Cho phép... là lên đường!

Cho phép... là lên đường!
TP - Hè đến, sinh viên trường Y, trường Sư phạm náo nức tình nguyện về vùng sâu, vùng xa, tham gia khám bệnh, dạy học. Nhiều học viên Học viện Tư pháp muốn được tham gia tư vấn pháp luật cho người dân, góp phần giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Tình nguyện hỗ trợ pháp lý cho dân:

Cho phép... là lên đường!

Quá tải

Trung tuần tháng 5, PV Tiền Phong có mặt tại trụ sở tiếp công dân của T.Ư Đảng và Nhà nước tại 110 Cầu Giấy (Hà Nội). Người ta đứng, ngồi ngoài sân, dọc hành lang, xếp lớp trong các phòng tiếp công dân. Đủ cả già, trẻ, nam, nữ, đến từ nhiều địa phương.

Đông nhất là dân các huyện Bù Gia Mập, Bù Đốp, Đồng Phú của tỉnh Bình Phước. Nội dung khiếu nại khá giống nhau, chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, từ trình tự, thủ tục thu hồi đến giá cả đền bù, người dân cho là chưa thoả đáng.

Bà Điểu Miên, trú tại xã Đắc Ơ (huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) nói: “Cán bộ lâm trường chặt điều của tôi, không thông báo, không đền bù, như thế là sai”.

“Tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả” - mục tiêu của Đề án Đổi mới công tác tiếp công dân, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bà Hồ Thị Tằm, trú tại phường Tân Phú (TX Đồng Xoài, Bình Phước) trình bày mạch lạc hơn: “Gia đình tôi khai phá 1,2 ha đất, trồng điều từ năm 1999. Đến 2005, UBND huyện Đồng Phú thu hồi, không cấp đất tái định canh cho gia đình tôi. Tôi khiếu nại, huyện chỉ lên tỉnh, tỉnh chỉ về huyện, đùn đẩy, kéo dài. Chúng tôi ra đây kêu lên T.Ư”.

Cán bộ ở đây gồm nhiều cơ quan: Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng, Văn phòng Chính phủ, Ban dân nguyện Quốc hội, Văn phòng Ban chỉ đạo PCTNTƯ. Tuy nhiên, dễ thấy nhân lực vẫn khá mỏng. Một cán bộ cho biết, 109 người dân Bình Phước đang có mặt tại Trụ sở.

“Họ ăn ở luôn tại đây, trông không vệ sinh và mỹ quan. Nhưng nghĩ cũng thương, ai thích gì cảnh ăn đợi nằm chờ tạm bợ. Họ muốn được tỉnh cử cán bộ ra để đối thoại, nên chưa chịu về”.

“Đừng né tránh đối thoại”

Hỏi ai phụ trách Trụ sở tiếp công dân, những người đi kiện nói ngay “bác Điệp”. Tưởng già lắm, vào phòng “bác Điệp” mới biết vị cán bộ nhiều năm công tác tại Thanh tra Chính phủ còn khá trẻ (sinh 1966), dép quai hậu, áo xẻ hông bỏ ngoài quần, không hút thuốc lá mà bỏm bẻm nhai trầu.

“Dân có lý của dân, cán bộ có lý của cán bộ, làm sao giữ được khách quan?”. Ông Điệp đáp ngay: “Đừng né tránh đối thoại. Những người khiếu nại, tố cáo chia ba loại. Thứ nhất, họ bị oan sai thật sự. Thứ hai là dạng quá khích. Thứ ba là những người cay cú, ăn thua. Không đối thoại không tìm ra được phương án giải quyết thoả đáng. Nhiều người đi kiện không đơn thuần chuyện bồi thường, họ phẫn nộ vì cán bộ thiếu công tâm”.

Kinh nghiệm của ông Điệp là cần lắng nghe, không cắt ngang, không to tiếng. Khi người đi kiện đỡ bức xúc, cần hỏi: Cuối cùng thì các bác muốn gì? Tất nhiên, cán bộ tiếp dân phải hiểu luật, thấy họ sai cũng phải nói, nhưng trích dẫn đầy đủ quy định pháp luật họ mới “tâm phục khẩu phục”.

“Để có kết quả, vô cùng khó”, ông Điệp tâm sự. “Chúng tôi làm văn bản gửi về địa phương, đề nghị giải quyết. Nếu không có kết quả thì báo cáo Tổng thanh tra hoặc Thủ tướng. Một số trường hợp, chúng tôi kiến nghị lập Đoàn thanh tra liên ngành, nhưng cũng hãn hữu, vì thiếu người. Theo Đề án đã được Thủ tướng phê duyệt, trong năm nay, chúng tôi sẽ được tăng cường cả nhân sự và cơ sở vật chất” - ông Điệp nói.

Cần luật sư tư vấn

“Khiếu nại tồn ứ, tòa hành chính lại đìu hiu. Ông có bình luận gì?”. Ông Điệp nhận xét “Dân ta chưa quen văn hóa tòa án, Tòa hành chính lại đang có nhiều hạn chế. Theo tôi, giải quyết khiếu nại tốt nhất là con đường tòa án. Tất nhiên cần những giải pháp để tăng chất lượng xét xử các vụ án hành chính”.

PV hỏi: “Nhiều học viên Học viện Tư pháp muốn được tham gia tiếp công dân, tư vấn pháp luật miễn phí cho họ. Trụ sở tiếp công dân có tạo điều kiện?”. Ông Điệp cười tươi: “Cá nhân tôi ô-kê ngay. Tất nhiên việc này phải được đồng ý của Tổng thanh tra”.

Ông Điệp nhận xét, cùng một sự việc, một hướng giải quyết, cán bộ giải thích, người dân chưa chắc đã tin, nhưng luật sư tư vấn, họ thường tin ngay. “Tôi tin học viên tư pháp sẽ giúp được chúng tôi nhiều việc, giảm áp lực ngay khâu tiếp nhận, phân loại hồ sơ, hiệu quả công tác tiếp dân sẽ tăng lên”.

“Tốt cho chính học viên”

Trao đổi với PV Tiền Phong, Tiến sĩ Nguyễn Văn Điệp - Chủ nhiệm Khoa Luật sư Học viện Tư pháp (nhiều người biết ông qua vai chủ tọa phiên tòa, chương trình “Tòa tuyên án” - VTV6) nhận định: “Học viên theo học luật sư, thẩm phán, công chứng viên... tại Học viện chúng tôi đều đã có bằng cử nhân luật. Việc họ vận dụng kiến thức đã học để giúp người dân, giúp cơ quan Đảng và Nhà nước, cần được ủng hộ. Tôi tin qua việc này, các học viên Tư pháp có điều kiện tốt để rèn luyện kỹ năng tiếp khách hàng, kỹ năng tư vấn giải quyết khiếu nại, tố cáo. Điều đó tốt cho chính họ. Tôi sẽ đề nghị lãnh đạo Học viện có văn bản chính thức về việc này”.

Tiến sỹ - luật sư Nguyễn Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Đào tạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận xét: “Người tập sự luật sư tham gia cùng cơ quan Nhà nước giải quyết khiếu nại có ý nghĩa và lợi ích rất lớn. Vai trò giúp đỡ pháp lý cho người dân của luật sư đã được quy định trong Luật Luật sư, Luật Khiếu nại - Tố cáo.

Thông qua việc nêu các ý kiến pháp lý, người tập sự luật sư sẽ giúp cơ quan Nhà nước có thêm căn cứ và cơ sở để tìm ra biện pháp giải quyết khách quan, dứt điểm; đồng thời, họ cũng rèn được những kỹ năng cần thiết của một luật sư chuyên nghiệp”.

Nguyễn Lệ Minh, học viên luật sư khoá 10 Học viện Tư pháp hào hứng: “Nếu được Học viện giới thiệu và Trụ sở tiếp công dân chấp nhận, tôi tình nguyện là một trong những người đầu tiên tham gia tư vấn pháp luật miễn phí cho người khiếu nại, tố cáo”.

Nguyễn Đình Anh Dũng, học viên cùng lớp với Lệ Minh, nói: “Tôi cũng sẽ đăng ký tham gia. Có thể kinh nghiệm còn hạn chế, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng. Chúng tôi có thể tham gia một số ngày trong tháng, trong suốt thời gian tập sự nghề luật sư”.

109 người khiếu nại ở Bình Phước đã trở về địa phương trước ngày bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, sau khi có cuộc đối thoại với Tổ công tác của tỉnh Bình Phước phối hợp với Trụ sở tiếp công dân của T.Ư Đảng và Nhà nước. Một Đoàn thanh tra liên ngành dự kiến thành lập để giải quyết vụ việc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG