Cần minh bạch thông tin tài sản

Cần minh bạch thông tin tài sản
TP - TS Vũ Đức Long, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp trao đổi với Tiền Phong về biện pháp để ngăn chặn được tình trạng lừa đảo một tài sản thế chấp hoặc bán cho nhiều người.

TS Vũ Đức Long cho biết: Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đang chủ trì xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn việc cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm giữa cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm với tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành tài sản.

Dự kiến tháng 6-2012, Thông tư sẽ được ban hành. Mục đích chính của Thông tư là hướng dẫn việc trao đổi, cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảm đảm giữa các cơ quan trên, ngăn chặn những kẽ hở làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của những chủ thể tham gia giao dịch.

Các dữ liệu của chúng ta đang bị chia cắt. Chẳng hạn, hiện đang có khoảng 600 văn phòng, cơ quan đăng ký nhà đất. Các văn phòng này đều giữ thông tin về nhà đất nhưng không chia sẻ với nhau, hoặc huyện này không trao đổi với huyện kia, hoặc không trao đổi với tỉnh.

Như vậy, nếu như một sổ đỏ ở huyện này đã mang đi thế chấp, sau đó mang tiếp đến huyện khác làm công chứng có thể tiếp tục thế chấp được chiếc sổ đỏ, từ đó dẫn đến xảy ra các vụ lừa đảo ngày càng nhiều.

Chúng ta có hơn 70 cái máy bay, hơn 1.600 chiếc tàu biển và hàng triệu chiếc ô tô. Dữ liệu về các loại tài sản này cũng bị chia cắt.

Thông tư ra đời sẽ có một cơ chế trao đổi, cung cấp thông tin để góp phần minh bạch hoá tình trạng pháp lý của tài sản đó, từ đó dễ kiểm soát, hạn chế được tình trạng lừa đảo như đã diễn ra trong thời gian vừa qua.

Như vậy, có thể thấy một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng một tài sản cầm cố ở nhiều nơi, bán cho nhiều người là do mù mờ về thông tin. Dự thảo Thông tư đưa ra giải pháp cụ thể nào để hạn chế tình trạng trên, thưa ông?

Cục đang xây dựng dữ liệu thông tin thống nhất. Cái khó ở đây như về đất đai, làm sao kết nối được với 600 văn phòng đăng ký nhà đất. Tuy nhiên, khi Thông tư có hiệu lực, chúng tôi sẽ công bố công khai trên mạng.

Người dân, doanh nghiệp truy cập muốn biết thông tin về tài sản đó đã thế chấp hay chưa, chúng tôi có thể trả lời ngay qua mạng để tham khảo. Nếu cần thiết có một cái giấy xác nhận tài sản đó có đóng dấu đỏ, chỉ phải mất 20 nghìn đồng. Khi có cái giấy đó, nếu ra toà có tranh chấp thì nó có giá trị như một bằng chứng.

Thông tư cũng gắn trách nhiệm người cung cấp thông tin, xử lý thông tin. Ví dụ, một chiếc ô tô đã mang đi thế chấp, chúng tôi có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan đăng ký, chiếc xe đó đang mang đi thế chấp.

Do đó, nếu chủ xe mà xin làm lại đăng ký thì sẽ không được nữa, nếu cơ quan đăng ký tiếp tục cho đăng ký thì phải chịu trách nhiệm.

Các loại tài sản nhà đất, ô tô đang bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng nhiều, Thông tư ra đời có “nhắm” luôn vào các loại tài sản này?

Chúng tôi sẽ thực hiện ngay đối với các loại tài sản này. Đây cũng là loại tài sản đang thế chấp ở ngân hàng nhiều nhất. Nhưng có cái vướng hiện nay là sự hợp tác giữa các cơ quan.Kỷ luật hành chính của ta còn kém. Nhiều khi đề nghị cơ quan này cơ quan kia hợp tác rất khó.

Chúng ta phải vì sự nghiệp minh bạch hoá tài sản, nó không chỉ phục vụ cho các giao dịch mà còn phục vụ cho công tác phòng chống tham nhũng. Không minh bạch hoá tài sản thì rất khó chống tham nhũng.

Cảm ơn ông.

Hoàng Long
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG