Cháu có nhà ở rồi!

Cháu có nhà ở rồi!
TP - Cố nhoẻn cười, Nguyệt hướng về phía những người dự toà, mừng rỡ: “cháu có nhà ở rồi!” khi vị chủ toạ dứt lời trong vụ án chia di sản thừa kế của ông bà nội.

> Ngồi xe lăn chạy theo án cao su: Vẫn chưa xong

Phiên xử kéo dài đến cuối giờ chiều, một người dân thương tình đem hộp sữa cho Nguyệt uống để đỡ tụt đường huyết. Ảnh: BT
Phiên xử kéo dài đến cuối giờ chiều, một người dân thương tình đem hộp sữa cho Nguyệt uống để đỡ tụt đường huyết. Ảnh: BT.

Chiều muộn 23-8, TAND TP Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm vụ “chia di sản thừa kế” ở phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa.

Nguyên đơn là cô bé tật nguyền bởi chất độc da cam Phạm Thị Ánh Nguyệt (SN 1980). Do khó khăn trong giao tiếp, Nguyệt ủy quyền cho mẹ đẻ, bà Đào Minh Phượng (SN 1954), đại diện trước toà.

Bị đơn là bà Phạm Thị Thuận (SN 1957) – em gái bố của Nguyệt. Trong phiên xử lần này, bà Thuận đã ủy quyền cho người khác dự tòa.

Diễn biến phiên tòa, phía nguyên đơn tiếp tục đề nghị HĐXX chia di sản thừa kế theo pháp luật, đề nghị Tòa cho hai người con gái của ông Cảnh (bố của Nguyệt và Nga) được hai kỷ phần theo quy định của pháp luật về thừa kế thế vị.

Phía bà Thuận (bị đơn) đề nghị Toà chấp nhận bản di chúc của ông bà nội cháu Nguyệt, công nhận toàn bộ căn nhà và đất thuộc về bị đơn.

Phần tranh tụng, luật sư Nguyễn Văn Hà (Đoàn luật sư Hà Nội, bảo vệ nguyên đơn) khẳng định, di chúc chỉ nêu bà Thuận được sở hữu căn nhà cấp 4, không hề kèm theo thửa đất.

“Toàn bộ căn nhà nói trên, chúng tôi nhất trí cho con gái tôi là Phạm Thị Thuận; ông bà cháu Nguyệt không hề nhắc đến thửa đất” - luật sư Hà trích dẫn.

Luật sư Hà khẳng định, sổ đỏ của ông bà Nguyệt được UBND quận Đống Đa cấp ngày 19-5-2004 thể hiện 2 nội dung: Giấy chứng nhận quyền sử hữu nhà ở và quyền sử dụng đất. Điều này cho phép hiểu, di chúc chỉ xác định bà Thuận được sở hữu căn nhà, còn lô đất hơn 50m2 không được nhắc đến, nên phải được xử lý theo luật định.

Bổ sung quan điểm, luật sư Bùi Văn Thấm cho rằng, di sản thừa kế là căn nhà cấp 4. Nay, căn nhà đó không còn, thế vào là căn nhà 6 tầng. Như vậy, có thể khẳng định giá trị của di sản đã thay đổi, đồng nghĩa với việc di chúc không còn hiệu lực.

Luật sư bảo vệ phía bị đơn cho rằng, di chúc để lại quyền sở hữu nhà cho bà Thuận, được hiểu bao gồm cả thửa đất, sân, vườn.

HĐXX nhận định, hai cháu Nguyệt, Nga có đủ cơ sở để hưởng phần di sản thừa kế thế vị do ông bà nội để lại, bởi ông Cảnh dù không được bố mẹ cho thừa kế di sản theo di chúc, nhưng vẫn được hưởng di sản theo pháp luật.

Di sản thừa kế được xác định là phần đất do ông bà nội cháu Nguyệt để lại. Phần đất di sản hơn 50m2 được định giá 12 tỷ đồng, Tòa chia làm 6 phần, ông Cảnh được 2 phần (cho Nguyệt và Nga), tương ứng 4 tỷ đồng.

Do cháu Nguyệt bị tàn tật, HĐXX quyết định chia một phần tầng 1 căn nhà cho Nguyệt để tiện đi lại nguyên đơn phải trả hơn 99 triệu đồng tiền xây cất căn nhà 6 tầng cho bị đơn.

Khi chủ tọa vừa dứt lời, hàng loạt tiếng vỗ tay vang lên. Bản án thấu lý đạt tình, biến ước mơ của cô bé tật nguyền “cháu chỉ muốn có một chỗ ở và hương khói cho tổ tiên” đã thành
hiện thực.

Năm 1977, bà Phượng kết hôn với ông Cảnh, sau đó sinh hai con gái Phạm Thu Nga và Phạm Thị Ánh Nguyệt. Người chị may mắn khi không bị di chứng chất độc da cam từ bố, còn Nguyệt chịu tật nguyền hàng chục năm nay.

Năm 1984, vợ chồng bà Phượng ly hôn. Do bà Phượng không có chỗ ở ổn định, TAND quận Đống Đa quyết định cho 2 người con gái ở chung với bố và ông bà nội ở phường Ngã Tư Sở.

Năm 1994, ông Cảnh bỏ nhà ra đi với thương tích sọ não, từ thời bộ đội, chống Mỹ. Sáu năm sau, TAND quận Đống Đa tuyên bố ông Cảnh đã chết. Tai họa ập xuống khi ông bà nội Nguyệt qua đời năm 2006.

Người cô của Nguyệt, bà Phạm Thị Thuận đưa ra tờ di chúc ghi căn nhà của ông bà nội thuộc quyền sở hữu của bà Thuận. Nga phải vào Trung tâm bảo trợ xã hội, Nguyệt ra đường với chiếc xe lăn bên mình. Bà Phượng lên chùa, “ăn mày cửa phật” và sống nhờ vào chút tiền trợ cấp của người con gái nhiễm chất độc da cam…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG