Chuyện mếu cười quanh vành móng ngựa: Kỳ 2

Chuyện mếu cười quanh vành móng ngựa: Kỳ 2
TP - Thực tế, có nhiều luật sư, nhà báo đã có vai trò quan trọng, có trường hợp mang tính quyết định, trong việc giúp HĐXX làm rõ các tình tiết phức tạp của vụ án. Thế nhưng, ở chốn pháp đình, sự xuất hiện của họ dường như chưa được quan tâm đúng mức.

>> Kỳ 1

Luật sư: Được mặc tùy hứng

Các bị cáo gần đây ra tòa được bỏ đi bộ quần áo “kẻ sọc”, việc này giúp mọi người nhớ rằng: Họ rất có thể sẽ được tòa tuyên “không phạm tội”.

Tuy nhiên, còn nhiều người tham gia tố tụng lại chưa có quy định cụ thể. Chẳng hạn, luật sư ra tòa mặc ra sao, từng được giới luật sư bàn tán lai rai năm này qua năm khác, nhưng chưa thấy Bộ Tư pháp đề ra chuẩn.

Hiện nay, phần lớn luật sư ra tòa thường mặc com lê, thắt cà vạt. Song mốt này chỉ hợp với đàn ông, và cũng chỉ tiện cho xuân - thu - đông. Mùa hè, tùy. Có người mặc dài tay, có người cộc tay, có người sơ mi, có người ký giả, có người thắt cà vạt, có người không. Chưa có quy định, nên không thể đánh giá thế nào là nghiêm túc hoặc không nghiêm túc.

Nhiều người cho rằng, luật sư, người giám định, người phiên dịch... khi ra tòa rất cần quy định về trang phục, điều này không chỉ giúp họ ý thức tốt hơn quyền và nghĩa vụ của mình, mà còn giúp không khí phòng xử án trang nghiêm hơn.

Còn chuyện chỗ ngồi của luật sư nữa. Nhiều người đánh giá tại các phiên tòa, luật sư là những người giúp HĐXX làm rõ các chứng cứ, các tình tiết của vụ án, chống làm oan người vô tội, ở góc độ đó quyền của họ ngang với công tố viên. Vì vậy, cần để luật sư và công tố viên ngồi ngang nhau (giống như ở các nước), không nên như hiện nay, công tố viên ngồi trên cao, luật sư ngồi dưới thấp.

Quay lại chuyện các bị cáo. Phần lớn những người đang bị tạm giam hiện ra tòa đều bị còng tay. Người viết bài này mới đây dự một phiên tòa do Tòa phúc thẩm TANDTC mở lưu động tại Hải Phòng, xử vụ làm giả cổ phiếu chứng khoán. Một bị cáo nữ trong vụ án này có thai trước khi bị bắt, và đã bị tạm giam suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử (Tiền phong đã có bài phản ánh).

Ngay sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo này đã sinh con trai. Phiên tòa phúc thẩm thu hút nhiều nhà báo đến dự, thấy chị ta không bị còng tay, song dáng đi lê lết rất không bình thường. Nhìn kỹ, té ra hai cổ chân chị ta bị khóa, nối với nhau bằng một sợi xích sắt to và nặng. Các nhà báo dự tòa không khỏi động lòng: Có cần còng chân vậy không, khi chị ta chưa từng có tiền án tiền sự, con nhỏ thì đang gửi lại trại tạm giam để ra hầu tòa?

Tại một số phiên tòa, nếu có luật sư bào chữa, thường các bị cáo sẽ được luật sư của mình đề nghị HĐXX tháo còng. Thiết nghĩ về việc này, cũng nên có quy định cụ thể:

Chỉ một số trường hợp đặc biệt cần phải còng tay (lưu manh chuyên nghiệp, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, trong lúc bị tạm giam có biểu hiện manh động...), còn thì tương tự như bỏ chiếc áo sọc, nên bỏ luôn việc còng tay các bị cáo, khi đưa họ ra trước vành móng ngựa để xem xét họ phạm tội hay không phạm tội.

Nhà báo: Không được ghi âm?!

Quá trình làm báo dự nhiều phiên tòa, duy nhất có lần người viết bài này được HĐXX bố trí... chỗ ngồi (có bàn để ghi chép), ngang hàng với các luật sư. Đó là phiên tòa sơ thẩm TAND huyện Mỹ Hào - Hưng Yên mở để xét xử vụ “hủy hoại tài sản công dân”.

Đây là vụ án được bạn đọc Tiền phong biết đến qua loạt bài nói về dấu hiệu oan sai của hai người chăn vịt và hai cậu học sinh lớp 12, bị tình nghi phá hoại lúa.

Được bố trí chỗ ngồi không là chuyện to tát gì, song đáng ghi nhớ ở chỗ, trong Luật Báo chí có ghi nhà báo được tác nghiệp tại những phiên tòa mở công khai. Ai cũng biết, việc tác nghiệp của nhà báo đáng kể đến nhất chính là ghi chép, có một cái bàn để viết rõ ràng đàng hoàng hơn kê sổ lên đùi. Luật Báo chí được tôn trọng.

Nhưng ở nhiều phiên tòa khác, dường như Luật Báo chí chưa được tôn trọng thực hiện. Một lần, người viết bài này dự phiên tòa tại TAND quận H. của Hà Nội, để máy ghi âm bên cạnh, trên cặp sách. Không ngờ cô thư ký phiên tòa xinh đẹp nhìn thấy.

Cô thư ký lập tức yêu cầu tắt máy, tuyên bố nếu muốn sử dụng, phải xin phép chủ tọa. Người viết bài này phân trần rằng, tôi là nhà báo, theo Luật Báo chí thì tôi được quyền tác nghiệp tại phiên tòa công khai này. Cô thư ký không đáp, chỉ tay vào tấm bảng nội quy phòng xét xử, trên đó ghi rõ: Các nhà báo muốn ghi âm, chụp ảnh, quay phim, phải xin phép chủ tọa.

Việc phóng viên đi lại, len vào chỗ HĐXX ngồi mới ghi được hình ảnh bị cáo, dễ gây mất trật tự, ảnh hưởng không khí trang nghiêm của phiên tòa. Vì vậy, quy định quay phim, chụp ảnh phải được chủ tọa cho phép, thiết nghĩ là rất cần thiết.

Nhưng việc ghi âm là biện pháp nghiệp vụ thiết thực, thường xuyên của các nhà báo, nó kịp thời, đầy đủ, chính xác hơn ghi chép, lại không phải đi đi lại lại, không gây lóe sáng, không tạo ồn ào.

Cứ để cái máy nằm “im thin thít như thịt nấu đông” trong túi, nhẹ nhàng bật nút ghi, HĐXX dẫu có mắt lửa con ngươi vàng như Tôn Đại Thánh cũng không thể nào biết được. Vậy thì quy định “ghi âm phải xin phép” mà làm gì, cho mang tiếng là không tạo điều kiện cho các nhà báo tác nghiệp tại tòa theo đúng Luật Báo chí?!

------------------

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG