Chi tiết cuộc giải cứu nữ điều dưỡng bị bắt làm con tin

Công an khống chế đối tượng Đức Anh hạ vũ khí và thả con tin.
Công an khống chế đối tượng Đức Anh hạ vũ khí và thả con tin.
TP - “Ngay sau khi tôi lái xe đến, 2 đối tượng mở cửa kéo con tin vào trong yêu cầu tài xế phóng xe với tốc độ cao nhất vào trung tâm thành phố. Khi xe giảm tốc, hắn liên tiếp kề dao vào cổ yêu cầu tăng tốc...” - trung tá Dương Minh Tùng, Đội trưởng Đặc nhiệm hình sự, Công an Hà Nội, kể lại.

Liên quan vụ đối tượng Trần Đức Anh (SN 1994, trú quận Ba Đình) dùng súng khống chế chị Lê Thị Hà (47 tuổi), điều dưỡng Viện Pháp y tâm thần tại thị trấn Thường Tín (Hà Nội) xảy ra ngày 29/10, đại tá Dương Văn Giáp – Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) cho biết, cơ quan điều tra đang hoàn tất hồ sơ để làm rõ hành vi bắt giữ người trái pháp luật của Trần Đức Anh.

Đội trưởng đặc nhiệm vào vai lái xe

Theo đại tá Giáp, khoảng 9h30 ngày 29/10, đơn vị nhận được tin vụ việc nam thanh niên mặc áo khoác đi vào khu thăm hỏi tiếp tế cho các bệnh nhân đang nằm điều trị khám tâm thần tại Viện Pháp y tâm thần. Đối tượng yêu cầu nhân viên y tế cho gặp bạn tên Hoàng đang điều trị tại đây. Bị từ chối, Đức Anh rút khẩu súng K59 và dao găm inox trắng khống chế điều dưỡng viên Lê Thị Hà đưa vào cửa hàng bán hoa phố Trần Phú. Người này yêu cầu xe ô tô để cùng bạn và bị hại thoát khỏi hiện trường. Sau khi tiếp nhận thông tin, lực lượng CSHS công an TP cùng Công an huyện Thường Tín xuống hiện trường.

“Khi cảnh sát xuất hiện, đối tượng rất quyết liệt, tay cầm súng tay cầm dao gí vào cổ nạn nhân, yêu cầu một xe ô tô để đi ngay. Để đảm bảo an toàn cho nạn nhân, đơn vị huy động chiếc Innova của Phòng CSHS do trung tá Dương Minh Tùng, Đội trưởng Đặc nhiệm hình sự hoá trang thành người dân, trực tiếp lái theo yêu cầu của đối tượng”, đại tá Giáp nói.

Qua xác minh nhanh, cảnh sát xác định người cầm vũ khí khống chế nữ điều dưỡng là Trần Đức Anh (SN 1994, trú phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) có 1 tiền án cướp tài sản. Bạn của Đức Anh là Trương Kim Hoàng (SN 1986, trú quận Hoàn Kiếm), có 1 tiền án cướp tài sản và đang được giám định tại Viện Pháp y tâm thần liên quan tới một vụ án về ma túy. Ngay sau đó, cảnh sát đưa Hoàng ra hiện trường thuyết phục bạn thả  điều dưỡng Hà nhưng bất thành. Sau khi có xe, Đức Anh tiếp tục dùng dao, súng khống chế  chị Hà lên ô tô rồi cùng Hoàng rời đi.

Phán đoán đối tượng có thể di chuyển về nhà của Hoàng ở phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) hoặc nhà Đức Anh tại phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình), đội Đặc nhiệm hình sự đã thông báo với cảnh sát khu vực tiếp cận nắm địa hình, các tầng, lối thoát, các điểm có thể ẩn nấp và bố trí sẵn các chiến sỹ trinh sát ở đây. Khi chiếc Innova di chuyển về phố Hàng Gai, cảnh sát thuyết phục Hoàng tách con tin đưa lên tầng an toàn sau đó tiếp tục thuyết phục Hoàng thu giữ vũ khí của Đức Anh, giao nộp cho cảnh sát. Sau khi khống chế, đối tượng được đưa về trụ sở Phòng CSHS. Tại đây, các đối tượng khai khẩu K59 được mua ở Lạng Sơn.

Trung tá Dương Minh Tùng kể: “Ngay sau khi tôi lái xe đến, 2 đối tượng mở cửa kéo con tin vào trong yêu cầu tài xế phóng xe với tốc độ cao nhất vào trung tâm thành phố. Khi xe giảm tốc, hắn liên tiếp kề dao vào cổ yêu cầu tăng tốc. Chiếc điện thoại tôi đổ chuông, hắn dùng súng gí vào đầu con tin, tay còn lại vẫn gí dao vào cổ tôi đe dọa và yêu cầu chở hắn nhanh về nhà”.

Chi tiết cuộc giải cứu nữ điều dưỡng bị bắt làm con tin ảnh 1 Chị Hà kể lại giây phút bị đối tượng dùng dao, súng khống chế.

Sự bình tĩnh của nữ điều dưỡng

Tại cơ quan CSĐT Công an Hà Nội, chị Lê Thị Hà kể, thời điểm khoảng 8h30 khi chị Hà đang làm việc như thường lệ thì nghe thấy tiếng động từ phía hành lang. Ngay sau đó, một nam thanh niên dáng cao mặc đồ đen, đội mũ lưỡi chai tới gần hỏi “chị ơi”. Chưa kịp trả lời thì nam thanh niên vòng tay qua cổ khống chế chị đến khu thăm gặp bệnh nhân và yêu cầu gặp người bạn Hoàng đang được điều trị tại đây.

“Lúc đó, tôi có cảm giác người này có vấn đề về tâm thần hoặc có biểu hiện ngáo đá nên nghĩ mình phải thật bình tĩnh. Anh ta có nói chị cứ phối hợp với em, em sẽ không làm gì chị đâu. Trên đường di chuyển về phố Hàng Gai, tôi có nói chị rất đau bụng, khi tới nhà em có thể cho chị đi vệ sinh được không. Chị không giở trò, em cứ yên tâm thì người này đồng ý”, chị Hà kể.

Hình phạt nào cho thủ phạm?

Liên quan vụ việc, luật sư Trần Tuấn Anh – Cty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, qua các tình tiết mà báo chí và các cơ quan chức năng thông tin, người thực hiện hành vi dùng vũ lực, vũ khí để bắt giữ, khống chế nhân viên y tế của Viện giám định pháp y tâm thần Trung ương có dấu hiệu cấu thành tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.

“Người nào thực hiện hành vi phạm tội này có thể đối mặt với mức hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Trong trường hợp hành vi phạm tội gây ra hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm” – luật sư Tuấn Anh nói.

Cũng theo luật sư Tuấn Anh, trong trường hợp cơ quan điều tra xác định đối tượng đã dùng súng để khống chế chị Lê Thị Hà thì đối tượng còn có thể phải đối mặt với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự theo quy định tại Điều 230 BLHS với hành vi cụ thể là sử dụng trái phép vũ khí, quân dụng.

Còn trong trường hợp cơ quan điều tra xác định khẩu súng mà đối tượng sử dụng để khống chế chị Hà không phải là vũ khí, quân dụng mà chỉ là vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ thì đối tượng cũng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ theo quy định tại Điều 233 BLHS.

MỚI - NÓNG