Cấp sổ đỏ ở Rusalka: “Thiếu sót” hay phạm tội?

Cấp sổ đỏ ở Rusalka: “Thiếu sót” hay phạm tội?
Việc ông Trần Minh Duân - Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà  ký cấp "sổ đỏ" cho RIT trong khi đủ thứ chưa không thể chỉ “có phần thiếu sót”? 

Như Tiền Phong đã nêu, do việc giao hơn 900m đường Phạm Văn Đồng qua khu Rusalka cho Cty Đầu tư và Phát triển du lịch Rus – Invest – Tur (RIT), UBND tỉnh Khánh Hoà đã phải điều chỉnh tuyến nối đường Phạm Văn Đồng với quốc lộ 1A tránh về phía Tây.

Theo thông báo số 92/TB - UB ngày 6/3/2003 của UBND tỉnh Khánh Hoà, RIT phải thanh toán cho tỉnh 11,5 tỉ đồng, là chi phí liên quan đến việc giao và điều chỉnh tuyến đường này (tuy nhiên đến Công văn số 1285/UB ngày 8/5/2003 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Duân ký, số tiền rút xuống còn 10,126 tỉ đồng).

Có người bảo, tuy đến nay RIT chưa trả cho tỉnh Khánh Hoà đồng nào, nhưng đoạn đường vẫn còn chứ không bị phá, nó cũng không bị RIT đưa vào tài sản thế chấp tại ngân hàng.

Tỉnh có thể lấy lại đoạn đường này, hoặc doanh nghiệp nào sau này tiếp tục thực hiện dự án Rusalka sẽ phải trả cho tỉnh, do vậy hậu quả của việc “múc cháo không khảo tiền” không lớn.

Nhưng, liệu có đối tác mới nào chấp nhận tiếp tục dự án Rusalka với điều kiện phải trả cho tỉnh 11,5 tỉ đồng? Khi giao đoạn đường cho RIT, tuy tỉnh có yêu cầu RIT trả tiền, nhưng không có hợp đồng với giá trị ràng buộc pháp lý cao, nên khó có cơ sở để đòi tiền đối tác mới.

Tỉnh lấy lại đoạn đường này cũng chẳng để làm gì, vì nó đã thành đường cụt nằm lọt giữa khu Rusalka trong khi đường Phạm Văn Đồng - quốc lộ 1A tuyến điều chỉnh đã thành hình.

Sự thật hiển nhiên là dù RIT trả tiền hay không, ngân sách tỉnh vẫn phải chi thêm hơn 10 tỉ đồng làm tuyến mới của đường Phạm Văn Đồng - quốc lộ 1A. Việc UBND tỉnh Khánh Hoà giao đoạn đường cho RIT đâu có khác gì nhiều so với việc Cty Xuất nhập khẩu lương thực Trà Vinh bán 31.488 tấn gạo cho Nguyễn Đức Chi mà không có bất cứ điều kiện tài chính ràng buộc nào?!

Cấp “sổ đỏ” - sự thiếu trách nhiệm đã rõ

Việc triển khai thực hiện quyết định cho thuê đất được tiến hành như sau:

1. Tổ chức đền bù giải phóng mặt bằng. Các bên sử dụng đất phải đền bù cho người có đất bị thu hồi để giao cho mình sử dụng.

2. Sau khi có quyết định cho thuê đất của cấp có thẩm quyền, bên thuê đất liên hệ với Sở Địa chính để tiến hành các công việc sau:

a) Nhận bàn giao mốc giới khu đất ngoài thực địa.

b) Ký hợp đồng thuê đất (có mẫu).

3. Sau khi hoàn thành các công việc quy định tại khoản 2 điều này, Sở Địa chính giúp bên thuê đất đăng ký đất đai tại UBND xã (phường, thị trấn) sở tại và trình UBND cấp tỉnh cấp GCNQSDĐ.

(Điều 6, Thông tư 679TT/ĐC ngày 12/5/1997 của Tổng cục Địa chính)

Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. (Khoản 1, điều 285 Bộ luật Hình sự)

Ông Mai Đức Chính – GĐ Sở TN & MT Khánh Hoà cho rằng, dự án Rusalka được miễn tiền thuê đất trong 12 năm, làm hợp đồng rồi cũng có thu được tiền của “nó” đâu.

Như vậy có thể hiểu, việc Sở TN & MT chưa làm hợp đồng thuê đất với RIT, không phải vì “quên”, mà vì chưa cần. Tuy nhiên theo Thông tư số 679TT/ĐC ngày 12/5/1997 của Tổng cục Địa chính hướng dẫn việc thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, việc ký hợp đồng thuê đất là điều phải làm trước khi doanh nghiệp được cấp GCNQSDĐ.

Mặt khác, nếu ký hợp đồng thuê đất chỉ là thủ tục, tại sao Sở TN & MT không sớm thực hiện theo đúng quy định? Chủ động chưa làm hợp đồng thuê đất nhưng vẫn đề nghị UBND tỉnh cấp GCNQSDĐ cho RIT, đó là “thiếu sót” hay cố ý làm trái?

Việc ông Trần Minh Duân - Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà  ký cấp GCNQSDĐ cho RIT trong khi RIT chưa có hợp đồng thuê đất, chưa trả tiền đoạn đường cho tỉnh, chưa thực hiện những việc chính mình thay mặt UBND tỉnh yêu cầu RIT phải thực hiện, có lẽ không thể chỉ “có phần thiếu sót”?  

MỚI - NÓNG