Cần chấp hành Luật Khiếu nại - Tố cáo

Cần chấp hành Luật Khiếu nại - Tố cáo
TP - Tiền Phong nhận được đơn thư của cụ Nguyễn Thị Siển, trú tại phường Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội), phản ánh bức xúc của gia đình cụ về việc nhiều năm nay liên tục bị một người hàng xóm tố cáo thiếu căn cứ.
Cần chấp hành Luật Khiếu nại - Tố cáo ảnh 1
Cụ Siển đang xem xét các chứng cứ để trình bày với nhà báo, sau lưng cụ là bức tường lửng ngăn cách với nhà ông Sơn - Ảnh: P.V


Đơn cụ Siển phản ánh hai việc:

1/ Ông Nguyễn Văn Sơn, hàng xóm nhà cụ, nhiều năm nay tố cáo sai sự thật, rằng gia đình cụ xây nhà lấn chiếm đất lưu không, bịt cửa sổ nhà ông Sơn;

2/ Cụ Nguyễn Văn Nhật, chồng cụ Siển, nguyên là thương binh chống Pháp, sau khi mất đã được Nhà nước suy tôn liệt sỹ; từ khi có tranh chấp nhà đất, ông Sơn liên tục vu cáo “hồ sơ liệt sỹ cụ Nhật là giả mạo”.

Được biết, ông Sơn đang là cán bộ phường Dịch Vọng, và là cháu họ cụ Siển. Từ năm 2007, ông Sơn có đơn tố cáo gia đình cụ Siển hai việc như trên. Nhiều cơ quan chức năng quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, Bộ LĐTB&XH đã vào cuộc, ra văn bản kết luận, tuy nhiên vụ việc hiện vẫn chưa thể dừng lại.

Không kiện, chỉ tố

Về việc tranh chấp nhà đất, qua tìm hiểu, PV Tiền Phong nhận thấy: Gia đình cụ Siển thừa hưởng thửa đất cha ông để lại tại phường Dịch Vọng, cụ Siển cho con trai là ông Nguyễn Văn Dương một phần.

Năm 2007, ông Dương xây nhà trên phần đất cụ Siển cho. Do cửa thoáng nhà vệ sinh tầng một nhà ông Sơn mở sang cửa sổ phòng ăn nhà ông Dương, ông Dương cho xây thêm một bức tường lửng che đi.

Từ việc này, ông Sơn có đơn tố cáo ông Dương lấn chiếm đất lưu không, bịt cửa sổ nhà ông. Sau đó, UBND phường Dịch Vọng có văn bản cho rằng ông Dương xây dựng lấn chiếm đất, dẫn đến bịt cửa sổ nhà ông Sơn.

Ông Dương khiếu nại. UBND quận Cầu Giấy đã xem xét và có văn bản khẳng định: UBND phường Dịch Vọng ra văn bản như vậy không đúng thẩm quyền cũng như trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đất đai. UBND quận yêu cầu UBND phường thu hồi lại văn bản đã ban hành, kiểm điểm trách nhiệm những người liên quan.

UBND quận Cầu Giấy cũng nhận định: Đất gia đình cụ Siển, gia đình ông Sơn đang sử dụng đều đã được Nhà nước cấp sổ đỏ; nếu ông Sơn thấy quyền lợi bị xâm hại thì cần khởi kiện ra toà để được giải quyết theo đúng thẩm quyền.

Sau khi chính quyền quận Cầu Giấy có văn bản nêu trên, ông Sơn không khởi kiện ra toà, mà tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan ngành dọc của ông Dương, tố cáo ông Dương lấn chiếm đất đai. Việc này ảnh hưởng đến danh dự của ông Dương, và mất thời gian giải quyết của các cơ quan có trách nhiệm.

Qua xem xét sổ đỏ của ông Dương và một số hộ liền kề, PV Tiền Phong nhận thấy, không có căn cứ để cho rằng ông Dương xây nhà (kể cả bức tường lửng) lấn chiếm đất hàng xóm hoặc đất lưu không, bởi đơn giản, ông Dương chỉ xây dựng trên phần đất đã được Nhà nước cấp quyền sử dụng cho gia đình ông.

Kết luận, tố tiếp!

Về hồ sơ liệt sỹ của cụ Nhật, trong đơn tố cáo, ông Sơn cho rằng, năm 1984, cụ Nhật chết do bị cảm, nhưng được làm giả hồ sơ để chứng nhận chết do vết thương cũ tái phát.

Sau khi ông Sơn có đơn, ngày 23 - 6 - 2008, UBND quận Cầu Giấy có thông báo kết luận “Hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sỹ Nguyễn Văn Nhật đúng với quy trình xét duyệt tại thời điểm đó”.

Ông Sơn tiếp tục tố cáo. Nhiều cơ quan của TP Hà Nội và Bộ LĐTB&XH cùng vào cuộc. Ngày 5-11-2009, Sở LĐTB&XH TP Hà Nội có văn bản kết luận “Nội dung tố cáo hồ sơ suy tôn liệt sỹ Nguyễn Văn Nhật là hồ sơ giả là không đúng”.

Ông Sơn vẫn không đồng ý, cho rằng trên bệnh án của Bệnh viện Từ Liêm về trường hợp cụ Nhật, trang đầu đóng dấu mang dòng chữ “Cộng hoà XHCN Việt Nam”, trang cuối lại đóng dấu mang dòng chữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”, đây là chứng cớ cho thấy hồ sơ “giả mạo”, bởi thời điểm cụ Nhật chết (tháng 4-1984), nước ta đã thay đổi quốc hiệu.

Đáng chú ý, không chỉ tố cáo gia đình cụ Siển, ông Sơn còn tố cáo cả cán bộ Thanh tra của Sở LĐTB&XH TP Hà Nội đã bao che cho sai phạm của gia đình cụ Siển!

Cần có điểm dừng

Ngày 25 - 1 - 2010 mới đây, Sở LĐTB&XH TP Hà Nội có văn bản khẳng định: Con dấu “Bệnh viện Từ Liêm” với quốc hiệu “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” vẫn được bệnh viện này sử dụng đến tháng 2 - 1985; việc ông Sơn tố cáo Thanh tra Sở LĐTB&XH TP Hà Nội bao che cho hồ sơ suy tôn liệt sỹ giả là không có cơ sở.

Theo tìm hiểu của các PV Tiền Phong, Sở LĐTB&XH TP Hà Nội đã dựa trên kết quả xác minh hồ sơ lưu tại Bệnh viện Từ Liêm trước đây (nay là Bệnh viện Y học dân tộc cổ truyền Hà Nội); bảng lương lưu giữ cho thấy Bệnh viện này vẫn sử dụng con dấu mang quốc hiệu “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” đến tháng 2-1985 mới đổi sang con dấu có quốc hiệu mới.

Có thể thấy việc tố cáo của ông Sơn đối với gia đình cụ Siển đã kéo dài, nhiều cấp, nhiều ngành đã vào cuộc để giải quyết và đã có văn bản kết luận. Thiết nghĩ, đã đến lúc người tố cáo cần tôn trọng các quy định của Luật Khiếu nại - Tố cáo để vụ việc không bị kéo dài thêm, gây mất ổn định tại địa phương và thời gian của các cơ quan chức năng.

Nếu thấy việc tố cáo của ông Sơn đã vượt quá các quy định của Luật Khiếu nại - Tố cáo, đề nghị UBND phường Dịch Vọng và UBND quận Cầu Giấy cần có biện pháp chấn chỉnh, bởi ông Sơn hiện vẫn đang là cán bộ của phường Dịch Vọng.

MỚI - NÓNG