Quanh một mảnh đất bị thu hồi theo luật riêng ở Hà Nội:

Chữa cái sai này bằng cái sai khác (?!)

Chữa cái sai này bằng cái sai khác (?!)
TP - Ngày 1/7/1993, bằng Quyết định số 1157, một vị lãnh đạo UBND TP Hà Nội giao cho Cty đầu tư XNK Đồng Tháp, huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) 1.860m2 đất tại xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm (nay là quận Cầu Giấy) để làm trụ sở, nơi giao dịch và kho hàng (?).

Bốn năm sau, mảnh đất được sang tay cho 2 chủ thể nữa là Cty Du lịch XNK tỉnh Đồng Tháp và Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp mà không cần làm một thủ tục pháp lý nào khi chuyển quyền sử dụng theo quy định của pháp luật (Chỉ có mỗi văn bản chấp nhận của UBND TP Hà Nội).

Từ dạo đó đến nay, mảnh đất bị bỏ hoang hoá, không được xây dựng bất kỳ công trình nào theo dự án, trừ mấy gian nhà cấp 4 (trên 150m2) xây trái phép.

Trên thực tế các đơn vị kể trên không có nhu cầu sử dụng đất, nhưng vì cơ chế “xin cho” quá dễ dàng nên họ đã xây dựng nên một dự án “ma” nhằm chiếm giữ một mảnh đất lớn. Theo điều 5 của Nghị định 18/CP (13/2/1995) của Chính phủ thì các đối tượng này chỉ được quyền thuê đất chứ không được giao đất lâu dài (Báo cáo của Thanh tra Chính phủ 27/3/1997).

Lật lại hồ sơ vụ cấp đất này cho thấy: mục 6 điều 2 trong “Giấy phép sử dụng đất” số 1157 và Hợp đồng 223 - 93 của Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội về việc “thu tiền đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật” (15/7/1993) của đơn vị được giao đất đều nói “Công trình này thuộc diện phải ký hợp đồng thuê đất” và phải nộp tiền thuê đất theo QĐ 1980/QĐ-UB và QĐ số 1486/QĐ-UB ...

Phần thuê đất sẽ thực hiện theo các quy định và hướng dẫn thuộc Pháp lệnh thuế nhà đất. Quy định như vậy nhưng trong toàn bộ hồ sơ liên quan đến mảnh đất 1.860m2 này không hề có hợp đồng thuê đất của 3 chủ thể kể trên kéo dài trong 14 năm.

Như vậy là vô hình trung, chính UBND TP Hà Nội, Văn phòng KTS trưởng (nay là Sở QH&KT) và UBND quận Cầu Giấy đã “bật đèn xanh”, tạo điều kiện cho mấy đơn vị ở Đồng Tháp trốn việc thuê đất, hưởng lợi bất chính từ việc được giao đất; làm thất thoát của Nhà nước một khoản thu đáng kể trong nhiều năm.

“Râu ông nọ cắm cằm bà kia” - Nỗi niềm ai tỏ?

Liền kề mảnh đất trên là mảnh đất khác của gia đình ông Lý Quang Lâm, diện tích trên 1 sào, mua của một hộ cùng địa phương từ năm 1979. Sau khi mở rộng quốc lộ 32, đất của ông Lâm chỉ còn khoảng 200m2.

Phải nói thêm rằng đất của “Đồng Tháp” được giao tháng 7/1993 là đất nông nghiệp thuộc xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm - nay là quận Cầu Giấy, còn đất của gia đình ông Lâm là đất thổ cư thuộc phường Quan Hoa - hoàn toàn khác nhau về địa giới hành chính. Trong biên bản đền bù đất canh tác và hoa màu của các hộ bị thu hồi đất tại xã Dịch Vọng để cấp cho “Đồng Tháp” lúc đó hoàn toàn không có tên gia đình ông Lâm.

Mấy đơn vị của Đồng Tháp sau khi thay nhau tiếp quản mảnh đất nông nghiệp này, đã không ngừng gây sức ép nhằm thôn tính mảnh đất ở của gia đình ông Lý Quang Lâm (để cho vuông mảnh đất của họ). Mười mấy năm nay, các cơ quan công quyền ở địa phương (kể cả UBND TP Hà Nội) đều rõ bản chất việc này, nhưng không rõ vì sao cứ làm như không biết và chỉ đứng về phía “Đồng Tháp”. Hệ quả là có tới 2 lần ông Lâm bị cưỡng chế đập phá nhà cửa, vợ và con lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.

Thanh tra đã đưa ra nhiều ý kiến kết luận về những sai trái trong việc giao đất và để lãng phí mảnh đất kể trên. Riêng về gia đình ông Lý Quang Lâm, Báo cáo Thanh tra ngày 27/3/1997 đã khẳng định: “Diện tích 202m2 đất gia đình ông Lý Quang Lâm đang quản lý, sử dụng là hợp pháp ...”.

Mới đây, ngày 19/9/2007, UBND TP Hà Nội đã ra QĐ số 3696/QĐ-UBND về việc thu hồi 1.461m2 đất tại phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, giao cho Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Công an để xây dựng nhà khách (đã trừ đất làm đường).

Điều 1 tại quyết định kể trên bao gồm cả 190m2 đất hộ gia đình ông Lý Quang Lâm đang sử dụng làm nhà ở cấp 4 và ki-ốt bán hàng.

Dư luận tiếp tục hỏi, trên cơ sở lý và tình gì để ra Quyết định 3696?

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.