Chủ tịch Bắc Ninh bị đe dọa: Cần làm rõ người “chống lưng” cho cát tặc

Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu.
Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu.
TPO - Liên quan đến việc Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh phải cầu cứu Chính phủ vì bị đe doạ, Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu cho rằng, cần điều tra làm rõ người “chống lưng” cho cát tặc.  

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP Hà Nội cho biết: “Địa bàn huyện Phúc Thọ là điểm nóng hoạt động của cát tặc, chính vì thế tôi rất thấu hiểu và chia sẻ với đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.

Vào năm 2014; 2015 chúng tôi đã “làm rắn” với cát tặc, một số cán bộ huyện Phúc Thọ cũng lo cho tôi khi tham gia giao thông. Bản thân cũng phải cẩn trọng, quan sát mỗi ra đường vì các đối tượng khai thác cát tặc rất manh động, vì dưới lòng sông là cả một thế giới ngầm được xã hội đen bảo kê”. Và đằng sau những ông chủ cát tặc là những người “chống lưng”, ông Hiểu nói.

Ông Hiểu cho rằng, ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã rất trách nhiệm, cát tặc là một thách thức rất lớn khiến chủ tịch tỉnh phải làm đơn cầu cứu.

Theo ông Hiểu, thời gian vừa qua, Thủ tướng, các phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành đã quan tâm nhiều hơn đến hoạt động của cát tặc, bước đầu đã có kết quả. Tuy nhiên, tình hình hoạt động của cát tặc vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

Chính vì thế, để dẹp được cát tặc cần phải nghiên cứu, cân nhắc kỹ việc tổ chức triển khai nạo vét luồng lạch. Tránh lợi dụng chủ trương nạo vét đúng đắn để biến thành hoạt động khai thác bất hợp pháp. Theo ông Hiểu, để phân biệt ranh giới giữa việc làm đúng và sai ở dưới lòng sông thì không hề dễ dàng.

Theo đó, muốn dẹp được cát tặc, chúng ta cần phải có chính sách đồng bộ, nếu mỗi địa phương quản một cách thì rất khó, điển hình như Hà Nội thì cấm trong khi Vĩnh Phúc lại cho, như vậy sẽ rất khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm tra xử lý.

 Ngoài ra chúng ta, cần phải có 1 đợt ra quân quyết liệt giống như ra quân đòi lại vỉa hè hiện nay và phải xử lý nghiêm những vụ việc khai thác trái phép để răn đe.

Ở đây nó không còn là an toàn đường thuỷ, không còn là tài nguyên cạn kiệt mà nó liên quan trực tiếp đến đời sống, an ninh trật tự của hàng vạn người dân. Và đến thời điểm nào đó, nhà nước phải giải quyết chỗ ở cho hàng vạn người dưới sông, lúc đó sẽ phải bỏ ra một khoản kinh phí rất lớn, ông Hiểu nói.

MỚI - NÓNG