Vụ án “chiếm đoạt con dấu” ở Cty cổ phần Hữu Nghị (Hà Nội):

Can thiệp trái luật sẽ đưa doanh nghiệp đến đâu?

Can thiệp trái luật sẽ đưa doanh nghiệp đến đâu?
TP - Quyết định hành chính có thể thay cho việc xét xử công khai của một hội đồng tuân thủ chặt chẽ các quy định tố tụng? Vụ án này buộc người ta phải lật lại những vấn đề cơ bản nhất thường gặp phải khi xây dựng một Nhà nước pháp quyền.

Được thành lập cuối năm 1999, trên cơ sở cổ phần hóa Khách sạn Hữu Nghị (số 23 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội), Cty Cổ phần Hữu Nghị (viết tắt là CPHN) có vốn điều lệ 3,3 tỷ đồng, với 75 cổ đông; HĐQT gồm 5 người, do bà Mai Thị Khánh làm Chủ tịch kiêm Giám đốc.

Với cớ HĐQT cho phép một số người ngoài Cty mua lại cổ phần, một nhóm cổ đông đã tổ chức “Đại hội cổ đông bất thường”, bầu ra HĐQT mới, do bà Nguyễn Thị Bích Lan làm Chủ tịch. Hai HĐQT, chẳng bên nào chịu bên nào, bèn cùng đưa nhau ra toà.

Bản án sơ thẩm (TAND TP Hà Nội xử ngày 18/6/2001) và bản án phúc thẩm (TANDTC xử ngày 8/1/2002) đều tuyên hủy kết quả của “Đại hội cổ đông bất thường”, không công nhận HĐQT mới.

Về những trường hợp đã chuyển nhượng cổ phần, cả hai bản án đều yêu cầu “các bên phải hoàn tất thủ tục”, và Cty CPHN cần sớm tổ chức Đại hội cổ đông để ổn định tổ chức.

Sau phiên toà phúc thẩm, nhóm cổ đông lần trước lại triệu tập Đại hội cổ đông. Bị HĐQT cũ khước từ, lý do những trường hợp đã chuyển nhượng cổ phần vẫn chưa hoàn tất thủ tục như bản án đã tuyên, ngày 24/10/2002, họ vẫn tổ chức “Đại hội”, bầu tiếp ra một HĐQT mới, vẫn do bà Lan làm Chủ tịch. Từ đấy, Cty CPHN rơi tiếp vào cảnh có 2 HĐQT, với 2 bà Chủ tịch...

Chính quyền quyết luôn, khỏi cần tòa án!

Lần này, HĐQT mới khỏi cần đến toà án, bởi đã có sự ủng hộ triệt để của ông Nguyễn Thế Quang, lúc đó là Phó chủ tịch UBND TP .

Ngày 6/3/2003, ông Quang ký công văn chỉ đạo Công an TP Hà Nội “tổ chức thu hồi ngay con dấu của Cty CPHN và tạm giữ để chờ ý kiến chính thức”; ngày 17/3/2003, ông Quang ký tiếp công văn, khẳng định “Đại hội cổ đông” tổ chức ngày 24/10/2002 là “hợp pháp”, và chỉ đạo Công an TP Hà Nội giao con dấu của Cty CPHN cho HĐQT mới.

Phía HĐQT cũ từ chối giao nộp con dấu, với lý do:  1/  Việc tranh chấp con dấu (thực chất là tranh chấp quyền đại diện pháp nhân) phải do tòa án phán quyết, không phải do chính quyền; 2/  UBND TP muốn thu hồi con dấu, phải ra quyết định, không thể “chỉ đạo” bằng công văn.

Ngày 30/1/2004, ông Quang ký Quyết định số 554, nội dung: Thu hồi con dấu của Cty CPHN để trao lại cho HĐQT mới và giao Công an TP Hà Nội thực hiện trong vòng 15 ngày.

Phía HĐQT cũ làm đơn khiếu nại. Ngày 4/11/2004, ông Quang ký công văn bác bỏ. Phía HĐQT cũ khiếu nại tiếp lên Thủ tướng Chính phủ...

Hành chính không được thì... hình sự!

Trong khi chờ Thủ tướng giải quyết, HĐQT cũ của Cty CPHN tiếp tục giữ con dấu. Ngày 3/11/2005, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội ra Quyết định khởi tố vụ án “chiếm đoạt con dấu” theo Điều 268 Bộ luật Hình sự, và ngày 4/11/2005, đã thực hiện Lệnh khám xét khẩn cấp trụ sở Cty CPHN, thu giữ con dấu, Giấy đăng ký kinh doanh và một số giấy tờ khác của Cty này.

Trong nhiều tháng liền, cơ quan điều tra đã triệu tập toàn bộ thành viên HĐQT cũ của Cty CPHN đến trụ sở để lấy lời khai; tuy nhiên tính đến thời điểm này, vẫn chưa ai bị khởi tố bị can. Hiện thời hiệu điều tra đã hết, song cơ quan điều tra vẫn chưa ra kết luận (hoặc quyết định đình chỉ vụ án)...

Về con dấu đã thu giữ, ngày 14/3/2006, cơ quan điều tra có công văn xin ý kiến UBND TP; ngày 29/3/2006, ông Nguyễn Thế Quang ký công văn chỉ đạo bàn giao con dấu và các giấy tờ của Cty CPHN cho HĐQT mới. Ngày 5/4/2006, cơ quan điều tra đã  mở niêm phong, bàn giao con dấu cho HĐQT mới của Cty CPHN.

Có được con dấu, nhưng HĐQT mới cũng không đưa được Cty CPHN đi vào hoạt động bình thường, bởi nội bộ Cty đã và đang bị chia rẽ sâu sắc.

Vụ án sẽ đi về đâu?

Nhiều người theo dõi vụ án này, trong đó có các luật sư bảo vệ quyền lợi cho HĐQT cũ của Cty CPHN, cho rằng cơ quan điều tra khởi tố vụ án “chiếm đoạt con dấu” theo Điều 268 BLHS là không đúng, bởi tội danh này chỉ áp dụng cho hành vi chiếm đoạt con dấu của cơ quan hoặc tổ chức xã hội, không quy định cho hành vi chiếm đoạt con dấu của doanh nghiệp.

Mặt khác, HĐQT cũ của Cty CPHN đang giữ con dấu, chứ họ không chiếm đoạt con dấu. Với tội danh đã khởi tố, cơ quan điều tra sẽ không thể chỉ ra ai đã có hành vi vi phạm pháp luật!

Sau khi khởi tố vụ án, Công an TP Hà Nội đã thu giữ, niêm phong con dấu của Cty CPHN. Theo Luật Tố tụng hình sự, trong trường hợp này con dấu là tang vật của vụ án, nó chỉ có thể được xử lý bằng một bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật. Vụ án vẫn đang trong giai đoạn điều tra, song Công an TP Hà Nội lại tự cho mình quyền xử lý vật chứng, là vi phạm tố tụng.

Nhiều chuyên gia pháp luật nhận xét, trong vụ án này, pháp chế XHCN của chúng ta đang đi một bước thụt lùi, bởi vẫn có những người tự cho mình cái quyền dùng các biện pháp hành chính hoặc hình sự để thay cho công việc của tòa án. 

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.