Cát tặc lại khuấy động sông Hồng

Cát tặc hoành hành tại khu vực thị trấn Tây Đằng và xã Minh Châu, huyện Ba Vì.
Cát tặc hoành hành tại khu vực thị trấn Tây Đằng và xã Minh Châu, huyện Ba Vì.
TP - Năm 2015, cơ quan chức năng đồng loạt vào cuộc tóm nhiều  đối tượng cùng hàng trăm phương tiện khai thác cát trái phép, góp phần giúp cuộc sống người dân ven sông Hồng trở lại bình yên. Tuy nhiên, gần đây, cát tặc lại hoành hành.

Khai thác cả ngày lẫn đêm

 Theo một số người dân tại thị trấn Tây Đằng và xã Minh Châu (Ba Vì, Hà Nội), cuối năm 2015 và đầu năm 2016, nhiều tàu thuyền dạt về khu vựa này khai thác cát rầm rộ cả ngày đêm. Việc khai thác cát với quy mô lớn khiến ruộng vườn, nhà cửa của nhiều gia đình xã Minh Câu trong tình trạng thấp thỏm trước miệng “Hà Bá”.

Có mặt ở khúc sông thuộc địa bàn thị trấn Tây Đằng và xã Minh Châu, chúng tôi tận thấy 5 -  6 tàu đang gầm rú hút, cuốc cát, xé nát sự tĩnh lặng dòng sông. Tại khu vực đê hữu sông Hồng thuộc thị trấn Tây Đằng có tới 4 bãi tập kết cát sỏi. Khu vực này còn xuất hiện các loại xe có trọng tải trên 11 tấn chở cát sỏi từ các bãi tập kết lưu thông trên đê và các con đường liên thôn, liên xã ở thị trấn Tây Đằng.

Ngày 18/2, ghi nhận tình trạng khai thác cát trái phép, PV điện thoại phản ánh tới ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó trưởng Công an huyện Ba Vì, tuy nhiên gần 2 tiếng sau vẫn không thấy bóng dáng của cảnh sát tới hiện trường. Phóng viên tiếp tục gọi điện thông báo cho cán bộ Phòng PC49 Công an TP Hà Nội, song tình cảnh cũng tương tự.  Theo ghi nhận của phóng viên tại khu vực chân cầu Nhật Tân thuộc địa bàn xã Phú Thượng, quận Tây Hồ và xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, tình trạng khai thác cát cũng diễn ra cả ngày đêm.

Phức tạp, khó xử lý?

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Đại Lâm, Bí thư thị trấn Tây Đằng, cho biết, năm 2015, Cty CP Quảng Tây được chính thức cấp phép khai thác tại khu vực bãi cát nổi với diện tích chừng 20ha.

Theo ông Lâm,  tình hình cát tặc rất phức tạp, người dân xã Minh Châu đã nhiều lần kiến nghị tới cơ quan chức năng về việc cát tặc hoành hành gây sạt lở ảnh hưởng đến hoa màu, thậm chí là nhà cửa. Ông Lâm cho biết thêm, số tàu khai thác ở bãi nổi là có phép, số tàu thuyền còn lại là hoạt động trái phép.

Còn ông Nguyễn Đình Lan, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Ba Vì cho biết, tháng 10/2015, cơ quan chức năng huyện Ba Vì đã xử lý khoảng 17 vụ việc liên quan đến khai thác cát trái phép. Ông Lan cho rằng đây là địa bàn giáp ranh giữa Hà Nội với Vĩnh Phúc nên rất khó định vị để xử lý. Theo ông Lan, máy định vị sai số đến vài chục mét, trong khi tàu thuyền nằm giữa sông nên không thể xác định các phương tiện khai thác ở địa bàn nào để có thể xử lý. “Để làm được việc này UBND TP Hà Nội cần có văn bản phối hợp UBND tỉnh Vĩnh Phúc” - ông Lan nói.

Cát tặc ngày một nhiều

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Trần Văn Thọ, Cục phó Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT) cho biết, cát tặc hoạt động trên sông Hồng và sông Đuống rất nhiều, đặc biệt là quanh các khu vực những đơn vị được cấp phép và các nhà nhà thầu không thể quản lý được. “Về quản lý địa bàn, chúng tôi giao cho Chi cục Quản lý đường thủy nội địa phía Bắc, quản lý với tuyến đường thuỷ 2.000 km” - ông Thọ nói.

Ông Thọ cho biết thêm, thời gian qua Cục đã cấp phép cho một số đơn vị tham gia nạo vét luồng lạch theo chủ trương xã hội hóa. Khi ký hợp đồng triển khai, nhà thầu còn phải đăng ký phương tiện tham gia nạo vét và chỉ được thực hiện trong phạm vi cho phép.

Tuy nhiên, điều mà dư luận lo ngại là có hay không việc một số đơn vị lợi dụng giấy phép nạo vét để khai thác cát trái phép; hoặc đưa những phương tiện chưa đăng ký vào khai thác; tận thu tài nguyên quá phạm vi, địa bàn cho phép…

Ngày 22/2, phóng viên liên lạc lại với ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng Công an huyện Ba Vì và nhận được thông tin các tàu thuyền khai thác cát trái phép đã ngừng hoạt động. Ông Tuấn nhận định, khả năng do bị động (lộ thông tin), nên cát tặc đã rút.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.