Cho vay qua ứng dụng trên điện thoại: Ấn lãi 'treo cổ', khủng bố con nợ

Chị Q đang trình bày với PV Tiền Phong
Chị Q đang trình bày với PV Tiền Phong
TP - Dù không có nhu cầu sử dụng tiền nhưng qua nhiều lần đối tượng cho vay “năn nỉ ỉ ôi” kèm theo lời hứa không thế chấp, nhận tiền nhanh, lãi suất thấp,… một giáo viên ở Sóc Trăng đã đồng ý vay tiền qua app trên điện thoại với số tiền 4 triệu đồng. Từ đó bị dẫn dụ lòng vòng, cô giáo đang phải sống trong nỗi khốn khổ vì bị đe dọa…

Cho vay 30 triệu, sau 5 tháng đòi 160 triệu

Theo trình bày của chị Ðỗ H.Q giáo viên tại một trường ở huyện Trần Ðề (tỉnh Sóc Trăng), tháng 6/2019, chị nhận được tin nhắn mời vay tiền mặt qua ứng dụng trên điện thoại di động nhưng do không có nhu cầu nên chị không quan tâm. Sau đó, chị Q nhận thêm nhiều tin nhắn với lời hứa hấp dẫn như: Chỉ cần chuyển bản chụp chứng minh nhân dân, số tài khoản, không cần thế chấp, nhận tiền nhanh, lãi suất thấp, giao dịch qua điện thoại, nhận và trả tiền qua tài khoản… cuối cùng chị đồng ý vay 4 triệu đồng. Từ khi nhận được tiền, mọi rắc rối bắt đầu diễn ra, và đến nay số nợ mà chị phải trả đã hơn 100 triệu đồng, dù chị Q đã trả cho họ khoảng 60 triệu đồng.

Chị Q kể: Khi vay tiền, chị đã tải một ứng dụng về để vay. Trong khi đó, khi làm thủ tục các đối tượng đã yêu cầu chị cung cấp những thông tin cá nhân, số tài khoản, chụp ảnh chứng minh nhân dân mặt trước và sau.

Lần đầu tiên, chị Q vay 4 triệu đồng, nhưng khi giải ngân, chị chỉ được nhận 2.140.000 đồng, thời gian vay là 1 tháng. Ðể trả dứt số nợ trong vòng 1 tháng này, chị Q phải thanh toán đủ 4 triệu đồng. Theo chị Q, chị chỉ được nhận 2.140.000 đồng vì đã bị trừ trước số tiền lãi của ngay tháng nhận tiền vay. Sau đó, đến ngày thanh toán, chị Q chưa trả được thì chủ nợ tiếp tục giới thiệu chị cài các ứng dụng vay tiền khác.

Hiện nay, chị Q đã vay tiền thông qua hơn 10 app, số tiền nợ lên đến hơn 100 triệu đồng trong khi thực chất số tiền chị vay chỉ được trên dưới 30 triệu đồng.

Chị Lâm cho biết: “Khi tôi đồng ý vay tiền, họ giới thiệu ứng dụng cho vay tiền mặt và hướng dẫn tôi click vào ứng dụng về công nghệ cho vay để xem. Trong khi tải ứng dụng về, tôi phải cho phép họ thông qua ứng dụng cho vay truy cập danh bạ, hình ảnh, cuộc gọi… trong điện thoại của mình. Ðến nay, tôi không còn khả năng trả nợ thì những người cho vay, dùng nhiều số điện thoại liên tục gọi điện cho tôi và một số người thân trong gia đình, trong cơ quan, bạn bè.

Họ gọi liên tục và dùng những lời lẽ rất độc ác, chửi rủa, thậm chí họ đăng tải hình ảnh tôi trên mạng xã hội với lời lẽ xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm, đe dọa đủ điều khiến, tôi và gia đình quá lo sợ phải tắt máy. Hôm nay, họ gửi tin nhắn vào máy chị tôi giả mạo trang tin của Công an thành phố Hồ Chí Minh truy nợ tôi”.

Cho vay qua ứng dụng trên điện thoại: Ấn lãi 'treo cổ', khủng bố con nợ ảnh 1 Đối tượng cho vay lập trang tin Công an TPHCM giả để khủng bố con nợ là chị Q
Muốn báo công an cũng gặp khó khăn

Thượng tá Phạm Viết Khái, Trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết: Từ đầu năm 2019 đến nay đã phát hiện, đấu tranh với 9 đối tượng trong 6 vụ có dấu hiệu tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Tuy nhiên, cho vay qua ứng dụng điện thoại (app) thì chưa có nạn nhân nào trình báo, nếu nhận được trình báo thì cơ quan công an sẽ tiếp nhận hồ sơ và xem xét, giải quyết. Tính đến nay, toàn tỉnh phát hiện 15 vụ với 25 đối tượng, khởi tố điều tra 4 vụ, 4 bị can, đã đưa ra xét xử 2 vụ ở TP Sóc Trăng và huyện Mỹ Xuyên đối với hai bị cáo là Lê Thành Lợi (SN 1990, ở TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) và Trần Quang Vũ (SN 1995, ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), tuyên phạt mỗi bị cáo 18 tháng tù về tội cho vay nặng lãi. Trong đó, Lợi cho hơn 60 người vay với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng, thu lợi nhuận bất chính gần 223 triệu đồng; Vũ cho 82 người từ tỉnh Bạc Liêu và huyện Mỹ Xuyên vay, với tổng số tiền gần 233 triệu đồng, mức lãi suất gấp 14,07 lần đến 18 lần, khiến 82 người không còn khả năng trả lãi.

Theo ông Nguyễn Hồng Phuông, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng, nạn cho vay nặng lãi với lãi suất 240% - 360%/năm đang phát sinh nhiều hơn so với những năm trước. Tại Mỹ Xuyên, Châu Thành, Mỹ Tú, Long Phú, Kế Sách, Cù Lao Dung và TP Sóc Trăng (Sóc Trăng) có phát sinh nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi.

Khi chúng tôi khuyên nên trình báo với cơ quan công an thì chị Q nói: “Khi họ gọi điện cho lãnh đạo nhà trường để đòi nợ tôi, lãnh đạo cũng mời tôi lên và khuyên tôi kiếm tiền trả cho họ. Ðến lúc tôi không còn khả năng trả nợ, bị họ đe dọa, khủng bố, tôi tiếp tục báo lãnh đạo trường cho phép tôi trình báo với công an thì lãnh đạo trường không cho, vì sợ ảnh hưởng đến việc xét thi đua của trường. Lãnh đạo trường khuyên tôi xoay xở trả xong nợ, nhà trường sẽ ký giấy cho tôi vay tiền ngân hàng. Tuy nhiên, tôi không thể chịu nổi sự “khủng bố” hăm dọa của những người đòi nợ nên ngày 27/11 tôi đã gửi đơn trình bày đến Công an huyện Trần Ðề, Công an huyện Mỹ Tú (nơi gia đình chị Q sinh sống-PV) và Công an tỉnh Sóc Trăng”.  

Cho vay qua ứng dụng trên điện thoại: Ấn lãi 'treo cổ', khủng bố con nợ ảnh 2

Tín dụng đen sử dụng công nghệ cao rất tinh vi

Theo luật sư Hoàng Văn Quyết, Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng, việc giao dịch cho vay như thế này cần phải nghiên cứu kỹ hợp đồng thỏa thuận giữa hai bên, bên cho vay có được cấp phép hoạt động tài chính hay không. Hiện nay, cho vay tiền qua ứng dụng app là một dạng tín dụng đen sử dụng công nghệ cao rất tinh vi. Người dân cũng tin vào việc cho vay để cung cấp hình ảnh, thông tin cá nhân đăng ký vay ở các app. Đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo quy định hiện nay, ngoài giấy phép đăng ký kinh doanh, để được hoạt động cho vay tín dụng tổ chức, cá nhân phải được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Việc nhân viên các tổ chức cho vay đưa hình ảnh người vay lên mạng xã hội với nội dung bôi nhọ, xúc phạm là vi phạm luật. Trong trường hợp này, người vay có thể kiện bên cho vay để đòi bồi thường danh dự, nhân phẩm của mình. 

Việc cho vay tín chấp dẫn đến phát sinh tranh chấp, là sự thỏa thuận giữa các bên. Tuy nhiên cần chú ý mức lãi suất cho vay không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Vì vậy, nếu bên vay không trả được nợ và phía bên cho vay khởi kiện ra tòa, lúc đó pháp luật chỉ bảo vệ quyền lợi của bên cho vay trong phạm vi lãi suất pháp luật cho phép, phần vượt quá lãi suất sẽ không được pháp luật bảo vệ.

Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” được quy định như sau:

1/ Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

2/ Người phạm tội thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 - 36 tháng.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.