Chủ tịch xã Cửa Dương bị tố cáo tham gia phá rừng?

Chủ tịch xã Cửa Dương bị tố cáo tham gia phá rừng?
TP - Sau loạt bài “Loạn đất đai trên đảo Phú Quốc” trên báo Tiền phong, nhiều bạn đọc trên hòn đảo này tiếp tục phản ánh, tố cáo những phi vụ mua bán đất công, phá rừng chưa được xử lý, đặc biệt là một số vụ liên quan đến cán bộ.
Chủ tịch xã Cửa Dương bị tố cáo tham gia phá rừng? ảnh 1
Người dân khẳng định khu rừng bị thảm sát này có sự tham gia của Chủ tịch xã Cửa Dương Phan Tấn Du

Tại ấp Gềnh Gió, xã Cửa Dương một khu rừng rộng trên 3 ha, nằm cách mặt đường quy hoạch du lịch chừng 120m vừa bị chặt, ủi trắng. Nhiều gốc cây lớn hiện vẫn còn nằm ngổn ngang.

Ông Nguyễn Văn Hiền, một cựu chiến binh trên đảo, nhà gần với vị trí khu rừng bị thảm sát nói: “Tôi là dân cố cựu ở đây, làm trinh sát cho cách mạng trên đảo từ 1959. Hồi trước nhiều người thiếu đất, trong đó có tôi xin khai khẩn phía dưới nhưng bên kiểm lâm không cho, họ nói đất rừng.

Khi thấy có người đưa xe cơ giới vô phá rừng lên gần đỉnh núi dân phản ánh, thắc mắc. Hỏi ra mới biết là có chủ tịch xã khai phá đất. Tôi khẳng định là có ông Phan Tấn Du - Chủ tịch xã Cửa Dương cùng ông Diệp Hoàng Nam (người nhà ông Du) tham gia vụ phá rừng này”.

Đây không phải là vụ phá rừng đầu tiên có sự tham gia của  cán bộ kiểm lâm huyện Phú Quốc. Vào đầu năm 2003, một vụ phá rừng quy mô lớn do một đại tá quân đội chỉ huy tại ấp Suối Mây, xã Dương Tơ, người dân cũng đã phát hiện có xe cơ giới của cán bộ kiểm lâm. Vụ phá rừng này đã không bị xử lý hình sự cho dù diện tích rừng bị tàn phá lên tới hàng chục ha. UBKT Tỉnh ủy Kiên Giang thời điểm đó biết rất rõ vụ này. 

Chủ tịch xã Cửa Dương bị tố cáo tham gia phá rừng? ảnh 2
Khu rừng nguyên sinh này xưa là cơ sở cách mạng, không hiểu vì sao lại bán được 6,6 tỷ đồng

Theo phản ánh của người dân, chúng tôi tới một khu rừng nằm sát biển tại ấp Ông Lang, xã Cửa Dương vừa bị sang bán 6,6 tỷ đồng cho một Cty. Người trông coi lô đất, bà Thạch Thị Hường chui từ túp lều nhỏ ra nói:

“Tôi trông coi đất này cho Cty A, mỗi tháng 1 triệu đồng tiền công. Việc mua bán thế nào tôi không biết. Nghe nói cuối năm nay họ đầu tư vào đây lớn lắm”.

Ông Trương Văn Bun nhà dưới chân núi tỏ vẻ bức xúc: “Tôi hoạt động cách mạng ở đây từ trước giải phóng, đâu là đất khai phá, đâu là đất rừng tôi không biết. Cái chỗ núi nó sang bán đây ngày xưa là cơ sở cách mạng, toàn rừng cây cổ thụ, có hang đá rộng lớn.

Cái bưng này các cụ đặt cho là núi Gềnh Lớn, bởi nó là ngọn núi duy nhất ương ngạnh quay về hướng tây nam. Cơ sở cách mạng này lẽ ra phải công nhận nó là di tích lịch sử. Mấy năm qua, lâm tặc đưa xe cơ giới vào chặt cây ầm ầm suốt ngày đêm, đưa mìn vào nổ rung rinh cả nhà dân mà đâu thấy chính quyền nói gì.

Vừa rồi nghe nói trưởng ấp Lê Văn Truyền và cán bộ địa chính xã Phan Văn Trị xác nhận, đo vẽ cho sang bán dân kiện quá chừng. Họp dân Bí thư xã nói sẽ thu hồi nhưng chưa thấy nhúc nhích gì”. 

Bà Phạm Thị Kim Dung, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Phú Quốc cho biết: “Ngày 13/11, tôi cùng ngành chức năng đã đến hiện trường vụ phá rừng và vụ mua bán đất rừng nói trên.

Liên quan đến vụ khai phá rừng bất hợp pháp tại xã Cửa Dương tôi đã nghe cử tri địa phương phản ánh, tố cáo thẳng thắn rằng có sự tham gia của Chủ tịch xã Phan Tấn Du. UBKT Huyện ủy và ngành chức năng sẽ sớm làm rõ vụ việc này. Hiện ông Diệp Hoàng Nam đã đứng ra nhận phá 3.000m2, hơn 2,7 ha còn lại vẫn chưa tìm ra thủ phạm”.

Vào lúc 13 giờ ngày 14/11/2007, một người xưng là Diệp Hoàng Nam số máy 0919336251 đã điện thoại đến một trinh sát (người đã giúp PV báo Tiền phong và một số cán bộ huyện đến khu rừng bị thảm sát và một số vụ khác) hăm dọa sẽ “làm thịt” nếu còn chống tiêu cực.

Vụ việc ngay lập tức đã được báo cho Bí thư Huyện ủy Phú Quốc và lực lượng Công an… Hôm nay huyện Phú Quốc sẽ có cuộc họp nội chính để xem xét, bàn xử lý một số vụ nổi cộm.   

UBND tỉnh Kiên Giang giải trình với Thủ tướng về thông tin đăng trên báo Tiền phong

UBND tỉnh Kiên Giang vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và BBT báo Tiền phong giải trình xung quanh loạt bài “Loạn đất đai trên đảo Phú Quốc” của tác giả Hồng Lĩnh đăng trên báo Tiền phong.

Bản báo cáo thừa nhận tình trạng mua bán, lấn chiếm, chuyển nhượng đất trái phép diễn ra trên địa bàn huyện Phú Quốc có nhiều diễn biến phức tạp. UBND tỉnh đã có chỉ đạo UBND huyện Phú Quốc cùng ngành chức năng tăng cường quản lý việc sử dụng đất đai trên địa bàn; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức và quần chúng nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đất đai.

Ngày 14/10/2007, UBND huyện Phú Quốc đã thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng đất các xã, thị trấn trên đảo. Qua kiểm tra đã phát hiện 162 trường hợp vi phạm, trong đó: 66 trường hợp lấn chiếm đất, 32 trường hợp chuyển nhượng và xây dựng trái pháp luật và 64 trường hợp khác đang thẩm tra, xác minh hoàn chỉnh hồ sơ để xử lý.

Đã có 23 trường hợp bị xử phạt hành chính và 24 quyết định thu hồi đất. Đến đầu tháng 11/2007, toàn huyện Phú Quốc còn tồn 283 quyết định thu hồi đất…

MỚI - NÓNG
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
TPO - Đại diện pháp luật một số doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Hòa Bình, Quảng Ninh... bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Trong đó, bà L.H.L. bị tạm hoãn xuất cảnh do Công ty Cổ phần Đô thị sinh thái Dầu khí Hòa Bình - chủ đầu tư dự án La Saveur De Hoà Bình nợ thuế hơn 1.000 tỷ đồng.