT không đeo biển tên, chân đi dép lê, đầu đội mũ cối cưỡi ca nô màu đỏ lao đến áp sát phía phải mạn tàu nhìn và không nói gì. Chủ tàu như đã biết trước cầm sẵn 200 nghìn đồng, cuộn vào lòng bàn tay chạy đến đưa vội. Vị này với tay lên lấy tiền rồi đưa vào hộc trong ca nô, phóng vút sang tàu chở đá nước ngập quá mớn phía đối diện… Mọi hành động chỉ diễn ra trong chớp mắt.

Qua vài khúc cua, đến 12h32 phút vẫn trên trên Đáy, đoạn qua  địa phận xã Khánh Tiên (huyện Yên Khánh, Ninh Bình), quá trình kiểm tra của CSGT ở đây cũng tương tự như trạm kiểm soát phía cầu Non Nước. Một người trong trang phục trung úy CSGT không đeo biển tên, điều khiển ca nô BKS CA35 - 53012 lao vút ra, áp sát mạn thuyền trái với tay nhận 300 nghìn đồng từ chủ tàu rồi để vào hộc. Quy trình “kiểm tra” cũng chỉ diễn ra trong tích tắc.

Cận cảnh mãi lộ trên sông ảnh 3 Đoạn sông Ninh Cơ (Giao Thủy, Nam Định). Ảnh: Cắt từ clip.

“Chưa đủ”

Có đi theo các chuyến tàu hàng mới thấy, chủ tàu “rét” nhất khi qua địa phận Hải Phòng, Quảng Ninh.

Trở lại thời điểm lúc 4h40 phút rạng sáng 17/8, trời mưa tầm tã, tàu hàng ngang qua Trạm Kiểm soát Máy Chai (phường Máy Chai quận Ngô Quyền, Hải Phòng). Hai người trong trang phục CSGT mặc áo mưa trùm kín mít cưỡi ca nô từ “chốt” lao vụt ra áp sát mạn trái tàu hàng. Một người xắn tay áo, tay cầm đèn pin nháy nháy, nhảy lên mạn tàu đi vào cửa sau nhìn ngó nghiêng vẫn hỏi: “Đằng sau còn tàu không?” Chủ tàu đáp: “Còn mấy con anh ạ!”, xong đưa tờ tiền vào tay vị mặc trang phục CSGT. Thấy có một tờ, vị này quát lớn: “Chưa đủ!”. Chủ hàng thấy lạ thắc mắc: “Vẫn như mọi khi mà anh, mới lên ạ?”. “Lên lâu rồi!”, người mặc trang phục CSGT đáp lại. Chủ tàu mặc quần đùi mặc áo mưa, nghe nói thế liền chạy quay lại lấy tiền. Dường như có chút sốt ruột, người mặc trang phục CSGT tiến đến ngó vào buồng. Chỉ khi tiền được đưa thêm, vị này mới đi. Một cuộc kiểm tra 30 giây, thực ra là chờ lấy tiền.

Cận cảnh mãi lộ trên sông ảnh 4 Trạm Khánh Tiên (Ninh Bình). Ảnh: Cắt từ clip.

Khoảng 7h40 phút sáng 17/8, vẫn trên tàu hàng đi Quảng Ninh, qua khu vực Trạm Nhà Đèn thuộc địa phận thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh). Lúc này, có 3 người mặc trang phục CSGT điều khiển ca nô BKS CA14 - 2888 lao vụt từ trạm kiểm soát áp sát mạn trái tàu hàng ra hiệu. Chủ hàng thấy thế, đon đả cầm 400 trăm nghìn đồng, giơ tay chào rồi đưa cho vị đeo quân hàm trung tá (không sơ vin, chân gác lên thành ca nô). Nhận xong,  chiếc ca nô vòng ra toan đi, nhưng có vẻ đếm tiền thấy thiếu, vị này ra hiệu dừng. Chủ tàu giơ bàn tay 5 ngón xòe ra hỏi, được gật đầu, vị này móc thêm 100 nghìn đồng đưa thêm…

Những “ông đò” quyền lực

Ngoài những câu chuyện trên, có một điều lạ, hầu như tàu hàng nào thường xuyên xuôi ngược tuyến Nam Định-Hải Phòng cũng chờn một số “ông đò” thu tiền đường sông. Đây là những người có quyền lực bất ngờ.

Cận cảnh mãi lộ trên sông ảnh 5 Trạm Máy Chai (Hải Phòng). Ảnh: Cắt từ clip.

Thời điểm 10h15’ sáng 16/8, vẫn trên chuyến tàu hàng chạy hướng Sông Luộc đi Hải Phòng qua Bến Hiệp (địa phận xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình). Từ phía “chốt chặn” xa xa xuất hiện một xuồng máy không số. Người đàn ông mặt đen sạm, đầu đội mũ cối áp sát mạn phải tàu hàng ra hiệu. Chủ tàu thấy thế chạy về phía đó, hỏi lớn: “Dạo này “luật lá” thế nào anh?”. Người này xòe 3 ngón tay, nói: “Ba, ba”. Chủ tàu móc túi rút 3 trăm nghìn đồng, nói: “đủ chưa? ”. Người đàn ông xòe tiền kiểm tra, gật đầu, quay xuồng chạy về “chốt”…

11h32’ trưa ngày 16/8, chúng tôi vẫn trên sông Luộc đoạn qua địa phận Cầu Chanh (thị trấn Ninh Giang, Ninh Giang, Hải Dương). Khi tàu ngang qua trạm CA001 chỉ thấy bóng lực lượng tuần tra kiểm soát phía trên trạm đứng nhìn ra sông. Dưới trạm xuất hiện một đò không số phủ bạt kín mít lao ra áp sát phía mạn phải tàu. Người đàn ông mặc quần đùi áo ba lỗ đưa tay ra hiệu. Chủ tàu thấy vậy cầm 3 trăm nghìn đồng đưa về phía người lái đò. Người này cầm tiền, quát lớn: “Chưa đủ bốn”. Chủ tàu xin: “Dạo này yếu lắm, kém lắm, cho xin thôi”. Người trên đò quát lớn: “Giảm máy ngay!”. Biết làm căng, giảm máy neo tàu sẽ không kịp chuyến hàng, chủ tàu móc túi lấy thêm tờ tiền. Lái đò rời tàu hàng chạy thẳng về “chốt”…

Suốt dọc các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên hiện tượng đò thu tiền sông nước diễn ra phổ biến với cùng phương thức. Có nơi, chủ tàu còn phải trả thêm tiền công cho đò (khoảng 10 nghìn đồng). Trở lại thời điểm 7h20’ sáng ngày 16/8, khi chúng tôi có mặt trên tàu chở hàng qua địa phận cầu Triều Dương thuộc địa phận xã Hải Triều (Tiên Lữ, Hưng Yên). Cũng tương tự như thế, một người đàn ông đội mũ cối mặc áo phông trắng sơ vin chạy đò máy chạy ra đón đầu áp sát mạn trái tàu ra hiệu. Chủ tàu thấy từ xa sắp sẵn tiền kẹp sẵn trong tay. Chủ tàu đưa tiền xong, rầu rĩ nói: “Không chi đủ, đừng hòng thoát mấy ông đò này. Thiếu đồng nào đò “a lô” ngay cho “sếp” bên trong nói chuyện” .

Ngày 21/11, Tiền Phong gửi một số câu hỏi liên quan tới Cục CSGT, tuy nhiên đại diện cục này nói bận họp và sẽ trả lời qua email.

MỚI - NÓNG