Chỉ xử theo cáo trạng mà Viện KSND TP HCM truy tố

Chỉ xử theo cáo trạng mà Viện KSND TP HCM truy tố
TP - Sáng ngày 3/4, Chánh án TAND TPHCM Bùi Hoàng Danh đã trả lời báo chí câu hỏi: Vì sao vụ án này đã xảy ra cách đây gần 4 năm mà chưa được xét xử và  liệu có mở rộng vụ án không khi mà cây cầu này đang tiếp tục lún.
Chỉ xử theo cáo trạng mà Viện KSND TP HCM truy tố ảnh 1
Hầm chui Văn Thánh 2  ảnh: Hồng Vĩnh

Đây là vụ việc được xếp vào loại “kỳ án”. Ngày 12/7/2002, Cục Cảnh sát kinh tế phía nam (nay là Cục cảnh  sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ - C15) đã khởi tố vụ án tham ô, vi phạm qui định của Nhà nước về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng trong việc thi công hầm chui Văn Thánh 2.

Các bị can trong vụ án được xác định là Dương Quang Vinh - đội trưởng đội thi công Cty Công trình khai thác đá 621; Lê Thanh Liêm - cán bộ Cty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam; Trịnh Tuấn Thanh - đội phó đội thi công khai thác đá 621; Trần Thanh Hương - cán bộ Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía Nam và Quách Vạn Đức - giám đốc Cty TNHH Xây dựng thương mại 41.

Hai bị can Vinh, Liêm bị bắt tạm giam, các bị can còn lại được tại ngoại. Theo kết luận của C15, mặc dù là đơn vị thi công  nhưng sau khi có hợp đồng, Cty 621 đã khoán nội bộ lại cho đội thi công số 3 do Vinh (con rể ông Trương Văn Triệu, giám đốc Cty 621) làm đội trưởng, trực tiếp thi công. Vinh đã bàn bạc với Quách Vạn Đức cung cấp vật tư cho công trình trên hóa đơn giá trị gia tăng khống, để Cty 621 dùng các hóa đơn khống này làm thủ tục vay tiền ngân hàng và chuyển số tiền đó vào tài khoản thanh toán cho Cty 621.

Có đến 8 hóa đơn khống được Vinh mua và  Đức là người làm thủ tục xuất hàng khống  cho Cty 621 nhằm tạo điều kiện Cty 621 bỏ túi 1,3 tỷ đồng. Đây cũng là giá trị của nguyên vật liệu xây dựng được nhóm Vinh đưa khống vào hầm chui và cũng là tác nhân gây sự cố sụp hầm. Sau phi vụ này, Vinh rút được 866 triệu đồng chia nhau.

Thế nhưng ngày 31/7/2002, C15 được chỉ đạo phải giao hồ sơ cho CA TPHCM thụ lý. Lý do được Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh (lúc đó là đại tá), Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát giải thích: “Do các loại án ở Bộ Công an đang thụ lý quá nhiều nên bàn giao cho CA TPHCM tiếp tục điều tra làm rõ”. 

Tuy nhiên, sau khi hồ sơ chuyển sang cơ quan điều tra CA TP.HCM, các cơ quan chức năng TP.HCM “kết” lại số tiền tham ô  của các bị can còn... 87 triệu đồng thay vì là 1,3 tỷ đồng so với kết luận của C15. Dù vậy, cuối năm 2003, vụ án cũng được chuyển hồ sơ sang Viện KSND TPHCM.

Ngày 10/11/2003, cơ quan này hoàn tất cáo trạng truy tố 9 bị can ra TAND TPHCM để tiến hành xét xử sơ thẩm. Sau đó TAND TPHCM đã quyết định hoàn trả hồ sơ đề nghị điều tra và củng cố thêm 1 số chứng cứ cho vụ án và đến bây giờ nó  vẫn chưa được đem ra xét xử.

Sáng hôm qua, 3/4, Chánh án TAND TPHCM Bùi Hoàng Danh cho báo chí biết, vụ án sẽ được đưa ra xét xử trong tháng 4/2006. Ông  Danh cũng khẳng định, sơ bộ, những tài liệu điều tra bổ sung của cơ quan tiến hành tố tụng cơ bản đã đúng theo yêu cầu của phía tòa án.

Song, liệu vụ án có được xem xét mở rộng thêm trong tình hình hiện tại, khi cầu Văn Thánh 2 vẫn lún và đang có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng hơn? Ông Danh cho hay, phía tòa chỉ xét xử trong khuôn khổ nội dung cáo trạng của Viện KSND TPHCM.

Hơn nữa, thời gian tố tụng của vụ án cũng sắp hết. Còn các vấn đề liên quan khác, nếu phát hiện ra sai phạm, cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra và Tòa sẽ xét xử ở vụ án khác!

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.