Chỗ dựa cho những người “trượt” chân

Trinh sát Nguyễn Thị Dung trò chuyện, chia sẻ với phạm nhân. Ảnh: Ngô Bình.
Trinh sát Nguyễn Thị Dung trò chuyện, chia sẻ với phạm nhân. Ảnh: Ngô Bình.
TP - Trại giam An Phước thuộc Bộ Công an nằm tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Phần lớn những phạm nhân ở trại giam này phạm tội về ma túy, tái phạm nhiều lần, nên có nhiều mánh khóe, chiêu trò để qua mặt cán bộ. Tuy nhiên họ phải khuất phục trước những cán bộ giỏi nghiệp vụ, có khả năng cảm hóa phạm nhân.

Phá án trong trại

Khắc tinh của những đối tượng buôn bán, sử dụng ma túy trong trại giam An Phước là đại úy Nguyễn Thị Dung (SN 1980, quê Nghệ An), cán bộ trinh sát. Sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân ở Hà Nội vào năm 2000, đại úy Dung được bố trí về trại giam An Phước công tác. Thời gian đầu khi xa gia đình, người thân, hàng ngày tiếp xúc với hàng trăm phạm nhân đủ các loại tội danh, trong khi xung quanh bốn bề là rừng cao su chị tưởng chừng không trụ lại được. Được sự động viên, tạo điều kiện của lãnh đạo trại giam, các đồng nghiệp nên dần dần chị hòa nhập tốt với đơn vị.

Gần 15 năm làm trinh sát, đại úy Nguyễn Thị Dung không nhớ hết những lần phá án ngay trong trại. Nhiều phạm nhân từng có nhiều tiền án tiền sự phải nể sợ chị. Có những phạm nhân từng bị chị bắt quả tang ngay trong trại khi lén sử dụng, mua bán ma túy. Khi phát hiện ra mình bị bắt thì mới biết đại úy Dung đã cải trang thành một phạm nhân ở cùng với họ.

Đại úy Dung cho biết, nhiều phạm nhân có diễn biến tâm lý rất phức tạp. Họ vào đây với áp lực phải chấp hành bản án nên không ít người chán nản, tuyệt vọng. Cán bộ trinh sát phải nắm tình hình diễn biến tâm lý, tư tưởng của phạm nhân để kịp thời tham mưu cho lãnh đạo. “Với những người sử dụng ma túy khi vào trại giam thường có những dấu hiệu khác thường như nôn ói, co giật hay thường xuyên mệt mỏi do thời gian dài không sử dụng. Khi sử dụng lại sẽ bị phản ứng nên bằng con mắt nghiệp vụ, mình có thể phát hiện được và theo dõi”, đại úy Dung nói.

Dẫn lối hoàn lương

Mỗi khi trại tiếp nhận phạm nhân mới, đại úy Đặng Thị Thanh Hải (SN 1980, quê Nghệ An), thường dành thời gian tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, con đường dẫn đến hành vi phạm tội của họ. Chị thường xuyên gặp gỡ để hiểu tâm tư, nguyện vọng từng người để động viên chia sẻ.

Đại úy Hải nhớ lại trường hợp của phạm nhân N.T.B.Tr (SN 1976) khi vào trại bị nghiện ma túy và nhiễm HIV. Là nữ phạm nhân có nhiều tiền án tiền sự trước khi nhập trại, tâm lý suy sụp khi biết mình mang căn bệnh HIV nên khiến cán bộ trại khó tiếp cận nói chuyện, chia sẻ.

Phạm nhân Tr. thường thu mình lại trong một không gian riêng. Sau khi tìm hiểu kỹ, đại úy Hải mới biết hoàn cảnh gia đình của Tr. đáng thương. Vì cú sốc từ gia đình mà Tr. phạm tội. Từ khi ở trong trại, Tr. không có người thân nào đến thăm nên cán bộ trại giam chú ý đặc biệt hơn. Giờ đây Tr. đã ổn định tâm lý, hòa nhập với những phạm nhân khác. Tinh thần phạm nhân này cũng mạnh mẽ hơn mặc dù trong người mang mầm bệnh nan y nhưng giờ Tr. rất lạc quan để sống.

Trường hợp phạm nhân N.T.L (SN 1974) bị kết án vì tội tổ chức đánh bạc vào năm 2006, nhưng mãi đến năm 2014, L. mới chấp hành bản án. Vào trại, tâm lý L. hoang mang, hoảng loạn và phát hiện có thai. Phạm nhân L. cho biết rất sợ đi tù nên lên kế hoạch phải sinh con liên tục để kéo dài thời gian hoãn chấp hành bản án. Trong hai năm 2008 và 2009, L. sinh liền hai con để kéo dài thời gian không thi hành bản án.

Gặp được đại úy Hải chia sẻ, L. phần nào bớt lo sợ, tâm lý ổn định hơn. Sau khi sinh con trong trại giam, đại úy Hải thường xuyên giữ con của L, đưa đến nhà trẻ trong trại giam để L. an tâm cải tạo tốt. “Ở trại giam này có một nhà trẻ, để nhận trông giữ con của chị em đang chấp hành án tại trại. Hiện tại trại có 17 cháu dưới 3 tuổi được cán bộ của trại nhận chăm sóc mỗi ngày”, đại úy Hải nói.

Những phạm nhân sau khi ra trại, trở về với gia đình, xã hội vẫn thường liên lạc hỏi thăm sức khỏe cán bộ đã từng cảm hóa, giáo dục họ hoàn lương. Như trường hợp của phạm nhân Đ.T.T (SN 1978) mà đại úy Nguyễn Thị Dung nhớ lại khi làm công tác giáo dục. Đ.T.T bị kết án 15 năm tù. Vì phát hiện người chồng cặp bồ, ngoại tình nên chị T. đã dùng axit tạt vào nhân tình của chồng. Khi vào trại, phạm nhân T. chán nản với tâm lý không muốn sống tiếp. Sau khi được cán bộ trại mà trực tiếp là đại úy Dung động viên cảm hóa, phạm nhân này có thái độ sống tích cực và cải tạo tốt hơn đã được đặc xá vào dịp 2/9 năm ngoái. Được biết hiện chị T. lấy chồng làm bác sĩ ở một bệnh viện tại TPHCM.

Trung tá Nguyễn Thành Hiếu, Phó giám thị trại giam An Phước cho biết, trại giam có 4 phân trại với gần 4.000 phạm nhân. Trong đó tập trung nhiều nhất là những phạm nhân phạm tội về ma túy, cướp, trộm cắp, giết người... Thời gian qua đơn vị tiếp nhận nhiều phạm nhân có nhiều tiền án tiền sự, án phức tạp. Cán bộ trại giam phải kiêm nhiệm nhiều công việc mới đáp ứng kịp thời nhiệm vụ. Trại giam An Phước nhiều năm liền là đơn vị quyết thắng được Bộ Công an tặng cờ thi đua. Năm 2008 là đơn vị được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Năm 2014, Trại giam này được Chủ tịch nước tặng Huân chương bảo vệ Tổ quốc. 

MỚI - NÓNG