Chưa phục hồi điều tra vụ bị can chết ở công an Vĩnh Long

Bà Trịnh Kim Liên. Ảnh: Tuổi trẻ.
Bà Trịnh Kim Liên. Ảnh: Tuổi trẻ.
TPO - Cơ quan điều tra – VKSND Tối cao vừa có văn bản trả lời đơn khiếu nại của bà Trịnh Kim Liên (TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) liên quan tới cái chết của chồng bà Liên tại Công an TP.Vĩnh Long.

Văn bản kể trên mang số 298/VKSTC-C1(P5) do Phó Thủ trưởng cơ quan Cơ quan điều tra – VKSND Tối cao là ông Nguyễn Duy Dũng ký gởi bà Liên vào ngày 21/3.

Văn bản này nêu, vào 14/11/2013, Cơ quan điều tra đã có Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 22/VKSTC-C6 về tội “Dùng nhục hình” xảy ra tại Công an TP Vĩnh Long. Đến ngày 15/9/2014, Cơ quan điều tra đã Quyết định trưng cầu giám định pháp y bổ sung. Do hết hạn điều tra nên Cơ quan điều tra ban hành Quyết định tạm đình chỉ điều tra, chờ kết luận giám định pháp y bổ sung.

Ngay sau khi Cơ quan điều tra đình chỉ điều tra vụ “Dùng nhục hình’, gia đình nạn nhân đã có đơn khiếu nại về nội dung đình chỉ điều tra của Cơ quan điều tra, cũng như kết luận giám định pháp y (bổ sung).

Tại văn bản trả lời gia đình nạn nhân vào ngày 21/3/2016, Cơ quan điều tra cho rằng căn cứ kết quả giám định pháp y bổ sung và tài liệu điều tra, không đủ cơ sở để phục hồi điều tra nên Cơ quan điều tra chưa phục hồi điều tra.

Chưa phục hồi điều tra vụ bị can chết ở công an Vĩnh Long ảnh 1

Văn bản trả lời đơn khiếu nại của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao.

Trả lời về đề nghị của gia đình nạn nhân về việc cung cấp Kết luận giám định pháp y, Cơ quan điều tra cho rằng “khi nào Cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu” thì Cơ quan điều tra mới cung cấp.

Vụ nghi can chết tại Công an TP Vĩnh Long xảy ra vào tháng 5/2013. Cụ thể vào 9h ngày 28/5/2013, anh Nguyễn Văn Đức và vợ đến Công an TP Vĩnh Long theo yêu cầu.

Tại Công an TP Vĩnh Long, cán bộ công an đọc lệnh bắt tạm giam Nguyễn Văn Đức vì hành vi cướp tài sản.

Rạng sáng ngày 29/5/2013, sau gần một ngày ở Công an TP Vĩnh Long, anh Đức được công an đưa vào bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long trong tình trạng da niêm hồng, mạch 80 lần/phút, huyết áp 150/80 mmHg, nhịp thở 20 lần/phút, nhiệt độ 37 độ C…

Đến 7h20, anh Đức xuất hiện các triệu chứng co giật, hành vi bất thường và nhiều diễn biến đột ngột. Bác sĩ chẩn đoán sốt chưa rõ nguyên nhân, tiên lượng dè dặt.

Sau đó bác sĩ cho xét nghiệm sinh hóa máu điện giải đồ, xét nghiệm vi sinh để tìm ký sinh trùng sốt rét nhưng không thấy.

Đến 8h, anh Đức nhắm mắt kín, gồng cơ tự ý, không tiếp xúc. Đến 17h 15 phút cùng ngày, anh Đức bị hôn mê, mạch bằng 0, tim phổi không nghe được.

Bác sĩ cho truyền dịch, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, đồng thời báo cho phía công an là anh Đức đã ngưng tim. Sau 20 phút hồi sức tích cực, mạch và huyết áp vẫn bằng 0, chi lạnh, tim không nghe được. Đến 18h thì mạch và huyết áp vẫn bằng 0, chi lạnh, ngưng thở, ngưng tim…

Giấy chứng tử ghi nguyên nhân chết là “đột ngột, ngưng tim, ngưng thở nghi do xuất huyết não”. Công an tỉnh Vĩnh Long giải thích anh Đức tử vong là do tự té và chấn thương sọ não”.

Chiều 4/6/2013, BV Đa khoa Vĩnh Long họp hội đồng khoa học, gồm 21 bác sĩ và 5 điều dưỡng để tìm nguyên nhân cái chết của anh Đức. Hội đồng này đưa ra các giả thiết về nguyên nhân chết, trong đó có giả thiết nạn nhân té ở độ cao từ hơn chục mét thì mới có thể gây ra các tổn thương nghiêm trọng như vậy; Có thể do ẩu đả tại nơi giam giữ; Có thể anh Đức bị đập đầu vào tường, sau đó té lăn xuống đất rồi bị ai đó giẫm lên ngực, bụng làm gãy xương ức, xương sườn ở hai bên và nứt sọ”… 

Gia đình anh Đức liên tục gửi các đơn yêu cầu xử lý hình sự những người liên quan đến các cơ quan chức năng.

Ngay sau khi nhận được công văn của Cơ quan điều tra lần này, gia đình nạn nhân và luật sư Phạm Công Út (Đoàn LS TP.HCM – hỗ trợ pháp lý cho gia đình nạn nhân) cho hay, họ sẽ khiếu nại tiếp lên VKSND Tối cao.

MỚI - NÓNG