Chưa thể xóa bỏ tình trạng luật chờ nghị định?

Chưa thể xóa bỏ tình trạng luật chờ nghị định?
TP - “Tâm lý chờ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chưa được xoá bỏ, nên đối với hầu hết các luật, pháp lệnh vẫn phải hướng dẫn cả trong nghị định, thông tư và các văn bản khác mới triển khai thi hành”- Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên trao đổi với Tiền Phong về công tác xây dựng pháp luật nhân dịp khai mạc kỳ họp thứ tư, QH khóa XIII.
Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên
Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên .

Ông đánh giá như thế nào về tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư, thông tư có khi vẫn phải có công văn hướng dẫn mới đủ rõ để thi hành…

Một số văn bản luật, pháp lệnh do phải điều chỉnh những vấn đề mới, có đối tượng điều chỉnh phức tạp lại đang biến động không ngừng, chưa ổn định và phổ biến, nên phải dừng lại ở mức độ điều chỉnh chung, có tính nguyên tắc và định hướng, còn việc quy định chi tiết để có thể thực hiện được giao cho Chính phủ, Bộ, ngành, theo nguyên tắc ủy quyền lập pháp được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.

Trong trường hợp này, luật và pháp lệnh phải có nghị định hướng dẫn thi hành là điều dễ hiểu.

Dễ nhận thấy tình trạng này làm cho luật chậm đi vào cuộc sống và giảm hiệu lực thi hành của luật. Để khắc phục tình trạng này, theo ông cần phải làm gì?

Cần tăng cường kỷ luật ban hành nghị định của Chính phủ. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành phải bảo đảm có hiệu lực đồng thời với văn bản được quy định chi tiết.

Quy định đó đòi hỏi các cơ quan chủ trì phải đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, kịp thời ban hành trước khi luật có hiệu lực.

Có ý kiến cho rằng quy trình xây dựng pháp luật của ta vẫn theo một lối mòn, còn cán bộ thực thi thì thụ động?

Chúng ta đang thực hiện một quy trình xây dựng văn bản như đã trở thành truyền thống: QH ban hành luật, pháp lệnh; Chính phủ ban hành nghị định hoặc Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định, các bộ, ngành ban hành thông tư; địa phương các cấp tiếp tục cụ thể hoá bảo đảm phù hợp với đặc thù của địa phương mình.

Thiếu một trong những mắt xích nói trên, luật và pháp lệnh hoặc nghị định và quyết định... chưa thể đi vào cuộc sống được. Cách làm đó đã ăn sâu vào tâm lý chung của xã hội, trở thành tâm lý thường trực của cán bộ, công chức, viên chức.

Bị động, chờ đợi văn bản hướng dẫn, thậm chí chờ đợi tập huấn đã rồi mới triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị định... đang là lực cản không nhỏ đối với hiệu lực pháp luật trong cuộc sống.

H.L
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Thúy Diễm lo ngại về Hồng Diễm
Thúy Diễm lo ngại về Hồng Diễm
TPO - Khác với nhiều phân cảnh căng thẳng, đấu đá trên phim "Trạm cứu hộ trái tim", diễn viên Thúy Diễm (vai Mỹ Đình) cho biết hậu trường quay phim luôn tràn ngập tiếng cười. Nữ diễn viên cũng tiết lộ người người hay bày trò nhất lại là người có vai diễn trầm nhất.